Thứ Hai, 25 tháng 7, 2016

NỀN TẢNG ĐỨC TIN VÀ CÁCH SỐNG ĐẠO

Một số không ít những Ki-tô hữu (Cơ Đốc Nhân) được hỏi về nền nếp sống đạo; câu trả lời sẽ luôn là, kinh thánh, nền tảng cho mọi hoạt động. Tuy vậy, cũng có những khác biệt bởi trong thực tế người thì xem cả kinh thánh tân cựu ước là căn bản, kẻ chỉ xem tân ước là cốt lõi còn cựu ước chỉ là thêm thắt. Sau đây chúng ta cùng học về nội dung trích đoạn tân ước trong sách Epheso 2:20 xem thánh Phao-lô dạy gì về vấn đề nêu trên.
Thánh Phao-lô dạy rằng hội thánh được đặt trên nền của các tông đồ (sứ đồ) cùng các đấng tiên tri. Lời dạy này hàm ý nền tảng của hội thánh được chỉ ra trong cách sống đạo; tất cả, đều bởi lời dạy của các tông đồ và các tiên tri. Nói cách khác hội thánh được xây dựng trên nền tảng lời Đức Chúa Trời dạy bởi Thần khí cảm động để các tông đồ hiểu – nhớ – và đặc biệt được mạc khải mọi lẽ thật để các vị trước tác thành bộ kinh thánh chúng ta sử dụng hôm nay (Gioan, Giăng 14:26; 16:13).
Hiểu như vậy, chúng ta mới nhận rõ một điều quan trọng, không ai có thể thêm bớt hoặc thay đổi bất cứ điều gì trong cả nội dung kinh thánh; bởi những gì cần thiết cho sự cứu rỗi, sự thánh hóa và vinh hiển hóa và sau cùng được hưởng cơ nghiệp sự sống đời đời đã được ban cho nhân loại qua các tông đồ (sứ đồ) và các đấng tiên tri (Truyền đạo, Giảng viên 3:14). Tuy nhiên, không thể cứ đọc kinh thánh theo nghĩa đen của mặt chữ mà thi hành cách máy móc. Chúng ta, người trông cậy Đức Chúa Trời sẽ được Ngài dẫn vào mọi lẽ thật đã được mạc khải trong kinh thánh và như vậy cần tuân thủ các nguyên tắc của kinh thánh. Một trong những nguyên tắc quan trọng đó là ý nghĩa thiêng liêng nơi các thời kỳ trong kinh thánh: Thời kỳ Eden – Thời kỳ ngoài Eden – Thời kỳ Eden thiêng liêng. Hiểu rõ các thời kỳ được kinh thánh chỉ ra người lấy kinh thánh làm nền tảng sẽ phân biệt thời kỳ kiện toàn luật pháp bao gồm những phần nào cần kiện toàn và phần nào vẫn có giá trị.
Có những thay đổi căn bản đối với đạo Đức Chúa Trời sau thế kỷ thứ tư khi mà triết học tức là sự khôn ngoan của loài người tham dự và việc giải nghĩa kinh thánh. Việc triết học tham dự vào việc giải nghĩa kinh thánh khiến cho kinh thánh không còn thuần túy như ban đầu trước tác. Có những tín điều được công bố qua các suy tư gọi là thần học; nhưng mãi cho đến nay, suy tư vẫn là suy tư mà mãi vẫn chưa tìm được các luận cứ để hoàn thành hợp đề cho tín điều đã công bố[1].
Ai là người yêu mến Chúa thật; người đó phải xem xét lại nội dung trích đoạn trong Epheso 2:20 bởi đây chính là nội dung của 66 sách trong bộ kinh thánh. Thực vậy, bộ kinh thánh gồm 66 sách này đã được bảo chứng bởi chính Đức Chúa Giê-su qua lời hứa ban thần khí để giúp cho các tông đồ nhớ lại các lời dạy, hiểu được các lời dạy đồng thời lại dẫn các Ngài vào mọi lẽ thật; các tông đồ được thánh thần cảm động thế nào thì các đấng tiên tri cũng vậy nếu không sự hòa hợp trong kinh thánh tức là ý định xuyên suốt của Đức Chúa Trời không thể thấy rõ được.
Bởi lời hứa của Đức Chúa Giê-su nơi các sứ đồ (tông đồ) cũng như Thánh thần cảm động nơi các đấng tiên tri xưa; lời hứa và việc Thánh thần cảm động đó đã khiến cho các ngài biết công bố điều gì – biết viết điều gì biết sống đạo thế nào! Nền tảng nơi các sứ đồ, các đấng tiên tri xưa chính là nền tảng cho người biết xem xét cách sống đạo Đức Chúa Giê-su hôm nay, để trở nên dân thánh thật, dân sót lại như chính lời tiên tri trong sách Sáng thế chương 3 câu 15 (St 3:15) và được sách Khải huyền chương 12 câu 17 giải nghĩa rõ ràng về dân còn sót lại gồm những ai!
Lê Văn




[1] Lê Phú Hải. OMI. Thiên Chúa Duy Nhất Ba Ngôi Trong Kinh Thánh. VietCatholic Bible.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét