Thứ Ba, 11 tháng 4, 2017

ĐỨC CHÚA GIÊ-SU

ĐỨC CHÚA GIÊ-SU (bản tóm lược)

Nhiều tổ chức đã công bố về Đức Chúa Giê-su – Ngài là ai?
·         Có tổ chức công bố rằng: Đức Chúa Giê-su là chính Đức Chúa Trời Giê-hô-va; khi Ngài ở trên trời thì là Đức Chúa Trời Giê-hô-va còn khi xuống thế là Đức Chúa Giê-su.[1]
·         Có tổ chức khác thì dạy rằng: Đức Chúa Giê-su là Đức Chúa Trời, là Con Đức Chúa Trời, là một ngôi vị riêng biệt nhưng lại đồng đẳng không có trước có sau đối với Đức Chúa Trời là Giê-hô-va.[2]
·         Có tổ chức khác dạy rằng: Đức Chúa Giê-su chỉ là tạo vật thần linh bởi Đức Chúa Trời trực tiếp tạo ra và bởi trực tiếp như vậy cho nên kinh thánh gọi Ngài là con độc sanh của Đức Chúa Trời Giê-hô-va.[3]

Nhưng trong bài này, chúng ta sẽ chỉ xem xét theo kinh thánh – nghĩa là những gì các sứ đồ đã viết - đã tin - và đã công bố theo Thần khí soi dẫn; đồng thời cũng đối chiếu và xem xét các nghiên cứu khác về Đức Chúa Giê-su theo tinh thần của các sứ đồ như đã nêu trên.
Các sứ đồ đã được thừa hưởng lời hứa ban Thánh linh Đức Chúa Trời. Và Thánh linh đã soi dẫn họ vào mọi lẽ thật – nhắc lại những gì đã quên – chỉ cho biết những việc sẽ đến trong tương lai đặc biệt là sứ đồ Phao-lô, ông đã từng tuyên bố ông am hiểu mầu nhiệm Đức Chúa Trời (Giăng 14:26; 16:13; Eph 3:3-4; Rm 16:25). Chính vì được soi dẫn như vậy, các Ngài đã công bố và viết cho chúng ta 27 cuốn sách khác ngoài 39 cuốn trong toàn bộ kinh thánh. Chúng ta xem các sứ đồ đã viết về Đức Chúa Giê-su thế nào sau đây.
1.      Được sanh ra từ đời đời: Đức Chúa Trời là Thần linh siêu việt nghĩa Đấng chí cao vượt lên trên mọi suy tư của con người, cho nên đừng nghĩ rằng Đức Chúa Trời có giới tính như các tạo vật; do đó, khi kinh thánh viết, Đức Chúa Giê-su  được “sanh ra” bởi Đức Chúa Trời thì có nghĩa là Đức Chúa Giê-su “phát xuất” hay “ra” từ Đức Chúa Trời. Đây là một hình thức hiện hữu mầu nhiệm do ý định của Đức Chúa Trời Giê-hô-va (Cn  8:22-30).
2.      Đức Chúa Giê-su hiện hữu bởi Đấng luôn hiện hữu: Khi so sánh giữa sự hiện hữu của Đức Chúa Giê-su và các loại thọ tạo khác (thiên sứ và loài người) kinh thánh cho thấy đặc điểm quan trọng sau: Đức Chúa Giê-su “phát xuất” hay “ra” từ Đấng hằng hữu là Đức Chúa Trời còn các tạo vật khác đều được sáng tạo bởi Đức Chúa Giê-su từ hư không (Cn 8: 22-30; He 11:3)
3.      Đức Chúa Giê-su là con độc sanh bởi Đức Chúa Trời Giê-hô-va: Bởi Đức Chúa Giê-su “phát xuất” trực tiếp từ Đức Chúa Trời cho nên kinh thánh gọi Ngài là con độc sanh (Giăng 1:18).
4.      Đức Chúa Giê-su phản ánh trung thực về Đức Chúa Trời: Đức Chúa Trời vui lòng khiến mọi sự đầy dẫy của Ngài chứa trong Đức Chúa Giê-su; cho nên Đức Chúa Giê-su trở nên đồng hình đồng dạng (Phi 2:6), phản ánh trung thực bản thể Đức Chúa Trời (He 1:3).
5.      Đức Chúa Giê-su trở nên giá cứu chuộc cho mọi người: Bởi vì Ngài thừa hưởng các đặc tánh cũng như “phát xuất” hay “ra” từ Đức Chúa Trời một cách mầu nhiệm như vậy, cho nên Đức Chúa Giê-su khác biệt với tất cả các thọ tạo khác (hữu hình và vô hình). Với các đặc điểm khác biệt đó Ngài có thể cứu chuộc được mọi người ra khỏi sự chết. Ngược lại nếu Đức Chúa Giê-su chỉ thuần túy như các loài thọ tạo khác Ngài sẽ không thể cứu chuộc được nhân loại ngoại trừ chỉ một mạng sống mà thôi![4]
6.      Đức Chúa Giê-su trực tiếp tạo ra các tạo vật vô hình và hữu hình: Đức Chúa Giê-su là thợ cả của Đức Chúa Trời, Ngài đã sáng tạo vũ trụ và mọi tạo vật khác hữu hình trong đó có con người và thiên sứ là loài vô hình.
7.      Đức Chúa Giê-su không phải là chính Đức Chúa Trời Giê-hô-va[5]: Các sứ đồ kể các Phao-lô là người am hiểu mầu nhiệm Đức Chúa Trời chưa bao giờ dám tuyên bố Đức Chúa Giê-su là chính Đức Chúa Trời Cha của Ngài. Xin đọc lời tuyên tín của các sứ đồ trong sách Epheso cách công khai rố ràng không qua lý luận thần học con người sau đây: “4 Chỉ có một thân thể, một Thánh Linh, như anh em bởi chức phận mình đã được gọi đến một sự trông cậy mà thôi; 5 chỉ có một Chúa, một đức tin, một phép báp-têm; 6 chỉ có một Đức Chúa Trời và một Cha của mọi người, Ngài là trên cả mọi người, giữa mọi người và ở trong mọi người.
8.      Đức Chúa Giê-su cũng được tôn thờ chung với Đức Chúa Trời Cha của Ngài:
22 Ở đó, tôi không thấy đền thờ nào; vì Chúa là Đức Chúa Trời toàn năng và Chiên Con đều là đền thờ của thành. 23 Thành cũng không cần mặt trời, mặt trăng để soi sáng; vì vinh hiển của Đức Chúa Trời chói lói cho, và Chiên Con là ngọn đèn của thành.” (Kh 21:22-23).
9.      Đức Chúa Giê-su luôn thờ phượng và tuân theo mọi thánh chỉ của Đức Chúa Trời Cha của Ngài: 25 vì Ngài phải cầm quyền cho đến chừng đặt những kẻ thù nghịch dưới chân mình. - 26 Kẻ thù bị hủy diệt sau cùng, tức là sự chết. - 27 Vả, Đức Chúa Trời đã để muôn vật dưới chân Ngài; mà đã nói rằng muôn vật phục Ngài, thì chắc phải trừ ra Đấng làm cho muôn vật phục Ngài. 28 Khi muôn vật đã phục Ngài, thì bấy giờ chính mình Con sẽ phục Đấng đã làm cho muôn vật phục mình, hầu cho Đức Chúa Trời làm muôn sự trong muôn sự.” (I Co 15:25-28) hoặc: “1 Sự mặc thị của Đức Chúa Jêsus Christ mà Đức Chúa Trời đã ban cho Ngài đặng đem tỏ ra cùng tôi tớ Ngài những điều kíp phải xảy đến, thì Ngài đã sai thiên sứ đến tỏ những điều đó cho Giăng, tôi tớ Ngài,” (Kh 1:1)

Tóm lại, các sứ đồ là những người được thừa hưởng lời hứa ban Thần chân lý (Giăng 14:26; 16:13) và bởi lời hứa đó 27 sách là “ĐẠO ĐÃ TRUYỀN CHO CÁC THÁNH MỘT LẦN ĐỦ RỒI” được công bố  đây chính là nền tảng cho sự sống đời đời (Giu-đe 1:3; Eph 4:4-6). Ngoài ra, những tuyên tín về Đức Chúa Giê-su bởi suy tư thần học nơi một vài trích đoạn (He 1:8; II Co 13:13; Mt 28:19)[1] đều không có giá trị hoặc đi quá xa những gì mà Thánh linh đã mạc khải; dẫu tin cũng vô ích!!! (I Co 15:1-2).
Nền tảng đức tin theo thần khí mạc khải trong kinh thánh, chính là đức tin: Tông truyền – Thánh thiện –  Duy nhất – Chân thật  đã được Thánh linh Đức Chúa Trời soi dẫn để các sứ đồ loan báo và trước tác, - Chính các Ngài đã sống và chết cho đức tin đó!!!

Lê Văn



[1] Lối suy tư của một số các tín đồ giáo hội Tin lành, dựa theo giáo lý về “Ba ngôi” và là lối suy tư theo cảm tánh con người không theo kinh thánh.
[2] Giáo lý về “ba ngôi” được định tín sau khi Đức Chúa Giê-su về “trời” vào khoảng 400 năm sau đó bởi Vua Contantin và hai đại diện của giáo hội Roma.
[3] Giáo lý bởi tổ chức Nhân chứng Giê-hô-va.
[4] Nhân Chứng Giê-hô-Va. Bạn Có Thể Sống Đời Đời Trong Địa Đàng Trên Đất. Watchtower Bible And Tract Society of Newyork, Inc. 1990. Trang 58. Đây là lối lý luận của tổ chức Nhân chứng Giê-hô-va: Đức Chúa Giê-su chỉ là tạo vật thần linh đầu tay của Đức Chúa Trời.
[5] Nguyễn Khác Hy. Thiên Chúa Là Ba Ngôi. Truy cập ngày 2016 tại: http://www.dcvxuanloc.net/dcv/index.php/chuyen-de/tri-thuc/than-hoc/177-lich-su-than-hoc-chua-ba-ngoi
[6] Các trích đoạn này luôn được suy tư theo quan điểm tín điều ba ngôi để dịch thuật; nó luôn cần xem xét lại trong khách quan theo tinh thần những gì các sứ đồ đã công bố.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét