Chủ Nhật, 6 tháng 10, 2013

Ý NGHĨA PHÉP BAP-TEM (PHÉP RỬA)


Chỉ có một Chúa, một niềm tin,một phép rửa (Ephe 4:5)
"Vậy việc nghe-tin-làm theo mọi lời dạy của Thiên-Chúa chính là phép Bap-tem hay phép "Rửa" trọn đời trong Ngài - trong lời Ngài - trong niềm tin vào Ngài - trong sự yên nghỉ (Sa-bat) nơi Ngài và chỉ có một phép ấy mà thôi !"

Người tín hữu Công giáo khi gia nhập đạo; họ được học giáo lý của giáo hội và kế tiếp là chịu các “phép”, và phép đầu tiên là phép “rửa”. Người tín hữu Tin-lành, nói chung, cũng vậy; sau khi học biết về Tin lành hay Tin mừng của Chúa Giê-su, tiếp đến họ cũng được chịu phép “rửa”, và họ gọi phép “rửa” đó là phép Bap-tem. Vậy phép “rửa” hay phép “bap-tem”  ý nghĩa thế nào và có mấy loại ?

1.      Phép “rửa” hay phép “Bap-tem” là gì ?

Lời Chúa trong tin mừng sẽ giải nghĩa cho chúng ta về ý nghĩa của phép “rửa” hay còn gọi là phép “bap-tem” :
Mt 3:13-17
Đức Giê-su chịu phép rửa 
13 Bấy giờ, Đức Giê-su từ miền Ga-li-lê đến sông Gio-đan, gặp ông Gio-an để xin ông làm phép rửa cho mình. 14 Nhưng ông một mực can Người và nói : “Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi !” 15 Nhưng Đức Giê-su trả lời : “Bây giờ cứ thế đã. Vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính.” Bấy giờ ông Gio-an mới chiều theo ý Người. 
16 Khi Đức Giê-su chịu phép rửa xong, vừa ở dưới nước lên, thì các tầng trời mở ra. Người thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người. 17 Và có tiếng từ trời phán : “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người.”

Điều gì khiến đức Chúa Giê-su phải chịu phép “rửa” ?
Có phải vì Người muốn toàn tâm toàn ý tuân theo mọi luật pháp bởi Thiên-Chúa là Cha Người không ? (Gioan 4:34)

Các trích đoạn lời Chúa sau đây cũng mang cùng một ý nghĩa như chính việc Chúa Giê-su đã vâng theo mệnh lệnh của Thiên-Chúa là Cha người, mà trích đoạn Mat-thêu chương 3 nêu trên đã trình bày. Chúng ta cũng có trích đoạn sau, nói về ý nghĩa của phép Bap-tem hay phép rửa :
Công vụ 2:22,38   22 “Thưa đồng bào Ít-ra-en, xin nghe những lời sau đây. Đức Giê-su Na-da-rét, là người đã được Thiên Chúa phái đến với anh em. Và để chứng thực sứ mạng của Người, Thiên Chúa đã cho Người làm những phép mầu, điềm thiêng và dấu lạ giữa anh em. Chính anh em biết điều đó. 23 Theo kế hoạch Thiên Chúa đã định và biết trước, Đức Giê-su ấy đã bị nộp, và anh em đã dùng bàn tay kẻ dữ đóng đinh Người vào thập giá mà giết đi. 24 Nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại, giải thoát Người khỏi những đau khổ của cái chết. Vì lẽ cái chết không tài nào khống chế được Người mãi. ……. 37 Nghe thế, họ đau đớn trong lòng, và hỏi ông Phê-rô cùng các Tông Đồ khác : “Thưa các anh, vậy chúng tôi phải làm gì ?”  38 Ông Phê-rô đáp : “Anh em hãy sám hối, và mỗi người hãy chịu phép rửa nhân danh Đức Giê-su Ki-tô, để được ơn tha tội ; và anh em sẽ nhận được ân huệ là Thánh Thần. 39 Thật vậy, đó là điều Thiên Chúa đã hứa cho anh em, cũng như cho con cháu anh em và tất cả những người ở xa, tất cả những người mà Chúa là Thiên Chúa chúng ta sẽ kêu gọi.” 40 Ông Phê-rô còn dùng nhiều lời khác để long trọng làm chứng và khuyên nhủ họ. Ông nói : “Anh em hãy tránh xa thế hệ gian tà này để được cứu độ.”  41 Vậy những ai đã đón nhận lời ông, đều chịu phép rửa. Và hôm ấy đã có thêm khoảng ba ngàn người theo đạo.

Rất nhiều người ngoại quốc, nhưng đặc biệt là người Is-ra-el hôm ấy đã nghe các tông đồ giảng giải về Chúa Giê-su và nhận ra tội lỗi của mình là đã giết hại Đấng vô tội, và cũng khi ấy : “37…… họ đau đớn trong lòng, và hỏi ông Phê-rô cùng các Tông Đồ khác : “Thưa các anh, vậy chúng tôi phải làm gì ?”  và các tông đồ đã chỉ cho họ biết việc kế tiếp phải làm là chịu phép “rửa” : “41 Vậy những ai đã đón nhận lời ông, đều chịu phép rửa. Và hôm ấy đã có thêm khoảng ba ngàn người theo đạo.”

Trên đường về đất hứa dân Is-ra-el xưa cũng vậy; tất cả những ai không muốn bị loại trừ ra khỏi cộng đồng đều phải chấp hành theo Ông Môi-sê, việc chấp hành này, lời Chúa cũng xem họ như đang chịu phép “rửa” hay “bap-têm” :
I Co 10:2 2 Tất cả cùng được chịu phép rửa dưới đám mây và trong lòng biển, để theo ông Mô-sê.

Cũng vậy, việc Chúa Giê-su tự ý trong tự do chọ lựa vâng theo mệnh lệnh Chúa Cha (Mt 26:39) để chịu thương khó và sau cùng chịu chết, một cái chết nhục nhã vì bị treo trên cây gỗ (Galati 3:13). Hình ảnh sự vâng theo đó cũng được lời Chúa mô tả như một phép “rửa” hay phép Bap-tem :
Mac 10:35-40  Lời xin của hai người con ông Dê-bê-đê 
35 Hai người con ông Dê-bê-đê là Gia-cô-bê và Gio-an đến gần Đức Giê-su và nói : “Thưa Thầy, chúng con muốn Thầy thực hiện cho chúng con điều chúng con sắp xin đây.” 36 Người hỏi : “Các anh muốn Thầy thực hiện cho các anh điều gì ?” 37 Các ông thưa : “Xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang.” 38 Đức Giê-su bảo : “Các anh không biết các anh xin gì ! Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không ?” 39 Các ông đáp : “Thưa được.” Đức Giê-su bảo : “Chén Thầy sắp uống, anh em cũng sẽ uống ; phép rửa Thầy sắp chịu, anh em cũng sẽ chịu. 40 Còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Thiên Chúa đã chuẩn bị cho ai thì kẻ ấy mới được.”
  •  Kết luận về ý nghĩa của phép “rửa” hay còn gọi là phép “Bap-têm”  :
Hành động chịu phép “rửa” hay còn gọi là phép “bap-tem” chính là tuân theo mọi lời Chúa dạy; nói ngược lại, việc tuân theo mọi lời Chúa dạy chính là chịu phép rửa hay phép Bap-tem.
Thật vậy, Lời Chúa trong thư thánh Gia-cô-bê đã dạy rằng : 14 Thưa anh em, ai bảo rằng mình có đức tin mà không hành động theo đức tin, thì nào có ích lợi gì ? Đức tin có thể cứu người ấy được chăng ?” (Gia 2:14).
Đúng vậy, khi một người được nghe biết về Chúa Giê-su và chọn đi theo Ngài; hành động tin và chọn đi theo Ngài chỉ là bước đầu tiên ở trong tâm hồn, và có thể, ngay sau đó là bày tỏ niềm tin đó ra bên ngoài bằng cách nhúng toàn bộ thân thể xuống nước. Hành động nhúng toàn thân xuống nước thường được xem là phép bap-tem ! Thật đúng là vậy, nhưng đó chỉ là một trong các hình thức của một phép “rửa” hay phép bap-tem mà thôi !
Phép “rửa” hay phép bap-tem đúng nghĩa và chỉ có một. Ý nghĩa của phép đó như sau : Hối nhân thực sự tin và chọn làm theo mọi lời dạy của Chúa Giê-su không những là hiện tại mà suốt cả cuộc đời một cách không ngơi nghỉ. Vì không thể đơn giản hiểu rằng : việc nhúng mình xuống nước là đã chịu phép rửa hay phép bap-tem trọn vẹn rồi; mà phép “rửa” hay phép bap-tem trọn vẹn như đã trình bày chính là tuân theo mọi mệnh lệnh Chúa suốt cả cuộc đời. Chẳng vậy lời Chúa đã không dạy cho biết như sau : “……  Lãnh nhận phép rửa, không phải là được tẩy sạch vết nhơ thể xác, mà là cam kết với Thiên Chúa sẽ giữ lương tâm trong trắng, nhờ sự phục sinh của Đức Giê-su Ki-tô” ( I Phê-rô 3:18-21); cũng thế trong thư gửi dân Roma, thánh Phao-lô đã cho người đọc chúng ta ý nghĩa rõ ràng về phép rửa :1 Vậy phải nói sao? Chúng ta cứ ở mãi trong tội lỗi, để ân sủng càng lan tràn ư ? 2 Không phải thế ! Chúng ta là những kẻ đã chết đối với tội lỗi, thì làm sao còn sống mãi trong tội được. 3 Anh em không biết rằng : khi chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy, để thuộc về Đức Ki-tô Giê-su, là chúng ta được dìm vào trong cái chết của Người sao ? 4 Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới.”           (Roma 6:1-4)

Vậy việc nghe-tin-làm theo mọi lời dạy của Thiên-Chúa chính là phép bap-tem hay phép rửa trọn đời trong Ngài,-trong lời Ngài,-trong niềm tin vào Ngài,-trong sự yên nghỉ (Sa-bat) vào Ngài và chỉ có một phép ấy mà thôi !

Lời Chúa minh định :
Epheso 4:1-6     1 Vậy, tôi là người đang bị tù vì Chúa, tôi khuyên nhủ anh em hãy sống cho xứng với ơn kêu gọi mà Thiên Chúa đã ban cho anh em. 2 Anh em hãy ăn ở thật khiêm tốn, hiền từ và nhẫn nại ; hãy lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau. 3 Anh em hãy thiết tha duy trì sự hiệp nhất mà Thần Khí đem lại, bằng cách ăn ở thuận hoà gắn bó với nhau. 4 Chỉ có một thân thể, một Thần Khí, cũng như anh em đã được kêu gọi để chia sẻ cùng một niềm hy vọng. 5 Chỉ có một Chúa, một niềm tin, một phép rửa. 6 Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người và trong mọi người.

2.      Hình thức Phép “rửa” hay phép Bap-tem :

Kinh thánh liệt kê các loại phép “rửa” hay phép bap-tem như sau : phép rửa bằng nước, bằng thánh-linh (thần-khí), và bằng lửa vv… nhưng theo những gì đã trình bày ở phần nêu trên (phần 01) thì chỉ có một phép rửa hay phép bap-tem bởi sự tác động của Thần khí duy nhất mà thôi.
Một sự trình bày về lời Chúa chỉ theo sự liệt kê mà không chỉ ra sự thống nhất của các phép ấy bởi đâu, chỉ làm cho người nghe thêm phần rối trí và khiến cho các giáo lý khác sai lạc về phép rửa có dịp lan tràn vào “hội thánh”. Vẫn biết rằng sau khi chịu phép rửa bằng nước rồi, hối nhân cần phải tiến đến một đời sống mới hoàn toàn nhờ thần khí Chúa và kinh thánh xem đây là phép rửa bằng thánh-linh, bằng thần-khí (hay phép rửa bằng lửa) nhưng chúng ta phải xác tín rằng tất cả đều bởi Thần-khí, đều bởi Thánh linh và sự tự nguyện tuân theo sự cảm thúc đó của hối nhân mà không phải chỉ bởi sự đặt tay của loài người !
Chúng ta biết : việc được nghe tin mừng của Chúa Giê-su không phải là tự sức cá nhân đó thôi đâu mà phần chính yếu là bởi thần khí Thiên-Chúa vận hành trong cả vũ trụ này; cá nhân đó chỉ nhận biết và thi hành những gì cảm thúc trong lòng : “13 Vì chính Thiên Chúa tác động đến ý chí cũng như hành động của anh em do lòng yêu thương của Người.” (Philip 2:13. Rm 5:8.Mt 5:45)
Sau khi nghe-tin-làm theo mọi lời Chúa dạy; trong đó có nghi thức nhúng mình xuống nước, và ngay sau đó là khởi đầu một tiến trình(Tv, Tt 51); tiến trình này, bao gồm : Thứ nhất : Công-chính hóa (nghe-tin-làm);  thứ hai : Thánh hóa (làm theo Chúa không ngơi nghỉ); thứ ba : Vinh hiển hóa (Các ân tứ). Các bước kể trên đều diễn ra nơi mỗi cá nhân đi theo Chúa, và đây chính là một quá trình xuyên suốt kể từ khi nghe-tin  làm theo; tất cả đều bởi thần-khí Thiên Chúa tác động mà không thể tách biệt.
Thế nhưng, chúng ta phải hiểu thế nào về các phép rửa đã được kinh thánh liệt kê sau đây:  phép rửa bằng “nước”, phép rửa bằng “thánh linh” (Thần khí, Thánh-thần) và phép rửa bằng “lửa” ?
Khi kinh thánh trình bày như vậy thì chắc chắn phải có một sự dạy dỗ nào đó hàm chứa trong đó và quả thực là vậy. Chúng ta kiên nhẫn đọc tiếp sau đây :

·         Phép “rửa” bằng nước :
Một hình thức trong một phép rửa bởi thần khí tác động. Hối nhân nhúng mình xuống nước sau khi nghe-tin và quyết tâm làm theo tin mừng Chúa Giê-su. Hình ảnh này được kinh thánh phân biệt minh định như sau : “18 ........  trong thời Thiên Chúa kiên nhẫn chờ đợi, nghĩa là thời ông Nô-ê đóng tàu. Trong con tàu ấy, một số ít, cả thảy là tám người, được cứu thoát nhờ nước. 21 Nước đó là hình bóng phép rửa nay cứu thoát anh em. Lãnh nhận phép rửa, không phải là được tẩy sạch vết nhơ thể xác, mà là cam kết với Thiên Chúa sẽ giữ lương tâm trong trắng, nhờ sự phục sinh của Đức Giê-su Ki-tô…..”  (I Phê-rô 3:18-22)
Như vậy, việc nhúng toàn bộ thân mình xuống nước chính là cam kết theo Chúa; kết thúc một quá trình học-tin , và khởi đầu một cuộc hành trình vào đường lối Chúa. Việc nhúng mình đó cũng bởi Thần khí, bởi thánh linh Thiên-Chúa tác động và được gọi là phép rửa hay Bap-tem bằng nước.

·         Phép rửa bằng Thánh linh hay Thần khí :
Chính là để thánh hóa người đã cam kết sẽ giữ vững lương tâm trong trắng nhờ sự phục sinh của Chúa Giê-su mà phép rửa bằng nước đã chỉ ra.
Nếu sự cam kết của người sau khi chịu phép rửa bằng nước luôn được tôn trọng, họ sẽ nên thánh; khi ấy, trong lòng họ luôn có Chúa Cha Chúa con ngự trị và sông
nước sự sống là Thần khí, là thánh linh.  Sông nước sự sống chính là sự tuôn tràn Thánh linh hay Thần khí; sự tuôn tràn Thánh linh hay Thần khí chính là các ân tứ, - các bông trái (Galati chương 5).    Xin đọc lời Chúa sau đây để nhận biết : “1 Thưa anh em, tôi không muốn để anh em chẳng hay biết gì về các ân huệ thiêng liêng. 2 Anh em biết rằng khi còn là người ngoại, anh em bị lôi cuốn mãnh liệt vào việc thờ cúng các ngẫu tượng câm. 3 Vì thế, tôi nói cho anh em biết : chẳng có ai ở trong Thần Khí Thiên Chúa mà lại nói : “Giê-su là đồ khốn kiếp !” ; cũng không ai có thể nói rằng : “Đức Giê-su là Chúa”, nếu người ấy không ở trong Thần Khí.
Đặc sủng tuy nhiều, nhưng chung một gốc. 
4 Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. 5 Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. 6 Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người. 7 Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung. 8 Người thì được Thần Khí ban cho ơn khôn ngoan để giảng dạy, người thì được Thần Khí ban cho ơn hiểu biết để trình bày. 9 Kẻ thì được Thần Khí ban cho lòng tin ; kẻ thì cũng được chính Thần Khí duy nhất ấy ban cho những đặc sủng để chữa bệnh. 10 Người thì được ơn làm phép lạ, người thì được ơn nói tiên tri ; kẻ thì được ơn phân định thần khí ; kẻ khác thì được ơn nói các thứ tiếng lạ ; kẻ khác nữa lại được ơn giải thích các tiếng lạ. 11 Nhưng chính Thần Khí duy nhất ấy làm ra tất cả những điều đó và phân chia cho mỗi người mỗi cách, tuỳ theo ý của Người.” (I Co 12:1-11)
Sự tuôn tràn sự sống bởi thánh linh là bằng chứng sống động cho biết họ không còn nô lệ cho tánh xác thịt yếu đuối nữa. Kinh thánh lại minh định giúp cho chúng ta sau đây : “1 Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm choẹ xoang xoảng. 2 Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì. 3 Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi. 4 Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, 5 không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, 6 không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. 7 Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả. 8 Đức mến không bao giờ mất được. Ơn nói tiên tri ư ? Cũng chỉ nhất thời. Nói các tiếng lạ chăng ? Có ngày sẽ hết. Ơn hiểu biết ư ? Rồi cũng chẳng còn. 9 Vì chưng sự hiểu biết thì có ngần, ơn nói tiên tri cũng có hạn. 10 Khi cái hoàn hảo tới, thì cái có ngần có hạn sẽ biến đi. 11 Cũng như khi tôi còn là trẻ con, tôi nói năng như trẻ con, hiểu biết như trẻ con, suy nghĩ như trẻ con ; nhưng khi tôi đã thành người lớn, thì tôi bỏ tất cả những gì là trẻ con. 12 Bây giờ chúng ta thấy lờ mờ như trong một tấm gương, mai sau sẽ được mặt giáp mặt. Bây giờ tôi biết chỉ có ngần có hạn, mai sau tôi sẽ được biết hết, như Thiên Chúa biết tôi. 13 Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến.
Sự không còn nô lệ cho tánh xác thịt chính là bằng chứng cho tình yêu thương,  mà tình yêu thương bởi thánh linh thì cũng có nghĩa là mến Chúa (mến là thờ Chúa). Sau hết, nơi người trung tín trong mọi đường lối (điều răn) Chúa chỉ tồn tại hai điều răn[1] quan trọng thâu tóm tất cả các luật pháp và lời tiên tri, đó là : 34 Người Pha-ri-si nghe nói Đức Chúa Jêsus đã làm cho bọn Sa-đu-sê cứng miệng, thì nhóm hiệp nhau lại. 35 Có một thầy dạy luật trong bọn họ hỏi câu nầy để thử Ngài: 36 Thưa thầy, trong luật pháp, điều răn nào là lớn hơn hết? 37 Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Ngươi hãy hết lòng, hết linh hồn, hết ý mà yêu mến Chúa, là Đức Chúa Trời ngươi.
38 Ấy là điều răn thứ nhứt và lớn hơn hết. 39 Còn điều răn thứ hai đây, cũng như vậy: Ngươi hãy yêu kẻ lân cận như mình. 
40 Hết thảy luật pháp và lời tiên tri đều bởi hai điều răn đó mà ra.

·         Phép “rửa” hay “báp-têm” bằng lửa :
Đệ nhị luật (Phục)4:23-24     23 Anh em hãy ý tứ đừng quên giao ước mà ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh em, đã lập với anh em, đừng làm tượng thờ mang hình ảnh bất cứ cái gì mà ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), đã cấm anh (em). 24 Thật vậy, ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), là một ngọn lửa thiêu, một vị thần ghen tương…
Hình thức này cũng chính là phép bap-tem, hay phép “rửa” bằng Thánh linh, bằng thần khí để thánh hóa. Được gọi là phép “rửa” bằng lửa vì phạm vi của phép “rửa” này không chỉ giới hạn nơi mỗi cá nhân theo Chúa mà còn khắp cả địa cầu, khắp cả vũ trụ này; trong đó bao gồm tất cả những ai không tin, tất cả những gì không thuộc về Chúa Giê-su, tất cả những gì liên đới với Adam; một khi tin mừng cứu-độ được rao giảng hoàn tất.
 Vua Đavit vi phạm vào điều răn Chúa dạy một cách nghiêm trọng; thế nhưng lương tâm ông xem ra không còn sự cảm biết, nếu như không được tôi-tớ của Chúa khuyến cáo, đồng thời chỉ ra các sai phạm trong sâu thẳm của lòng ông (II Sa 11.12) .
Tv 51:6   6 Nầy, Chúa muốn sự chân thật nơi bề trong; Chúa sẽ làm cho tôi được biết sự khôn ngoan trong nơi bí mật của lòng tôi.
(Exe 41:17  17 trên cửa, bên trong và bên ngoài đền thờ, khắp tường chung quanh, bề trong và bề ngoài, đều có đo cả. Đo tức là Thiên-Chúa xem xét tình trạng thánh của người tín hữu)
Exe 24:9-14  9 Vậy nên, Chúa Giê-hô-va phán như vầy: Khốn cho thành hay đổ máu! Ta cũng sẽ chất một đống củi lớn. 10 Hãy chất củi, làm cho lửa hực lên, làm cho rục thịt, cho đặc nước, và cho xương cháy đi. 11 Đoạn, hãy đặt nồi không trên những than lửa đỏ, hầu cho đồng nó cháy lên, cho sự ô uế nó tan ra ở bề trong, và cho ten rét của nó sạch hết. 12 Nó làm việc mệt nhọc; nhưng ten rét quá lắm của nó còn chưa ra khỏi; dầu bỏ ten rét nó vào lửa cũng không ra! 13 Sự ô uế mầy là tà dâm: vì ta đã tẩy sạch mầy và mầy không trở nên sạch, thì mầy sẽ không được chùi sự dơ bẩn của mình nữa, cho đến chừng nào ta đã làm cho cơn giận của ta được yên nghỉ đối với mầy.
Phép rửa (báp-tem) bằng lửa chính là sự thiêu hủy sự ô-uế trong lòng hối nhân đã tuyên bố quyết tâm thay đổi đường lối khi mà thánh linh chỉ ra sự sai phạm. Khi thuận theo thánh linh cảm thúc trong lòng tức là người đó đã để cho Thiên-Chúa thiêu hủy hết những gì ô-uế còn tồn tại để nên thánh hay vàng tinh ròng :
Kh 3:14-22      14 Hãy viết cho thiên thần của Hội Thánh Lao-đi-ki-a : Đây là lời của Đấng A-men, là Chứng Nhân trung thành và chân thật, là Khởi Nguyên của mọi loài Thiên Chúa tạo dựng. 15 Ta biết các việc ngươi làm : ngươi chẳng lạnh mà cũng chẳng nóng. Phải chi ngươi lạnh hẳn hay nóng hẳn đi ! 16 Nhưng vì ngươi hâm hẩm chẳng nóng chẳng lạnh, nên Ta sắp mửa ngươi ra khỏi miệng Ta. 17 Ngươi nói : “Tôi giàu có, tôi đã làm giàu, tôi chẳng thiếu thốn chi” ; nhưng ngươi không biết rằng ngươi là kẻ khốn nạn, đáng thương, nghèo khổ, đui mù và trần truồng. 18 Vì thế, Ta khuyên ngươi đến với Ta mà mua vàng đã thử lửa để làm giàu, mua áo trắng để mặc khiến ngươi khỏi xấu hổ vì để lộ thân thể trần truồng, mua thuốc để xức mắt cho ngươi nhìn thấy được. 19 Phần Ta, mọi kẻ Ta yêu mến, thì Ta răn bảo dạy dỗ. Vậy hãy nhiệt thành và hối cải ăn năn ! 20 Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta. 21 Ai thắng, Ta sẽ cho ngự bên Ta trên ngai của Ta, cũng như Ta đã thắng và ngự bên Cha Ta trên ngai của Người. 22 Ai có tai, thì hãy nghe điều Thần Khí nói với các Hội Thánh.”
Giê 17:27   27 Còn nếu các ngươi không   nghe Ta mà thánh hiến ngày sa-bát, lại gồng gánh đi qua các cửa thành Giê-ru-sa-lem trong ngày sa-bát, thì Ta sẽ phóng hoả đốt các cửa thành, lửa sẽ thiêu rụi các lâu đài ở Giê-ru-sa-lem và không tàn lụi.
I Phi-e-rơ, Phê-rô 4:12   12 Anh em thân mến, anh em đang bị lửa thử thách : đừng ngạc nhiên mà coi đó như một cái gì khác thường xảy đến cho anh em.
I Phê-rô 1:7   7 Những thử thách đó nhằm tinh luyện đức tin của anh em là thứ quý hơn vàng gấp bội, - vàng là của phù vân, mà còn phải chịu thử lửa. Nhờ thế, khi Đức Giê-su Ki-tô tỏ hiện, đức tin đã được tinh luyện đó sẽ trở thành lời khen ngợi, và đem lại vinh quang, danh dự.
Việc Thánh-thần hay Thánh linh thiêu hủy hết các ô-uế trong lòng cá nhân người tin cũng là hình thức mà Thánh-thần hay Thánh linh Chúa sẽ thiêu hủy tất cả những gì liên đới với Adam trong trời này đất này khi mà Tin mừng cứu-độ được rao giảng khắp đất. Đây chính là phép rửa, hay phép bap-tem bằng lửa.
Mat 3:12 12 Tay Người cầm nia, Người sẽ rê sạch lúa trong sân : thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi.”
He, Do thái 10:26-27   26 Thật vậy, nếu chúng ta cố tình phạm tội sau khi đã học biết sự thật, thì không còn hy lễ nào đền tội được nữa, 27 mà chỉ còn phải sợ hãi đợi chờ cuộc phán xét và ngọn lửa nóng bừng thiêu huỷ các đối tượng của Thiên Chúa
I Co 3:13 13 Nhưng công việc của mỗi người sẽ được phơi bày ra ánh sáng. Thật thế, Ngày của Chúa sẽ cho thấy công việc đó, vì Ngày ấy tỏ rạng trong lửa ; chính lửa này sẽ thử nghiệm giá trị công việc của mỗi người.
II Phê-rô 3:7 7 Còn trời và đất hiện nay, cũng chính lời ấy giữ lại, dành cho lửa trong ngày phán xét, ngày những kẻ vô luân phải diệt vong.
II Phê-rô 3:12  12 trong khi mong đợi ngày của Thiên Chúa và làm cho ngày đó mau đến, ngày mà các tầng trời sẽ bị thiêu huỷ và ngũ hành sẽ chảy tan ra trong lửa hồng.
Giuđa 1:7   7 Còn Xơ-đôm, Gô-mô-ra và các thành lân cận làm chuyện gian dâm như họ và chạy theo những thú vui xác thịt trái tự nhiên, thì đã phải chịu lửa đời đời làm hình phạt để nêu gương.

Các phép “bap-tem” hay phép “rửa” được kinh thánh liệt kê : Nước,Thánh-linh(Thần-khí), Lửa;  tất cả đều bởi thần linh, thần khí Thiên-Chúa tác động và đó là các phép diễn tả các hình thức của một quá trình mà Thiên-Chúa thiêu hủy hết các ô-uế nơi mỗi hối nhân, thiêu hủy hết các hậu quả do sự bất tín khởi đầu từ Adam đã khiến cho không những con người mà còn mọi vật khác nữa trong cả trái đất bị ô-uế.
Quá trình của các phép rửa (Bap-tem) để thiêu hủy các ô-uế đó diễn ra trong suốt lịch sử loài người mà chúng ta gọi đó là lịch sử cứu độ. Mỗi cá nhân được thừa hưởng ơn cứu độ, chính là : Thiên-Chúa khiến họ nên thánh giống như hình ảnh Ngài. Thiên-Chúa khiến cho nên thánh, việc đó chỉ bởi một Thần khí, hay thánh linh phát xuất tự nơi Ngài. Người tin và làm theo chính là chịu Bap-tem, chịu phép rửa trong Thánh linh, trong Thần khí duy nhất ấy.
Mặc dầu kinh thánh diễn tả dưới nhiều hình thức gọi là các phép rửa (Bap-tem) nhưng chỉ bởi một Thánh linh, một Thần-khí và như thế kinh thánh đã chỉ ra ý nghĩa đích thực của phép ấy sau đây : "Ephe 4:5      5 Chỉ có một Chúa, một niềm tin, một phép rửa (bap-tem)" và phép ấy chỉ bởi một Thần khí duy nhất : "I Co 12:12-13   12 Thật vậy, ví như thân thể người ta chỉ là một, nhưng lại có nhiều bộ phận, mà các bộ phận của thân thể tuy nhiều, nhưng vẫn là một thân thể, thì Đức Ki-tô cũng vậy. 13 Thật thế, tất cả chúng ta, dầu là Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể. Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất."

Kính trong Chúa Giê-su Ki-tô

Nông viết Dân









[1] Còn lại hai điều răn quan trọng là mến Chúa và yêu người tức là kết quả của việc thi hành các điều răn, mà không phải là bỏ đi. Nói ngược lại mọi điều răn Chúa dạy đều phát xuất từ hai điều răn căn bản đó.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét