Thứ Năm, 28 tháng 7, 2016

“KIỆN TOÀN HAY LÀM CHO TRỌN” LUẬT PHÁP ??? (Phần một)

“Kiện toàn” hay “làm cho trọn”[1] luật pháp là nhóm từ luôn được nhắc đến ít nhiều mỗi khi có sự thảo luận về kinh thánh; ngay cả khi không công khai, nhưng trong tư tưởng luôn có sự dè dặt được đặt ra giữa hai bên thảo luận. Tựu trung vấn đề cốt lõi nằm ở trong hệ thống thường gọi là “thần học”[2] hay cách khác thường gọi là lấy kinh thánh giải nghiã kinh thánh.

Việc cần “kiện toàn” hay “làm cho trọn” theo hệ thống thần học, cụ thể trong các giáo lý như sau; ví dụ, hình tượng! Theo Giáo hội Công giáo: ban đầu Chúa cấm vì các dân ngoại xung quanh đều thờ lạy hình tượng rồi sau đó, phần nào, cho làm các hình tượng như con bò, sư tử, các Cherubim v.v… trong đền thờ ở Giê-ru-sa-lem và cuối cùng vì Đức Chúa Giê-su xuống thế có hình ảnh cho nên đó cũng là một dấu chỉ cho phép dùng hình tượng để tôn kính!  Ví dụ khác nữa về việc “ăn uống” mà giáo hội Cơ đốc phục lâm chủ trương. Giáo hội Cơ đốc phục lâm lấy Lê-vi chương 11 là nền tảng giải nghĩa cho việc cần phải kiêng ăn uống thứ ăn nào? Ví dụ tiếp theo là ngày sa-bát, cũng vậy cho đến hôm nay trong thế giới những người tin vào Chúa Giê-su luôn có sự luận bàn có đôi khi gay gắt về nên giữ ngày này như ngày thờ phượng chính hay ngày thứ nhất làm ngày thờ phượng chính với các luận điểm đưa ra như “luật pháp về sa-bát bị bỏ rồi và chỉ dành cho dân Israel thôi! ” hơn nữa vì Chúa sống lại vào ngày thứ nhất nên đây được xem là khởi đầu cho kỷ nguyên mới còn sa-bát thứ bảy là kỷ nguyên cũ chỉ dành cho người Israel và nay cần được “kiện toàn” hay “làm cho trọn”!!!
Vậy thật sự luật pháp điều răn của Đức Chúa Trời; ví dụ như: hình tượng trong nghi thức thờ phượng – Ngày Sa-bat – Ăn uống theo Le vi 11 có cần được kiện toàn hay làm cho trọn không? Nếu cần làm cho trọn hoặc kiện toàn thì chúng ta sẽ phải giải nghĩa về Thánh vịnh,Thi thiên 19 (18) câu 7,8,9 thế nào? Xin được trích đoạn như sau: “7 Luật pháp của Đức Giê-hô-va là trọn vẹn, bổ linh hồn lại; Sự chứng cớ Đức Giê-hô-va là chắc chắn, làm cho kẻ ngu dại trở nên khôn ngoan. 8 Giềng mối của Đức Giê-hô-va là ngay thẳng, làm cho lòng vui mừng; Điều răn của Đức Giê-hô-va trong sạch, làm cho mắt sáng sủa. 9 Sự kính sợ Đức Giê-hô-va là trong sạch, hằng còn đến đời đời; Các mạng lịnh của Đức Giê-hô-va là chân thật, thảy đều công bình cả.” (B/d giáo hội Tin lành truyền thống)
Cụ thể thế nào về việc: “kiện toàn luật pháp cũng như làm cho trọn luật pháp” xin quý anh chị em cho ý kiến để cùng học hỏi về thánh chỉ Đức Chúa Trời hầu cho sự thờ phượng đúng với tinh thần thờ phượng đích thực mà Đức Chúa Giê-su đã dạy trong tin mừng Gioan, Giăng chương (đoạn) bốn từ câu hai mươi đến câu hai mươi bốn ( Giăng, Gioan 4:20-24): 20 Cha ông chúng tôi đã thờ phượng Thiên Chúa trên núi này ; còn các ông lại bảo : Giê-ru-sa-lem mới chính là nơi phải thờ phượng Thiên Chúa.” 21 Đức Giê-su phán : “Này chị, hãy tin tôi : đã đến giờ các người sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này hay tại Giê-ru-sa-lem. 22 Các người thờ Đấng các người không biết ; còn chúng tôi thờ Đấng chúng tôi biết, vì ơn cứu độ phát xuất từ dân Do-thái. 23 Nhưng giờ đã đến -và chính là lúc này đây- giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế. 24 Thiên Chúa là thần khí, và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí và sự thật.” (B/d giáo hội Công giáo).
Kính trong Chúa Giê-su Christ (Ki-tô)
Lê Văn



[1] “Kiện toàn”: B/d Công giáo. “Làm cho trọn”: B/d Tin lành truyền thống.
[2] Thần học: Theo định nghĩa của các nhà thần học Công giáo thì thần học chính là sự cố gắng của lý trí để giải thích mạc khải.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét