Thứ Bảy, 29 tháng 4, 2017

ĐẠO ĐỨC CHÚA TRỜI

ĐẠO ĐỨC CHÚA TRỜI
Trong hành trình tâm linh, con người, ít nhiều đã chiêm nghiệm phát triển các hình thức tôn thờ Đấng mà họ cho là cao cả; tất cả các hình thức đó thường được gọi là đạo. Thực tế, rất nhiều đạo, hoặc nhiều đường lối tôn thờ bởi sự cố gắng của một minh sư nào đó là con người và đang là chỗ dựa tâm linh, tâm hồn cho nhiều người khác. Nghi vấn nếu có, thì câu đầu môi đa số đều cho rằng đạo nào cũng tốt, hoặc đối đế hơn thì câu bửu bối: “tôi cứ ăn ngay ở lành!”

Nhiều đạo, nhiều đường lối tôn thờ bởi con người như vậy! Hỏi đâu là đạo thật đâu là chân lý tuyệt đối để tín thác???
Chúng ta biết, con người ngày nay đang có hai quan điểm chính về sự hiện hữu của vũ trụ; một là, sáng tạo; và hai là, tiến hóa. Nếu chọn vũ trụ hiện hữu được sáng tạo; mặc nhiên, tin rằng có một Đấng toàn năng, toàn tri sáng tạo và điều hành.
Trở lại vấn đề đạo do con người tìm kiếm và thực hành. Tất cả các hình thức tôn thờ này đều là sự nỗ lực tìm kiếm chân lý tuyệt đối. Tuy nhiên, chân lý tuyệt đối mà con người đang ra sức tìm kiếm sẽ không bao giờ có thể đạt đáo (Galati 2:21). Lão tử một minh sư đã từng tuyên bố:“Đạo khả đạo phi thượng đạo”. Thực tế, ông đã phủ nhận khả năng tìm kiếm để thấu triệt đạo lý tuyệt đối mà con người đang nỗ lực!
Có thể nói rằng, giới hạn của cả con người lại đang phản ánh về một hữu thể vô hạn? Và Đấng đó phải là Đấng sáng tạo, một thần linh siêu việt vô hạn! Thật vậy, đối với người tin kính, chính thần linh sáng tạo siêu việt đã mạc khải cho con người khái quát dưới hai hình ảnh “cây sự sống và cây cho biết điều thiện ác”. Hình ảnh hai cây này mạc khải cho thấy, cây cho biết điều thiện ác được dùng để chỉ ra sự hữu hạn của đạo do con người nỗ lực tìm kiếm. Và hình ảnh cây sự sống chính là đạo, là đường, là chân lý tuyệt đối của Đấng vô hạn ban cho con người để thi hành theo kế hoạch đã trù liệu (St 2:8,9,15,16; He 11:40).
Đường lối con người được biểu tượng nơi hình ảnh cây cho biết thiện ác; trong lịch sử đó, cây sự sống là đạo mạc khải âm thầm được thần linh Đức Chúa Trời là Đấng sáng tạo vun tưới chăm bón cho đến khi con một của Ngài là Đức Chúa Giê-su nhập thể để chết thay – làm thay – và ban Thần linh cho mọi người tin kính (Cv 2:17,33). Người tin kính được ví như cây Đức Chúa Trời trồng; cây này sẽ tăng trưởng và vươn lên cho đến khi trưởng thành trong chính Đức Chúa Giê-su là Đấng làm đầu cội rễ (Eph 4:15; He 2:10; 5:9; 12:2; Kh 3:14).
Sau khi hoàn tất thánh vụ nơi địa cầu Đức Chúa Giê-su lại trở về vói nguyên thể thần linh phát xuất từ Đấng siêu việt thần linh Đức Chúa Trời (Giăng 8:42; 16:28; Kh 3:21). Trước khi trở về nguyên thể thần linh Ngài đã hứa ban Thần chân lý cho các môn đồ (Giăng 14:26; 16:13; Cv 2:33). Thần chân lý sẽ giúp cho các môn đồ nhớ lại những lời Đức Chúa Giê-su dạy, dẫn các ông vào mọi chân lý và sau cùng chỉ cho các việc tương lai.
Bởi lời hứa đó, ngày lễ ngũ tuần các môn đồ đã nhận được thần chân lý. Thần chân lý đã khiến các môn đồ biết phải rao giảng thế nào – thiết lập hội thánh cách nào – và sau nữa là điều hành hội thánh. Trong quá trình điều hành hội thánh các môn đồ đã trước tác theo thần khí cảm động thêm 27 cuốn sách khác thường gọi là tân ước cộng với 39 sách khác nữa thường gọi là cựu ước, tổng cộng thành 66 sách là trọn bộ kinh thánh chúng ta có trong tay ngày nay. Sáu mươi sáu sách này chính là đạo Đức Chúa Trời đã mạc khải cho nhân loại(Eph 2:20-22).
Tuy vậy, có đôi khi trong chúng ta, những tín đồ và chắc hẳn ai đó ngay thời các sứ đồ đã tự hỏi, 66 sách là đạo Đức Chúa Trời đã thật sự đầy đủ các chân lý mà Đức Chúa Trời cần mạc khải chưa?
Câu trả lời cho thắc mắc đó đã ít nhất được hai sứ đồ trả lời; một, trong câu số ba sách của Giu-đe (Giu-đa);  hai, trong thư thứ nhất sứ đồ Phao-lô gửi cho tín hữu Corinto; và ba trong thư gửi tín hữu Galati cũng của sứ đồ Phao-lô (Giu-đe 1:3; I Co 15:1-2; Galati 1:8-9). Nội dung trả lời của các sứ đồ nhấn mạnh rằng, tin mừng là đạo Đức Chúa Trời đã truyền, hay mạc khải qua trung gian các sứ đồ một lần duy nhất đã đủ rồi. Sứ đồ Phao lô thêm rằng tín hữu đã lãnh nhận tin mừng đó phải tuân giữ đúng như vậy mới được cứu rỗi ngoài ra sẽ là vô ích nếu tin những gì không có trong tin mừng đã được loan báo và lãnh nhận cũng vô ích hoặc ngay khi ai đó hoặc thiên sứ từ trời đến loan báo một tin mừng nhưng nội dung khác với những gì đã được lãnh nhận thì tín hữu có bổn phận phải a-na-them!!! Như vậy, các thêm bớt qua suy tư thần học sau thời các sứ đồ nơi các giáo phụ và ngay cả hôm nay nơi hằng trăm hằng nghìn giáo phái... chúng ta rất cần phải xem xét cách cẩn trọng liệu có phù hợp theo tiêu chuẩn đã được công bố bởi sứ đồ là tông đồ chân truyền – duy nhất – thánh thiện như trong các thư đã nêu trên không? Bằng không chúng ta phải có quyết định dứt khoát vì đó là sự sống đời đời của mỗi ngôi vị chỉ được sáng tạo một lần duy nhất và đã được trả bằng máu vô giá của Đức Chúa Giê-su để cứu chuộc!!!
Sau hết căn cứ vào lời hứa của Đức Chúa Giê-su và sự xác tín của các sứ đồ chân truyền (Giăng 14:26; 16:13; Giu-đe 1:3; I Co 15:1-2; Galati 1:8-9) chúng ta các tín hữu hôm nay có thể vững vàng xác tín rằng, những gì đã được mạc khải trong 66 sách chính là đạo tông truyền, duy nhất, thánh khiết của Đức Chúa Trời, là nền tảng đức tin tuyệt đối của chúng ta. Từ nền tảng này chúng ta nhận diện được con đường chúng ta đi là đường nào; nhận diện được tiên tri giả; nhận diện được tà giáo; nhận diện được giáo hội nào đang trong tình trạng gian dâm; nhận diện được con đại dâm phụ (Con điếm khét tiếng) v.v... nhận diện được phạm trù nào hữu hạn và vô hạn ngay trong mỗi chúng ta, ngay chung quanh chúng ta, trong mỗi tổ chức giáo hội. Như thế, chúng ta sẽ luôn mạnh mẽ đi trọn con đường là chính Đức Chúa Giê-su vì Ngài đã tuyên bố: “ 33 Ta đã bảo các ngươi những điều đó, hầu cho các ngươi có lòng bình yên trong ta. Các ngươi sẽ có sự hoạn nạn trong thế gian, nhưng hãy cứ vững lòng, ta đã thắng thế gian rồi!” (Giăng 16:33).
Lê văn Bình


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét