Chủ Nhật, 24 tháng 11, 2013

Bài 14 PHÉP RỬA HAY BAP-TEM DÀNH CHO AI ?


“Phép bap-tem hay phép rửa chính là nghi thức bày tỏ sự cam kết giữ vững lương tâm của người lãnh nhận với Thiên-Chúa. Như vậy, nghi thức này chỉ dành cho người đã trưởng thành, đã được học biết về ý nghĩa của phép bap-tem và có ý thức về việc họ cam kết. Sự cam kết giữ vững lương tâm theo luật pháp Chúa không chỉ là nhất thời mà xuyên suốt cả cuộc đời trong Chúa. Đây chính là phép bap-tem và chỉ một mà thôi”(Epheso 4:5).
  Người nói với các ông : “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. 16 Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án. (Mac 16:15-16)


Đọc trong tin mừng Gioan (Giăng) chương ba từ câu 01 đến câu 06, nội dung mô tả bối cảnh cuộc trao đổi giữa Chúa Giê-su, và một người Do-thái, giáo sư Ni-cô-đê-mô. Qua cuộc trao đổi này : Chúa Giê-su - Ngài công bố về sự cần phải tái sanh theo cách thức bởi trời để khả dĩ nhận được ơn cứu-độ. Riêng đối với cá nhân ông Nicodemo, nhờ các dấu lạ Chúa Giê-su đã thực hiện mà ông ta nhận biết được một điều quan trọng :  Chúa Giê-su - Ngài chính là đấng thiên-sai. Nhưng ông ta lại không thể hiểu được một điều hệ trọng khác là : Ông - chính ông cần phải được tái sanh theo cách thức bởi trời. Sự “u-mê” của một giáo sư “thông sáng” đã khiến Chúa Giê-su phải nói rằng : “7 Ông đừng ngạc nhiên vì tôi đã nói : các ông cần phải được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên. 8 Gió muốn thổi đâu thì thổi ; ông nghe tiếng gió, nhưng không biết gió từ đâu đến và thổi đi đâu. Ai bởi Thần Khí mà sinh ra thì cũng vậy.” (Gioan 3:7-8)
Bây giờ chúng ta trở lại đề tài chính đã nêu ở tiêu đề : Tại sao người được nghe loan báo tin vui, tin mừng phải tin rồi mới thực hiện phép rửa (bap-tem) ?
Trước hết chúng khảo sát về việc người được nghe tin vui, tin mừng phải tin những gì ?
Tin vui hoặc tin mừng công bố cho chúng ta biết loài người vì liên đới với Adam nên :
1.      Hết thảy đều đang đối diện với nhiều bất hạnh và bất hạnh sau cùng là phải nếm mùi sự chết; kể cả những người không phạm tội giống như tội của Adam(Rm 5:12,14,17). Sự chết là điều đi ngược lại với chương trình  của Thiên-Chúa. Đây là điều mà người được nghe tin vui mừng phải tin.
2.      Trước tiêu chuẩn thánh khiết của Thiên-Chúa tất cả mọi người đều là kẻ chết (Mt 8:22). Là kẻ chết vì sự thánh khiết công chính do sự tu tập của loài người ví như chiếc áo trắng công chính nhưng bị hoen ố (I-sai 64:4-5) và như vậy tất cả đều là loài xác thịt bởi không nhận sự tác động hoặc loại bỏ thần khí Chúa (Phi 2:13.Gioan 3:6). Không ai có thể sống đời đời trên đất theo như  ý định Chúa (Gioan 6:63. Kh 5:1-10)) bởi nỗ lực riêng luyện tập bất cứ pháp môn nào (lưu ý : tôn giáo phản ảnh về nhu cầu tâm linh của nhân loại) để trước mặt Thiên-Chúa họ được Ngài công nhận là đã được tái sanh hoặc đang mặc chiếc áo công bình đã được thanh tẩy trắng tinh. Đây là điều phải tin.
3.      Chỉ có một giải pháp duy nhất bởi Thiên-Chúa, chính là sự đền tội thay nhờ Chúa Giê-su, và ai tin vào sự đền tội thay đó thì được cứu. Khi đã được cứu, tức là được chính Thiên Chúa sanh ra, và họ giống như đang mặc chiếc áo trắng tinh nhưng được tẩy sạch bởi Chúa Gie-su. Đây là điều phải tin.
Trở lại việc tại sao Chúa Giê-su nhấn mạnh là phải tin mới được chịu phép “rửa” (bap-tem). Chúng ta nhận thấy Thiên-Chúa sáng tạo con người giống hình ảnh Ngài . Và một trong những đặc điểm giống hình ảnh Ngài (Giô-na 1:14) đó là sự tự do của con người; của một ngôi vị; của một hồn sống; của một sinh vật có các phẩm chất : ý chí, trí khôn, tình cảm. Chính vì vậy, Chúa Giê-su luôn luôn tôn trọng, luôn ban thần khí tác động - cũng với thần khí đó Ngài vừa giúp nhưng lại vừa để cho họ tự do chọn lựa để khi nghe tin vui cứu độ cũng như sự tự do nhận định về tin vui đó; và rồi tự nơi họ…. : Tin hoặc là Không. Như vậy : tính chất của sự xác tín đó phải phát xuất từ một con người đã trưởng thành có đủ trí khôn, ý chí và tình cảm để có sự  tự do chọn lựa đến với Thiên-Chúa hoặc là không.
Kinh thánh - Lời Thiên-Chúa luôn luôn là ánh sáng cho nhân loại. Sách Đệ nhị luật (Phục truyền) chương 11 từ câu 01 đến câu 02 trình bày cho chúng ta đối tượng có đủ tiêu chuẩn để tin sau đây : 1 Anh (em) phải yêu mến ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), và mọi ngày phải giữ điều Người truyền giữ, là các thánh chỉ, quyết định và mệnh lệnh của Người. 2 Hôm nay, anh em-chứ không phải con cái anh em, những kẻ không biết và không thấy- anh em biết bài học ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh em, đã dạy, biết sức mạnh lớn lao và cánh tay mạnh mẽ uy quyền của Người” (Đệ nhị luật, Phục truyền 11:1-2). Kế tiếp, chúng ta đọc trích đoạn sau nói về  ý nghĩa của phép bap-tem hay phép rửa : “21 Nước đó là hình bóng phép rửa nay cứu thoát anh em. Lãnh nhận phép rửa, không phải là được tẩy sạch vết nhơ thể xác, mà là cam kết với Thiên Chúa sẽ giữ lương tâm trong trắng, nhờ sự phục sinh của Đức Giê-su Ki-tô” (I Phi 3:21-22).Phép bap-tem hay phép rửa chính là nghi thức bày tỏ sự cam kết giữ vững lương tâm của người lãnh nhận với Thiên-Chúa. Như vậy, nghi thức này chỉ dành cho người đã trưởng thành, đã được học biết về ý nghĩa của phép bap-tem và có ý thức về việc họ cam kết. Sự cam kết giữ vững lương tâm theo luật pháp Chúa không chỉ là nhất thời mà xuyên suốt cả cuộc đời trong Chúa. Đây chính là phép bap-tem và chỉ một mà thôi (Epheso 4:5).
Nghi thức dìm mình xuống nước (Bap-tem) không phải là tất cả mà chỉ là một sự khởi đầu mới trong Chúa và sự khởi đầu đó phải được duy trì suốt cả cuộc đời. Phép “rửa” (bap-tem) đúng đắn nhất chính là một phép “rửa” (bap-tem) xuyên suốt cả cuộc đời trong Chúa (Kh 22:11. Eph 4:30. Mt 25:1-12).
Những nên trên , tất cả chính là điều phải tin và phải được người loan báo tin vui mừng dạy dỗ cho đối tượng học biết về Thiên-Chúa nhận biết để thực thi nghiêm chỉnh.
Thật vậy, thánh Gioan tẩy giả (Giăng bap-tit) đã tuyên bố về phép rửa mà Chúa Giê-su sẽ thực hiện cho người tin và cam kết làm theo mọi giáo huấn của Chúa Giê-su như sau : 1 Hồi ấy, ông Gio-an Tẩy Giả đến rao giảng trong hoang địa miền Giu-đê rằng : 2 “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần.” 3 Ông chính là người đã được ngôn sứ I-sai-a nói tới : Có tiếng người hô trong hoang địa : Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi.
4 Ông Gio-an mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, lấy châu chấu và mật ong rừng làm thức ăn. 5 Bấy giờ, người ta từ Giê-ru-sa-lem và khắp miền Giu-đê, cùng khắp vùng ven sông Gio-đan, kéo đến với ông. 6 Họ thú tội, và ông làm phép rửa cho họ trong sông Gio-đan. 7 Thấy nhiều người thuộc phái Pha-ri-sêu và phái Xa-đốc đến chịu phép rửa, ông nói với họ rằng : “Nòi rắn độc kia, ai đã chỉ cho các anh cách trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống vậy ? 8 Các anh hãy sinh hoa quả để chứng tỏ lòng sám hối. 9 Đừng tưởng có thể bảo mình rằng : ‘Chúng ta đã có tổ phụ Áp-ra-ham.’ Vì, tôi nói cho các anh hay, Thiên Chúa có thể làm cho những hòn đá này trở nên con cháu ông Áp-ra-ham. 10 Cái rìu đã đặt sát gốc cây : bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa. 11 Tôi, tôi làm phép rửa cho các anh trong nước để giục lòng các anh sám hối. Còn Đấng đến sau tôi thì quyền thế hơn tôi, tôi không đáng xách dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho các anh trong Thánh Thần và lửa. 12 Tay Người cầm nia, Người sẽ rê sạch lúa trong sân : thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi.”
Kh 3:18-22 18 Vì thế, Ta khuyên ngươi đến với Ta mà mua vàng đã thử lửa để làm giàu, mua áo trắng để mặc khiến ngươi khỏi xấu hổ vì để lộ thân thể trần truồng, mua thuốc để xức mắt cho ngươi nhìn thấy được. 19 Phần Ta, mọi kẻ Ta yêu mến, thì Ta răn bảo dạy dỗ. Vậy hãy nhiệt thành và hối cải ăn năn ! 20 Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta. 21 Ai thắng, Ta sẽ cho ngự bên Ta trên ngai của Ta, cũng như Ta đã thắng và ngự bên Cha Ta trên ngai của Người. 22 Ai có tai, thì hãy nghe điều Thần Khí nói với các Hội Thánh.”

Ngày hôm nay tất cả những ai chưa được tái sanh nhưng đã được nghe tin vui cứu chuộc cần suy xét để được chính Chúa tái sanh và được Ngài mặc cho chiếc áo công chính trắng tinh. Chúa Giê-su đang đứng trước cửa mỗi tấm lòng chúng ta kể cả người đã được tái sanh lẫn chưa, để Ngài cứu chuộc chúng ta ra khỏi những bất hạnh mà khôn g ai có thể tự cứu mình được !
 “7 Ông đừng ngạc nhiên vì tôi đã nói : các ông cần phải được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên. 8 Gió muốn thổi đâu thì thổi ; ông nghe tiếng gió, nhưng không biết gió từ đâu đến và thổi đi đâu. Ai bởi Thần Khí mà sinh ra thì cũng vậy.” (Gioan 3:7-8)
Lời Chúa Giê-su nói với Giáo sư Ni-cô-đê-mô (Ni-cô-đem) xưa cũng chính là Lời đang nói với mỗi người chúng ta; đặc biệt trong thời kỳ này, và ngay giờ phút này - Ngài đang đứng trông chờ nơi cửa tâm hồn mỗi chúng ta để ban ơn cứu độ nhưng không.


Trọng kính trong danh Chúa Giê-su

Lê văn Bình

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét