Thứ Ba, 27 tháng 9, 2016

SA-BAT TRONG LỊCH SỬ NHÂN LOẠI

Mở đầu:
Để có sự hiểu biết khách quan đúng theo kinh thánh về ý nghĩa Sa-bat, luật pháp về Sa-bat cũng như cách thực hành; trước hết, cần nhận thức được ý nghĩa, mục đích của công trình của Đức Chúa Trời đã trù liệu từ đời đời; đó là ban sự sống vĩnh cửu cho con người; cũng như cách Ngài thực hiện mục đích đó qua từng thời kỳ; có như vậy, mới nhận thức đúng ý nghĩa thật sự về Sa-bat và luật pháp về Sa-bát nơi lịch sử con người mọi thời đại.
Không phải ngay khi sáng tạo đã có luật pháp Sa-bat trên văn bản bởi ý nghĩa của Sa-bát và luật pháp về Sa-bat đã được ghi dấu trong lòng Adam[1]. Lịch sử dân thánh cho thấy, Kinh thánh trên văn bản nói chung và về phương diện ý nghĩa của Sa-bat cũng như luật pháp về Sa-bát nói riêng được mạc khải cho nhân loại rất lâu sau Adam và khi có tuyển dân. Việc tuyển dân nhận được kinh thánh không phải do sự tu luyện khổ chế của Moi-se để tự ngộ đạo; mà bởi duy nhất Đức Chúa Trời là Đấng sáng tạo toàn năng, Ngài có thẩm quyền và mục đích cho nhân loại là tạo vật bởi Ngài dựng nên mạc khải cho để hoàn thành công trình của Ngài.

Như vậy việc Đức Chúa Trời ban kinh thánh, đã cho thấy tầm quan trọng liên quan đến ý nghĩa về sự yên nghỉ (Sabat) và luật về sự yên nghỉ (Sa-bat) được ghi chép trong luật pháp 10 điều răn. Dưới đây là các thời kỳ lịch sử thuộc linh phản ánh ý nghĩa của sự “yên nghỉ” (Sa-bat) của luật pháp về sự “yên nghỉ” qua việc Đức Chúa Trời thực hiện mục đích ban sự sống đời đời cho nhân loại.
1.       Sa-bát trong Eden
Trình thuật Sáng thế chương một mặc nhiên chỉ ra cho thấy phần nào mục đích của Đức Chúa Trời khi mọi vật được Ngài sáng tạo (St 1:1,28,31). Lời mạc khải cho thấy: mọi tạo vật được sáng tạo mục đích dành cho con người (St 1:28; 2:19) và con người được sáng tạo mục đích để dành cho Đức Chúa Trời (I Co 11:3; 8:6; Co1:16). Mặt khác nữa, Đức Chúa Trời muốn con người phải luôn ở trong đường lối Ngài để không những nhận được SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI NGAY TRÊN ĐẤT (Ma 4:4; I Vua 2:3; Tit 1:2; Kh 5:9-10) mà còn biết cách quản trị chính cá nhân cũng như các loài thọ tạo khác được ban cho trong đường lối công bình và thánh sạch.
Con người (Adam) là một thân vị có đặc tánh: duy nhất, độc lập, và tự do trong mọi quyết định bởi các phẩm chất: ý chí, trí khôn, tình cảm. Do đó, chọn lựa để tiếp nhận lời dạy mà không hoàn toàn bởi trí khôn riêng đã là dấu chỉ cho biết về ý nghĩa sự yên nghỉ hay còn gọi là Sa-bat. Thực vậy, ngay từ lúc ban đầu, Adam với địa vị là một thân vị được sáng tạo giống hình ảnh Đức Chúa Trời, với các phẩm chất được ban cho, ông đã tự nhận biết Đức Chúa Trời và đường lối thánh khiết tuyệt đối của Ngài; sự tiếp nhận đó, mặc nhiên, tỏ ra ông đã có sự chọn lựa; một là ý riêng; hai là, ý Đức Chúa Trời. Với sự chọn lựa và dẫn đến sự tiếp nhận để Đức Chúa Trời cư ngụ trong tâm hồn do nơi các phẩm chất và yếu tố được dưng nên “rất tốt đẹp” đã khiến cho Adam nhận được sự yên nghỉ mọi mặt trong Đức Chúa Trời, không còn bị các tư tưởng giới hạn bản chất thọ tạo chi phối, đồng thời nhận được lời hứa về sự sống đời đời ngay trên đất. Đây là một Sa-bat vĩnh viễn đời đời không bị lệ thuộc vào ngày tháng không gian thời gian.
Adam đã từng “yên nghỉ” trong Đức Chúa Trời bởi ban đầu ông đã chọn lựa chỉ đi theo đường lối Đức Chúa Trời mà thôi. Việc chọn lựa ấy được kinh thánh biểu tượng nơi ý nghĩa của hành động ăn trái của cây “sự sống” là cây ở giữa vườn[2]. Nói cách khác, LUÔN VÂNG GIỮ LỜI DẠY CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI CHÍNH LÀ SỰ YÊN NGHỈ, CHÍNH LÀ SA-BAT. Và đây là SA-BÁT đời đời vĩnh viễn trên đất không lệ thuộc vào không gian thời gian mà Đức Chúa Trời muốn không những nơi Adam mà còn toàn thể nhân loại hầu cho tất cả nhận được sự sống đời đời.[3]

2.       Sa-bat ngoài Eden
Adam đã không yên nghỉ trong Đức Chúa Trời, bởi ông chọn đi theo đường lối riêng, tự lập luật pháp riêng; việc ấy, khiến cho cá nhân ông và con cháu trở nên bất toàn vì không có Đức Chúa Trời là Đấng chí toàn không hề sai trật ở cùng. Thời gian cho thấy, Luật pháp hoàn hảo của Đức Chúa Trời dần dần phai lạt không còn tồn tại trong tâm hồn loài người (Rm 3:23). Phần nào sau Adam, lịch sử nhân loại cho thấy hai thành phần; một vẫn còn sự tin kính Đức Chúa Trời; và hai luôn đi theo đường riêng; mãi cho đến khi tuyển dân ra đời một dự phóng hình bóng cho kế hoạch làm cho trọn luật pháp Đức Chúa Trời (St 4:1-10; 5:24; 6:8; 11:1-9; 12:1-3; 14:18; 20:6… ).
Và việc ban kinh thánh hay luật pháp cho con người chính là một trong những hình thức Ngài thực hiện mục đích hay kế hoạch ban sự sống đời đời cho nhân loại. Thật cần thiết hơn, khi bản chất con người là loài thọ tạo hữu hạn, thêm nữa lại tự ý lập luật pháp, đi theo đường lối riêng (cây Thiện ác) dẫn đến toàn thể nhân loại bởi quy luật truyền sinh được sanh ra nhưng lại phải: già nua - bệnh tật – và sau cùng phải nếm mùi sự chết. Tất cả mọi hậu quả đang diễn ra trong lịch sử nhân loại như thế chính là những gánh nặng, những ách tật khiến họ không hề có hạnh phúc thật tức là sự bất tử và bình an hay yên nghỉ theo cách của Đức Chúa Trời là Đấng có thẩn quyền trên họ. Thực tế hiển nhiên đó, “con người” cần nhận được sự mạc khải để nhận biết được giới hạn nghiêm trọng sau Adam đã và đang dẫn đến mọi hậu quả để cuối cùng là sự chết bởi tự nơi họ không thể có giải pháp nào khác có thể tu tập tự giải thoát.
Khi không còn luật Đức Chúa Trời trong tâm hồn, hậu quả đó khiến loài người mỗi lúc xa dần đường lối Ngài. Nhưng Đức Chúa Trời không thay đổi những gì đã trù liệu (Tit 1:2) và Luật pháp Đức Chúa Trời, hình thức bên ngoài phản ánh luật pháp khi “con người” còn trong Eden, lại được ghi chép trên bảng đá, được ban hành cho con người để họ nhận biết về các sai phạm nghịch lại với luật pháp Đấng toàn năng chí thánh và ai đó muốn nên Công bình theo tiêu chuẩn củ Đức Chúa Trời phải chấp nhận và thi hành toàn bộ luật pháp không được bỏ điều răn nào (Gia 2:10)[4]. Xin được nhắc lại: Đức Chúa Trời có hai điều răn chính để cho con người biết cách thờ phượng Ngài; đó là, “Mến Chúa và Yêu đồng loại” (Mt 22:34-42). Từ hai điều răn này Ngài chi tiết hóa thành 10 điều răn; sau đó, trong thời kỳ trông đợi Đấng làm cho trọn luật pháp tức là lại đem luật pháp trên bảng đá ghi tạc vào lòng người tin như ban đầu sáng thế, Moi-se đã tạm thời chi tiết hóa thêm khoảng trên 600 điều răn, mạng lệnh khác để hướng dẫn dân sự thi hành đúng 10 điều răn.
Tóm tắt: Khi loài người tự ý chọn đi trong đường lối riêng, tự lập luật pháp riêng khởi đầu là Adam dẫn đến hệ quả; thứ nhất, đối với loài người, tất cả đã không thể tự nên công chính theo cách riêng; đồng nghĩa, cũng không thể đến thẳng với Ngai ơn phước là Đức Chúa Trời (St 3:24). Đời sống lúc này không có bình yên tức là sự yên nghỉ hoàn toàn nơi Đức Chúa Trời (Sa-bat), mà là một chuỗi những ngày đầy bất toàn thiếu sót và phải dâng hết của lễ này khác bằng các con sinh; thứ hai, nhưng đối với Đức Chúa Trời, Ngài không hề thay đổi mục đích dẫu cho bất kỳ ngăn trở nào, thế nên trong trường hợp loài người như vậy Ngài ban luật pháp để thứ nhất hướng dẫn họ đến để tiếp nhận Đấng ban cho bình an (Ga 3:24) và muốn được xưng công bình thì phải làm cho trọn các điều răn Ngài đã công bố. Các hình thức luật pháp đem lại sự sống như vậy cũng đều phản ánh mục đích của Đức Chúa Trời để khi người tiếp nhận thì được yên nghỉ (Sabat).

3.       Sa-bat sau cứu chuộc (Eden thiêng liêng)
Adam, ông đã có sự chọn lựa riêng sau những ngày tháng đi trong đường lối thánh tức là sự yên nghỉ (Sa-bat) trong Đức Chúa Trời; cá nhân ông đã tự lập luật pháp riêng không còn yên nghỉ trong Đức Chúa Trời nữa (tức là không còn vâng giữ lệnh truyền của Đức Chúa Trời St 2:15-17) và việc ấy đã ảnh hưởng toàn nhân loại (Rm 5:12-14). Ý riêng thì luôn hữu hạn và trong thực tế lịch sử nhân loại sau Adam đã minh chứng về sự bất toàn đang diễn ra trên toàn thể thế giới.
Thực tế nêu trên, chính là nan đề cần phải được giải quyết, và Đức Chúa Giê-su đã chỉ ra cách giải quyết duy nhất như sau: “28 Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ. 29 Ta có lòng nhu mì, khiêm nhường; nên hãy gánh lấy ách của ta, và học theo ta; thì linh hồn các ngươi sẽ được yên nghỉ. 30 Vì ách ta dễ chịu và gánh ta nhẹ nhàng.” (Mt 11:28-30).
Vậy, kẻ mệt mỏi và gánh nặng là những ai?
Những ai không tiếp nhận Đức Chúa Trời đồng nghĩa tư lập luật pháp riêng, đi trong đường lối riêng hậu quả là các sai trật diễn ra trong cả cuộc đời khiến cho mệt mỏi cả trong tinh thần và cả thể xác. Khác nữa, trong thời kỳ trông đợi Đấng cứu thế; ngay cả nơi những người tin kính Đức Chúa Trời nhưng vì liên đới với Adam vẫn không sao tránh khỏi thiếu sót và phải chấp hành các luật pháp như dâng sinh tế để nhận biết tội vi phạm được khỏa lấp tội lỗi (He 9:7; 13:11).
Như vậy, để làm cho trọn luật pháp công bình của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Giê-su cần phải nhập thể theo công trình cứu độ bởi Đức Chúa Cha. Ngài đến thế gian để dâng mạng sống mình làm của lễ chuộc tội y như các con sinh trong thời kỳ luật pháp còn trên bảng đá, giấy da làm hình bóng (I Giăng 4:10). Ngay khi chuộc tội xong (Giăng 19:30) về phương diện luật pháp có ít là bốn sự kiện trọng đại Đức Chúa Trời làm cho nhân loại qua Đức Chúa Giê-su; thứ nhất, Đức Chúa Giê-su, Ngài đã đại diện cả loài người làm thay và làm cho trọn luật pháp Đức Chúa Trời đòi hỏi nơi con người trong thời kỳ chờ đợi để được cứu chuộc là thời kỳ mà con người không thể tự sức riêng làm theo các đòi hỏi công bình trong luật pháp yêu cầu; thứ hai, các hình thức của luật pháp 613 điều răn, mạng lệnh làm hình bóng kết thúc vai trò nhất định nhằm chỉ ra sự đòi hỏi công bình theo tiêu chuẩn Đức Chúa Trời; thứ ba, luật pháp 10 điều răn công bình của Đức Chúa Trời hằng còn đến đời đời bởi tánh chất là thánh lại được đem vào trong lòng người tin (( Rm 7:12; He 8:10; 10:16). Và người tin trong thời kỳ này bất luận sẽ cậy nhờ Thần Đức Chúa Trời để thi hành mọi đòi hỏi công bình được ghi khắc trong lòng theo cách mới mà không theo cách cũ của văn tự đây là cách làm cho vững bền luật pháp (Rm 3:31; 7:6); thứ tư, bởi vì sự liên đới với Adam vẫn còn trên người tin mặc dầu đã được xưng công bình cho nên: luật pháp 10 điều răn vẫn còn cần được duy trì cho đến khi: Muôn vật đổi mới, Muôn vật phục quyền Đức Chúa Giê-su (He 2:8; Mt 19:28; 5:17-18).

Kết thúc:
Qua ba thời kỳ lịch sử thuộc linh: Trong Eden – Ngoài Eden – và Eden thiêng liêng; kinh thánh đã cho biết về mục đích Đức Chúa Trời thực hiện cho nhân loại; đó là ban sự sống đời đời. Để tiếp nhận sự sống đời đời mà Đức Chúa Trời thực hiện cho, nhân loại nói chung cần nhận biết và tiếp nhận các điều răn mạng lệnh công bình của Ngài.
Sự tiếp nhận luật pháp công bình bởi Đức Chúa Trời và làm theo chính là sự yên nghỉ trong sự quan phòng của Đức Chúa Trời mà ý nghĩa của từ ngữ Sa-bát hàm ý. Sự tiếp nhận để yên nghỉ ấy đồng nghĩa với việc không tự lập luật pháp riêng, không đi trong đường lối riêng như Adam và con cháu ông mà hậu quả hôm nay vẫn đang diễn ra trong cả nhân loại.
Như vậy, ý nghĩa về Sabat nói chung, không thể được hiểu một cách nông cạn đại loại như là cứ vào thứ bảy hằng tuần là phải nghỉ các công việc để thờ phượng Đức Chúa Trời. Sa-bát cần phải được hiểu theo cách của Đức Chúa Trời đó là phải nhờ vào Danh Đức Chúa Giê-su tiếp nhận quyền năng là Thần Đức Chúa Trời để tuân theo mọi điều răn, mạng lệnh, lời dạy của Ngài trong đời sống đó chính là Sa-bát đích thực mà ngày Sa-bát mỗi tuần là hình bóng cho đến khi muôn vật đổi mới – muôn vật phục dưới chân Đức Chúa Giê-su. Chính lúc ấy trời mới đất mới mở ra và cũng là lúc nếu như cần xem xét lại quá khứ như một điều cần thiết để tạ ơn Đức Chúa Trời, con người sẽ phải hoài niệm, phải đi tìm 10 điểu răn nhưng không thấy bởi nơi đâu có luật tức là nơi ấy đang có gánh nặng nề và ách đau khổ; ngược lại, nơi đâu không có luật tức là nơi ấy không có sai phạm, nơi ấy đang yên bình (Sa-bat).
Thực tế, mặc dầu vẫn biết mọi tội đã được tha mọi luật pháp công bình đã được Đức Chúa Giê-su làm thay! nhưng sự liên đới với Adam vẫn tồn tại trong thân xác dẫn đến vẫn còn các sai phạm mà không yên nghỉ hoàn toàn trong Đức Chúa Trời (Rm 7:18-19).  Vậy, trong khi chờ đợi: Trời mới đất mới xuất hiện – Muôn vật đổi mới – Muôn vật phục dưới chân Đấng Christ chúng ta vẫn cần đến 10 điều răn Đức Chúa Trời tức là chính Đức Chúa Trời đang cư ngụ trong lòng để luôn được an nghỉ như luật pháp về sự yên nghỉ được dự phóng nơi tuyển dân và là bóng cho hình hôm  nay nơi những ai muốn được yên nghỉ trong Đức Chúa Trời đời đời đúng như tinh thần sách E-sai nói tới[5] (Mt 19:28; He 2:8; E-sai 66:22-23).

Lê  Văn 


[1] Khi có Đức Chúa Trời cư ngụ trong lòng việc cư ngụ đó đồng nghĩa với luật pháp được ghi tạc trong lòng (He 8:10; 10:16)
[2] Đức Chúa Trời sáng tạo trái đất và mọi vật trong đó “rất tốt đẹp” theo tiêu chuẩn thánh và công bình của Ngài. Đây là một nguyên tắc nhất định không cho phép người đọc suy tư gì khác hơn, là theo nghĩa đen và kế tiếp nếu có thì cả trái đất hoàn toàn là “Eden”. Nhưng kinh thánh cũng đồng thời cho biết một Eden khác trên đất là nơi Ngài đặt con người và con người đầu tiên đó là Adam!!! Vậy có mâu thuẫn không khi cả trái đất đã là Eden rồi thì tại sao lại phải “thiết lập một Eden khác” để đặt con người mà Ngài vừa sáng tạo ở đó.
Đây là một mầu nhiệm và mầu nhiệm này đã được sáng tỏ khi người đọc tìm thấy luận lý tại sao lại có mạc khải là kinh thánh và tại sao phải mãi đến khi có tuyển dân. Thực vậy, như đã nói ở trên kinh thánh được mạc khải khi loài người không có Đức Chúa Trời ở cùng; dó đó, thứ nhất, kinh thánh không nhất thiết phải theo cách của loài người để trình bày, ngoài những điểm căn bản cần thiết cho mọi thành phần để được cứu rỗi; thứ hai, thực trạng hôm nay đang diễn ra giữa các quốc gia trong đó Is-ra-el là trung tâm của các lời tiên tri về kỳ tận cùng dần đang được ứng nghiệm đã làm sáng tỏ về khía cạnh Đức Chúa Trời thiết lập một Eden trên đất và đặt con người mà Ngài vừa sáng tạo ở đó (St 2:8).
[3] Mục đích không thay đổi về sự yên nghỉ đời đời Đức Chúa Trời thực hiện nơi Adam thế nào thì cũng được kinh thánh lập lại khi có tuyển dân theo một hình thức khác, và cần thay đổi trở về như ban đầu nơi Adam còn được gọi là làm cho trọn khi Đức Chúa Giê-su hoàn thành sự cứu chuộc (Xh 31:13-16; Mt 5:17-18).
[4] Sở dĩ Đức Chúa Trời bắt buộc người muốn nên công bình theo tiêu chuẩn của Ngài phải thi hành như vậy; vì thứ nhất, Ngài muốn minh chứng cho nhân loại một khi đã chon theo đường riêng, luật pháp riêng nhận ra sự bất lực khi không có Ngài trong đời sống; thứ hai, để cho nhận thức được giá trị về tiêu chuẩn thánh và công bình của Ngài.
[5] Ngày trăng mới hay Sa-bat được viết trong E-sai 66 chỉ về ý nghĩa thiêng liêng mà thôi; vì trong trời mới đất mới khi được thiết lập trở lại; lúc ấy, con người luôn có Đức Chúa Trời ở cùng thì cần chi đến các dấu chỉ hình bóng nữa. Như vậy ý nghĩa mà ngày Sa-bat, hay các ngày lễ khác được luật pháp quy định là Sa-bat trong đó có ngày trăng mới phải được chấm dứt vai trò trung gian. Xin lưu ý, ngay sau khi Đức Chúa Giê-su hoàn thành việc cứu chuộc (Giăng 19:30) thì ngày Trăng mới đã phải chấm dứt rồi; nay được nhắc lại trong E-sai 66 chẳng qua là nhắc đến tinh thần của ngày Sa-bat trăng mới mà thôi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét