Chủ Nhật, 27 tháng 10, 2013

HÌNH ẢNH CHÚA - CÔNG BÌNH THÁNH KHIẾT

Thiên-Chúa là Đấng thánh khiết, công bình. Loài người ở trong tình trạng không sai trật theo cách của Chúa tức là sự thánh khiết công bình; khi ấy, họ phản ánh về Ngài, họ là hình ảnh Ngài (St 2:27).


Trong bài kế hoạch từ đời đời phần tổng quát, chúng ta đã khảo sát qua về việc Thiên-Chúa sáng tạo con người giống hình ảnh Ngài. Trong bài này chúng ta sẽ tìm hiểu chi tiết hơn về việc Thiên-Chúa sáng tạo con người với phẩm vị như vậy.
Chúng ta đã biết hình ảnh thiên Chúa chính là sự công bình, thánh thiện. Lời Chúa trong hai trích đoạn sau mạc khải cho chúng ta biết như thế về bản tánh Ngài :
Đệ nhị luật, Phục 32:4  “ Người là Núi Đá[1] : sự nghiệp Người hoàn hảo, vì mọi đường lối Người đều thẳng ngayChúa tín thành, không mảy may gian dối, Người quả là chính trực công minh.”
Tv, Thi 18:30 30 Còn Đức Chúa Trời, các đường lối Ngài là trọn vẹn; Lời của Đức Giê-hô-va đã được luyện cho sạch; Ngài là cái khiên cho những kẻ nào nương náu mình nơi Ngài.
Sự công bình, thánh thiện; nghĩa là, trong mục đích dự định cũng như cách thức thực hiện không hề có bất cứ sự sai trật nào ngoài bản tánh công bình, thánh thiện tự hữu nơi Thiên-Chúa. Với bản tánh công bình thánh thiện -Thiên Chúa đã sáng tạo Loài người theo khuôn mẫu ấy.
Sự công bình, thánh thiện được Thiên-Chúa ban cho loài người được bày tỏ trong cách ăn nết ở của họ. Trong việc bổn phận ở gia đình cũng như ở ngoài xã hội; thái độ, cung cách hay là nhân cách sống luôn phải phản ánh về sự công bình thánh thiện như bản tánh Thiên-Chúa vậy :
I Corinto 6:19-20  19 Hay anh em lại chẳng biết rằng thân xác anh em là Đền Thờ của Thánh Thần sao ? Mà Thánh Thần đang ngự trong anh em là Thánh Thần chính Thiên Chúa đã ban cho anh em. Như thế, anh em đâu còn thuộc về mình nữa, 20 vì Thiên Chúa đã trả giá đắt mà chuộc lấy anh em. Vậy anh em hãy tôn vinh Thiên Chúa nơi thân xác anh em.

Thế nhưng chúng ta phải phân biệt hai thời kỳ. Thời kỳ Thiên-Chúa sáng tao Adam và thời kỳ sau khi Adam vi phạm.

A.    Thời kỳ Adam được sáng tạo
Mọi tác phẩm đều phản ánh về chính Người sáng tạo ra chúng. Tác giả hoàn hảo thì tác phẩm cũng hoàn hảo và ngược lại. Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý việc Thiên-Chúa sáng tạo Adam. Adam không phải vật thọ tạo vô hồn; mà ông được sáng tạo giống như Thiên-Chúa, ít nhất là ở trí khôn, tình cảm, và sự khôn ngoan. Tất cả các phẩm chất đó tạo nên một ngôi vị hay là một con người, một sinh vật, một hồn sống có phẩm vị riêng biệt, được sáng tạo duy nhất một lần (Malakhi 2:15).
Một thọ tạo như thế cố nhiên có tư duy độc lập trong sự chọn lựa, trong mọi quyết định. Adam ông được sáng tạo với các phẩm chất thánh công bình hoàn hảo (St 1:31) nhưng một giới hạn ông không thể vượt qua nơi bản chất : ông vẫn là loài thọ tạo, là loài được dựng nên, được ban cho mà hoàn toàn không phải tự hữu, hằng hữu. Ông muốn được hằng hữu, tiên quyết Ông phải duy trì được sự công bình và thánh-thiện mà Chúa đã ban cho.

1.     Adam được sáng tạo trong tình trạng thánh và công bình
27 Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình”. Đối với Adam, Thiên-Chúa đã sáng  tạo ông trong tình trạng “rất tốt đẹp” (St 1:31); nghĩa là tinh-thần cũng như thân xác của ông ở trong tình trạng hoàn toàn không có gì sai trật đối với ý định của Ngài. Tinh thần không có bất kỳ sự thiên-lệch nào cũng như thể xác gồm các bộ phận hoạt động đúng với chức năng được ấn định. Đời sống với sự thánh-thiện, công bình là tính chất được sáng tạo, Adam đã phản ánh về đúng bản tánh Thiên-Chúa.
Sự sáng tạo với các điều kiện phải có đối với Adam như thế chính là sự ban cho nhưng không, vì kế hoạch yêu thương từ đời đời của Thiên-Chúa; trong kế hoạch đó :
ü  Đối với Thiên-Chúa : Ngài muốn cư ngụ trong tấm lòng Adam. Như vậy ông cần phải được Thiên-Chúa sáng tạo giống như hình ảnh của Ngài, nghĩa là trong tình trạng công bình, thánh thiện. Và Ngài đã thực hiện như vậy cho Adam (I Gioan 3:24. Gioan 14:21,23. Cn 8:31).
ü  Đối với Adam : Ngài muốn, ông được sống đời đời ngay trên trái đất này (St 2:15-17. Kh 5:9-10) với điều kiện phải duy trì được phẩm vị đã được Ngài ban cho, đó là : sự thánh-thiện và công bình. Nói cách khác muốn sống đời đời Adam phải duy trì mãi hình ảnh Thiên Chúa đã được ban cho nơi cá nhân ông.

Mặt khác nữa trong điều kiện để Adam sống đời đời phải có môi trường sinh sống hoàn hảo rất tốt đẹp trên đất. Đúng vậy, Thiên-Chúa cũng đã sáng tạo môi trường, và mọi loài khác trên trái đất thỏa đáng yêu cầu ấy. Ngài gọi đó là vườn Eden và Ngài đã trao cho Adam để quản trị. Như vậy qua đời sống được sáng tạo giống hình ảnh Thiên-Chúa nơi Adam; trong công tác quản trị mọi loài, ông phải phản ánh được bản tánh thánh-thiện, công bình của Ngài trong sự tự do của một ngôi vị. Nếu không trái đất và mọi loài trong đó sẽ bị phá vỡ sự hoàn hảo còn gọi là rất tốt đẹp đã được sáng tạo.

2.   Tiêu chuẩn để Adam được sống đời đời trên trái đất :
Muốn vậy, Thiên-Chúa, ngoài sự sáng tạo ông trong tình trạnh thánh và công bình, Ngài lại còn chỉ dẫn cho ông giáo huấn để duy trì sự thánh và công bình ấy nữa. Chỉ có sự thánh và công bình theo tiêu chuẩn của Thiên-Chúa mới có thể đem lại sự sống đời đời và đây là tín điều minh nhiên.
Trong sự hoàn hảo của Adam khi được sáng tạo cũng không thể giúp cho ông trong đời sống tinh thần (thiêng liêng, thuộc linh) cũng như đời sống thuộc thể mãi mãi không có sự sai trật được ! Vì xét cho cùng ông chỉ là tạo vật mà bản chất tạo vật là sự giới hạn khi đối diện với tiêu chuẩn vô hạn đòi hỏi phải cách nào đem lại sự sống đời đời.
Sự quản trị mọi loài thọ tạo khác mà Chúa trao cho ông chính là công việc trên đất nơi ông sinh sống cũng như quản trị chính con người của ông. Muốn duy trì được sự thánh và công bình (sự không sai trật) trong sự quản trị đó; mặc nhiên, ông phải cần đến Chúa, đến giáo huấn có giá trị đời đời bởi Ngài. Hơn thế cá nhân ông cũng rất cần giáo huấn Chúa để sự công bình thánh thiện được duy trì mãi mãi nơi ông; đồng thời đối với Thiên-Chúa,- Ngài muốn được cư ngụ trong tấm lòng ông và con cháu ông đời đời nhờ các tiêu chuẩn thánh công chính đó (I Gioan 3:24. Gioan 14:21,23. Cn 8:31).
Giáo huấn đem lại sự sống đời đời được kinh thánh biểu tượng bởi hình ảnh hai cây; một là cây sự sống; và hai là, cây cho biết điều thiện điều ác. Cây sự sống chính là Chúa Giê-su, là Thiên-Chúa (Cn 3:18. 8: 22-23 I Corinto 1:30 sự khôn ngoan biểu tượng chỉ về Chúa Giê-su). Ăn trái cây sự sống chính là chọn Chúa làm chủ và đi theo mọi sự Chúa hướng dẫn trong cách ăn nết ở (I Phê-rô, Phi-e-rơ 1:15-16). Cây cho biết điều thiện điều ác chính là tư tưởng của lòng người; khi thì cho điều này là tốt điều kia là xấu; khi thì cho điều này là thiện điều kia là ác v.v… Một khi chúng ta chọn lựa và quyết định điều gì đó cho mình, nhưng không tuân theo tiêu chuẩn tốt xấu của Thiên-Chúa chính là chúng ta ăn trái của cây cho biết điều thiện điều ác, cho dù chúng ta chọn điều thiện nhưng điều thiện đó vẫn nằm trong sự giới hạn của loài thọ tạo !
Trong phạm vi bài này để hiểu rõ hơn về hai cây nêu trên cũng xin được nói thêm là nơi đâu có Thiên-Chúa ngự trị nơi đó là địa đàng (Eden), hay còn gọi là nước Thiên Chúa, vương quốc Con Thiên-Chúa hoặc vương quốc Thiên-Chúa. Adam khi được sáng tạo trong tình trạng thánh, công bình thì tấm lòng ông đã luôn là điều kiệu để có Chúa hiện diện khi mà ông nhận biết Thiên-Chúa. Vườn địa đàng trên đất cũng là hình bóng chỉ về địa đàng trong lòng ông. Và hai cây : thiện ác (tri thức loài người không cần đến Chúa) và cây sự sống (giáo huấn của Chúa), chính là hình bóng chỉ về sự tự do chọn lựa của ông. Kinh thánh chứng minh về ý nghĩa của hai cây dùng làm hình bóng qua trích đoạn sau đây : 15 Coi đây, hôm nay tôi đưa ra cho anh (em) chọn : hoặc là được sống, được hạnh phúc, hoặc là phải chết, bị tai hoạ. 16 Hôm nay tôi truyền cho anh (em) phải yêu mến ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), đi theo đường lối của Người, và tuân giữ các mệnh lệnh, thánh chỉ, quyết định của Người, để anh (em) được sống, được thêm đông đúc, và ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), chúc phúc cho anh (em) trong miền đất anh (em) sắp vào chiếm hữu. 17 Nhưng nếu anh (em) trở lòng và không vâng nghe, lại bị lôi cuốn và sụp xuống lạy các thần khác và phụng thờ chúng, 18 thì hôm nay tôi báo cho anh (em) biết : chắc chắn anh (em) sẽ bị diệt vong, sẽ không được sống lâu trên đất mà anh (em) sắp sang qua sông Gio-đan để vào chiếm hữu. 19 Hôm nay, tôi lấy trời đất làm chứng cáo tội anh (em) : tôi đã đưa ra cho anh (em) chọn được sống hay phải chết, được chúc phúc hay bị nguyền rủa. Anh (em) hãy chọn sống để anh (em) và dòng dõi anh (em) được sống, 20 nghĩa là hãy yêu mến ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), nghe tiếng Người và gắn bó với Người, vì như thế anh (em) sẽ được sống, sống lâu mà ở lại trên đất ĐỨC CHÚA đã thề với cha ông anh (em), là ông Áp-ra-ham, ông I-xa-ác và ông Gia-cóp, rằng Người sẽ ban cho các ngài.”
Ngoài ra còn nhiều trích đoạn khác (Kh 22:1-2. 10-15) nói về ý nghĩa của hai cây làm hình bóng cho sự chọn lựa của không những Adam mà còn cả của loài người hôm nay.
Tóm tắt phần tiêu chuẩn để Adam sống đời đời trên đất : Ông phải tuân theo sự hướng dẫn của Thần Thiên-Chúa nơi ông trong sự tự do chọn lựa của ông mà không hề bị bắt buộc. Sự chọn lựa theo ý Chúa chính là sự tôn trọng, yêu mến Đấng vượt trên cả sự đáng tôn thờ khi ông ý thức về sự giới hạn của cá nhân ông. Hành động đó chính là sự tôn thờ Đấng sáng tạo ông, nói cách khác là ông đến với cây sự sống và ăn trái cây đem lại sự sống ấy. Ngược lại ông tự quyết định cho sự sống của riêng ông trong vũ trụ, trên trái đất này mà không cần đến Thần Thiên-Chúa trong đời sống quản trị mọi loài; điều đó vừa được xem như ngang bằng với Thiên-Chúa và xem như ông đang ăn trái cây cho biết điều thiện ác.
Một khi ông đi theo ý riêng mình, điều đó được lời Chúa biểu tượng bằng việc ăn trái cây thiện ác. Việc ăn trái cây cho biết điều thiện điều ác, tự ông, đã đánh mất sự hoàn hảo được Thiên-Chúa sáng tạo nơi ông. Sự thánh khiết suy giảm, sự công bình không còn. Tình trạng như vậy khiến cho sự quản trị mọi loài trong đó có cả việc quản trị chính con người ông cũng không thể đúng theo tiêu chuẩn tuyệt đối của Thiên-Chúa. Sự sai trật đó được gọi là tội-lỗi.

3.   Adam từ bỏ tiêu chuẩn bởi Chúa và hậu quả :
Adam được sáng tạo trong tình trạng thánh và công bình; với tình trạng như vậy khi ông nhận biết Chúa Ông sẽ duy trì tình trạng đó mãi mãi. Với tình trạng “rất tốt đẹp” đó, mọi tạo vật khác được Chúa sáng tạo dành cho ông quản trị (St 1:28) cũng được ảnh hưởng theo và đây là nguyên tắc không sai trật phản ánh về Thiên-Chúa.
Rất tiếc, sự tự do mà Chúa ban ! Adam đã không sử dụng nó theo như trí khôn nhận biết để làm theo ý Chúa. Ông đã tự quyết định cho riêng ông về quan điểm sự sống và lời Chúa trong kinh thánh đã viết như sau về sự chọn lựa đó : “St 3:6    6 Người đàn bà thấy trái cây đó : ăn thì phải ngon, trông thì đẹp mắt, và đáng quý vì làm cho mình được tinh khôn. Bà liền hái trái cây mà ăn, rồi đưa cho cả chồng đang ở đó với mình ; ông cũng ăn.”  Thiên-Chúa đã cảnh báo về hậu quả việc ăn trái của cây biết điều thiện điều ác như sau : “16 ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa truyền lệnh cho con người rằng : “Hết mọi trái cây trong vườn, ngươi cứ ăn ; 17 nhưng trái của cây cho biết điều thiện điều ác, thì ngươi không được ăn, vì ngày nào ngươi ăn, chắc chắn ngươi sẽ phải chết.”(St 2:16-17).

Ông đã ăn trái của cây cho biết điều thiện điều ác, nói cách khác ông đã tự đi bằng ý riêng không cần đến Chúa dẫn đến các hậu quả sau đây :
ü  Ông và con cháu phải đối diện với sự chết do sự thánh và công bình trong ông suy giảm vì ông không có Thần Thiên-Chúa để duy trì sự thánh và công bình đem lại sự sống đời đời được ban cho nhưng không (Rm 5:12. I Corinto 15:21).
ü  Các loại thọ tạo khác dưới sự quản trị không công bình của ông cũng bị ảnh hưởng theo (St 3:18. S/s Giu-đa, Giu-đe 1:23). Bằng chứng hôm nay, vì sự liên đới với Adam mà trái đất với các loài thọ tạo trong đó đang xáo trộn về mọi mặt. Kinh thánh đã cảnh báo cho mọi người biết về sự quản trị không có Chúa như sau : 18 Chư dân đã nổi trận lôi đình, nhưng cơn lôi đình Ngài ập tới, và đã đến thời xét xử các vong nhân, thời ân thưởng các ngôn sứ, bề tôi của Chúa, cũng như muôn kẻ thuộc về Ngài,
và những ai lớn nhỏ hằng kính sợ Thánh Danh; đã đến thời huỷ diệt những kẻ nào huỷ hoại mặt đất.”(Kh 11:18)
Khi tin mừng cứu độ được giảng khắp đất; khi ấy sẽ có hai hạng người. Một, theo cách sống của Chúa không làm hại đến con người và môi trường sống; họ sẽ được Chúa cứu khỏi chết đem vào sự sống đời đời trên đất. Hai, là hạng người không theo cách sống của Chúa; họ làm hại đến người đồng loại, hại đến môi trường sống trên đất sẽ phải chết đời đời.

B.   Thời kỳ sau khi Adam bỏ đường lối của Thiên-Chúa
Lời Chúa Công bố cho biết hậu quả của việc Adam bất tuân như sau : 12 Vì một người duy nhất, mà tội lỗi đã xâm nhập trần gian, và tội lỗi gây nên sự chết ; như thế, sự chết đã lan tràn tới mọi người, bởi vì mọi người đã phạm tội” (Rm 5:12)
Chúng ta thấy tội lỗi chính là sự sai trật khỏi sự ấn định của Chúa. Adam đã vi phạm như vậy nhưng ông không quay trở về với cách sống của Chúa (St 3:7-13). Sự vi phạm đó khiến ông phải nếm mùi bệnh tật, già lão, với các bất hạnh khác và sau cùng là sự chết. Sự thánh thiện, công bình khi không có Thần Chúa sẽ không thể duy trì mãi được và như vậy việc quản trị chính cá nhân ông cùng với mọi loài khác dưới sự quản trị sẽ không thể nào hoàn hảo dẫn đến sự đã sai trật mỗi lúc lại thêm lên cả trong tinh thần, lẫn thân xác dẫn đến môi trường sống cũng bị phá hủy.

1.   Ảnh hưởng bởi Adam
Cá nhân Adam phải nhận hậu quả đã đành mà con cháu ông cũng phải chịu hậu quả đó nữa. Sự di truyền trong yếu tố truyền sinh kiến cho cả loài người hôm nay; những người không vi phạm như ông cũng đang chịu chung số phận (Rm 5:13).  Lời Chúa công bố về tình trạng loài người hôm nay như sau :
Rm 3:23  23 Thật vậy, mọi người đã phạm tội và bị tước mất vinh quang Thiên Chúa,
Chúng ta biết vinh quang Thiên-Chúa chính là sự công bình, Thánh-thiện; thế nhưng mọi người đều bị ảnh hưởng bởi Adam và chính tự mỗi cá nhân cũng đã sai trật dẫn đến hậu quả hình ảnh Chúa bị mất đi.

2.   Không thể tự sức tu tập để trở lại tình trạng thánh và công bình giống như Chúa
Sự công chính thánh thiện bởi Chúa ban cho đã bị tội lỗi làm cho mất đi qua đời sống mỗi người. Như vậy loài người kể từ sau khi Adam bỏ tiêu chuẩn của Thiên-Chúa không thể tự sức riêng tu tập để trước mặt Chúa được Ngài công nhận là công bình và thánh như tiêu chuẩn của Ngài được. Kinh thánh công bố cho biết như vậy : “Tất cả chúng con đã trở nên như người nhiễm uế, mọi việc lành của chúng con khác nào chiếc áo dơ. Tất cả chúng con héo tàn như lá úa, và tội ác chúng con đã phạm, tựa cơn gió, cuốn chúng con đi.”(I-sai-a 64:5)
Sự không công bình, thánh khiết đã khiến Thiên-Chúa lìa xa, nói cách khác tội lỗi nơi loài người đã khiến cho họ không thể nào đến gần sự thánh khiết là chính Chúa. Lời Chúa dạy : “Này, không phải ĐỨC CHÚA ngắn tay không thể cứu, cũng chẳng phải Người nặng tai không nghe được, mà chính lỗi lầm của các ngươi đã phân cách các ngươi với Thiên Chúa các ngươi;chính tội lỗi các ngươi đã khiến Người ẩn mặt để khỏi nhìn, khỏi nghe các ngươi. Quả thật, bàn tay các ngươi vấy máu,ngón tay các ngươi đầy tội ác tầy trời, môi miệng các ngươi nói lời giả dối, lưỡi các ngươi thốt ra điều bất công.
Chẳng ai theo lẽ công minh mà kiện cáo, không ai xét xử theo đường chân thật.Người ta tin tưởng điều hư không và nói lời gian xảo, cưu mang chuyện xấu xa, đẻ ra điều gian ác.

3.   Tất cả cần phải có sự cứu chuộc để đem trở về tình trang ban đầu sáng tạo
Đã không thể tự cứu ra khỏi các bất hạnh, bất hạnh sau cùng là sự chết. Lời Chúa công bố minh nhiên như sau : 23 Thật vậy, lương bổng mà tội lỗi trả cho người ta, là cái chết ; còn ân huệ Thiên Chúa ban không, là sự sống đời đời trong Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta.” (Rm 6:23) Như vậy loài người cần phải có sự cứu chuộc ra khỏi các bất hạnh đó; và người cứu chuộc không ai Ngoài Thiên-Chúa.
Thiên-Chúa đã phải ban chính con một là đấng thánh, đấng vô tội của Ngài là chúa Giê-su. Chúa Giê-su đã phải nhập thể làm người để công bố về ơn cứu chuộc và chính Ngài cũng đã phải dâng cả sự sống mình để chuộc nhân loại ra khỏi sự chết đang khống chế họ : “16 Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. 17 Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ” (Gioan 3:16-17)
Qua sự dâng mạng sống của Chúa Giê-su; giữa Thiên-Chúa và loài người đã có sự giao hòa : “17 Cho nên, phàm ai ở trong Đức Ki-tô đều là thọ tạo mới. Cái cũ đã qua, và cái mới đã có đây rồi. 18 Mọi sự ấy đều do bởi Thiên Chúa là Đấng đã nhờ Đức Ki-tô mà cho chúng ta được hoà giải với Người, và trao cho chúng tôi chức vụ hoà giải. 19 Thật vậy, trong Đức Ki-tô, Thiên Chúa đã cho thế gian được hoà giải với Người. Người không còn chấp tội nhân loại nữa, và giao cho chúng tôi công bố lời hoà giải.” (II Corinto 5:17-19)
Chỉ có giá cứu chuộc được thực hiện bởi Chúa Giê-su mới thực có giá trị cho những ai nhân danh Ngài để được tha tội và sau đó được thánh hóa cho đến mức hoàn hảo để được vào sự sống đời đời khi mà thế gian liên đới với Adam này kết thúc.
Trong khi chờ đợi sự kết thúc thế gian đầy sự hung ác này; tất cả những ai tin vào sự cứu chuộc bởi Chúa Giê-su hôm nay đều phải trung tín để theo Chúa, tức là để cho Thần chúa dạy dỗ cáo trách các vi phạn khiến cho tinh thần, thân thể nên mới. Sự dạy dỗ đó chính là sụ phục hồi cho người tin trở về tình trạng thánh và công bình ban đầu sáng tạo. Tuy nhiên, sự phục hồi nay chỉ mới bắt đầu nơi phần tinh thần; nghĩa là Thiên Chúa sẽ phục hồi các phẩm chất thuộc về tinh thần, như : ý-chí, trí-khôn, tình-cảm; còn thân xác phải chờ cho đến khi Chúa Giê-su đến lần thứ hai trên đất Ngài mới phục hồi trọn vẹn, Lời Chúa cho biết như thế : 18 Thật vậy, tôi nghĩ rằng : những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mặc khải nơi chúng ta. 19 Muôn loài thọ tạo những ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mặc khải vinh quang của con cái Người. 20 Quả thế, muôn loài đã lâm vào cảnh hư ảo, không phải vì chúng muốn, nhưng là vì Thiên Chúa bắt chịu vậy ; tuy nhiên, vẫn còn niềm trông cậy 21 là có ngày cũng sẽ được giải thoát, không phải lệ thuộc vào cảnh hư nát, mà được cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang. 22 Thật vậy, chúng ta biết rằng : cho đến bây giờ, muôn loài thọ tạo cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở. 23 Không phải muôn loài mà thôi, cả chúng ta cũng rên siết trong lòng : chúng ta đã lãnh nhận Thần Khí như ân huệ mở đầu, nhưng còn trông đợi Thiên Chúa ban cho trọn quyền làm con, nghĩa là cứu chuộc thân xác chúng ta nữa24 Quả thế, chúng ta đã được cứu độ, nhưng vẫn còn phải trông mong. Thấy được điều mình trông mong, thì không còn phải là trông mong nữa : vì ai lại trông mong điều mình đã thấy rồi ? 25 Nhưng nếu chúng ta trông mong điều mình chưa thấy, thì đó là chúng ta bền chí đợi chờ.” (Rm 8:18-25)

Tóm tắt về mục đích việc Thiên-Chúa sáng tạo con người giống hình ảnh Ngài
Thiên-Chúa là Đấng thánh khiết, công bình. Loài người ở trong tình trạng không sai trật tức là sự thánh khiết công bình; khi ấy, họ phản ánh về Ngài, họ là hình ảnh Ngài (St 2:27).
Adam đã được Thiên-Chúa dựng nên trong tình trạng thánh và công bình ngay khi sáng tạo. Trong tình trạng đó, có lúc ông đã nhận biết Chúa và ông đã từng là con của Ngài và Ngài đã cư ngụ trong tấm lòng của ông (Luca 3:38).
Khi ông vi phạm, trong ông không có Chúa, ông chỉ là kẻ chết. Sự chết bởi ông đã ảnh hưởng đến loài người hôm qua, hôm nay. Nhưng kế hoạch ban sự sống cho loài người nơi Chúa không thay đổi, và để cứu chuộc loài người ra khỏi ảnh hưởng đó; Ngài đã phải ban con một Ngài xuống thế để chịu chết thay cho loài người để hễ ai tin sẽ được giải thoát ra khỏi sự chết để được sống đời đời.
Như vậy, loài người sau Adam Thiên Chúa lại phải làm cho họ nên thánh, công bình bằng cách những ai tin vào giá chuộc Chúa Giê-su họ sẽ được tái sanh từ trong số những kẻ chết và được làm cho nên thánh, công bình là hình ảnh Thiên-Chúa :
Gioan 1:12-13   12 Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa. 13 Họ được sinh ra, không phải do khí huyết, cũng chẳng do ước muốn của nhục thể, hoặc do ước muốn của người đàn ông, nhưng do bởi Thiên Chúa.
I-sai-a 60 :21   21 Dân của ngươi gồm toàn những người công chính, chúng sẽ được đất nước làm sở hữu đến muôn đời. Chúng sẽ là mầm non trong vườn cây của Ta, là công trình do tay Ta thực hiện để làm cho Ta được hiển vinh.

Kính trong Chúa Giê-su Ki-tô

Lê văn Bình



[1] Núi đá : Biểu tượng chỉ về Thiên-Chúa. Đá tảng biểu tượng chỉ về Chúa Giê-su. Viên đá biểu tượng chỉ về tín hữu.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét