Chủ Nhật, 29 tháng 9, 2013

KẾ HOẠCH TỰ ĐỜI ĐỜI CỦA THIÊN-CHÚA (Tito, Tit 1:2)

(Phần một, phần tổng quát)
Từ  thuở đời đời Thiên-Chúa đã trù liệu kế hoạch sáng tạo mọi loài : hữu hình và vô hình (Colose 1:15-16). Loài vô hình là các thiên-sứ. Loài hữu hình là muôn loài đang hiện hữu, sống động trên trái đất cũng như các tinh tú trong vũ trụ hôm nay. Trong tất cả các loài thọ tạo hữu hình, chỉ riêng loài người là đỉnh cao, vì họ được Thiên-Chúa sáng tạo giống “hình ảnh Chúa” (St 1:26-27).

Loài người không những được sáng tạo giống hình ảnh Thiên-Chúa; mà họ, lại còn được Ngài trao cho quyền hạn làm bá chủ mọi loài thọ tạo hữu hình khác. Điều quan trọng cần thiết khác nữa là trong kế hoạch sáng tạo : Sẽ không có sự chết hay bất hạnh nào xảy ra đối với loài người sống trên đất. Như vậy, chỉ riêng loài người Thiên-Chúa sẽ ban cho họ được sống đời đời ngay tại trái đất hôm nay (St 2:15-17. Kh 5:9-10), là nơi mà họ có trách nhiệm quản trị mọi loài khác. Thế nhưng sự quản trị mọi loài được trao cho, và cả sự sống của loài người đều phải tuân theo một đường lối duy nhất để duy trì, bảo toàn sự sống đời đời bởi Thiên-Chúa là nguồn mạch mọi sự đã thiết định (St 2:15-17). Đường lối đem lại sự sống đời đời và sự quản trị theo đường lối ấy chính là tuân theo mọi lời Chúa dạy; việc tuân theo đó được biểu tượng bằng việc ăn trái cây sự sống còn gọi là cây trường sinh.

Đúng như kế hoạch ban sự sống đời đời cho loài người mà Thiên-Chúa đã trù liệu từ đời đời (Tito 1:2); Ngài đã sáng tạo mọi loài bằng chính lời phán của Ngài. Bởi lời phán của Ngài : mọi vật liền có và được dựng nên (Kh 4:11. Hebrew, Do-thái 11:3). Sách Sáng thế công bố ngắn gọn nhưng đầy đủ như sau về sự sáng tạo : Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất.” (St 1:2). Sự công bố như vậy hàm ý : mọi loài đang hiện hữu đều được Thiên-Chúa sáng tạo, mà không phải tự nhiên, ngẫu nhiên mà có. Kết thúc công trình sáng tạo được sách Sáng thế ký trình bày trong “sáu ngày” Thiên-Chúa phán mọi loài Ngài đã dựng nên thật “rất tốt đẹp” (St 1:31). (“sáu ngày” sáng tạo không nên hiểu theo nghĩa đen vì đây là biểu tượng chỉ về mạc khải phổ quát. Muốn hiểu về sáu ngày sáng tạo xin đọc thêm về sách Sáng thế sẽ được trình bày trong nay mai cũng trong trang blog này)

Sơ lược vài dòng trên đây chúng ta nhận thấy chỉ có một Thiên-Chúa là đấng sáng tạo duy nhất. Ngài còn được xưng tụng bằng các danh[1] khác như là : Đức Chúa-TrờiThượng-đế hay Tạo hóa. Tất cả mọi danh xưng đó đều chỉ về một Đấng cao cả Duy nhất, Toàn năng, Hằng hữu, Tự hữu từ đời đời, Thông sáng vô cùng đã sáng tạo toàn cõi vũ trụ và muôn loài trong đó (St 5:2. I Samuen 2:2. I-sai-a 40:26. Tv, Thi 8:4-7. I Sử ký 16:26). Muôn loài được sáng tạo đều nằm trong kế hoạch và có mục đích riêng cho mọi loài thọ tạo đã được trù liệu từ đời đời mà không phải ngẫu nhiên, hay tự nhiên hiện hữu (Colose 1:15-16. Tito 1:2. Gioan 5:39. 10:38. 12:50).
Ngoài ra, và chỉ riêng loài người đã được Thiên-Chúa sáng tạo với phẩm vị và mục đích cụ thể cho họ như sau đây :

1.      Loài người được sáng tạo “giống hình ảnh Thiên- Chúa” (St 1:26-27).

2.      Loài người được trao cho quyền hạn quản trị mọi loài thọ tạo hữu hình khác (St 1:29).

3.      Thiên Chúa hứa ban cho loài người được sống đời đời trên đất, nhưng phải theo sự hướng dẫn của Ngài trong đời sống qua việc quản trị chính các nhân và các loài khác (St 2:15-17. Kh 5:9-10).

Chúng ta sẽ tìm hiểu các mục được liệt kê nêu trên một cách chi tiết ở các dòng sau đây để hiểu rõ về kế hoạch từ đời đời của Thiên-Chúa dành cho riêng loài người chúng ta; qua đó, chúng ta sẽ có thái độ thích ứng với những gì Chúa dành cho.
1.     27 Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ.

Vậy Hình ảnh Thiên-Chúa là hình ảnh nào ?

Rất thường chúng ta vẫn liên tưởng từ hình thể loài người với “hình ảnh” Thiên-Chúa nôm na theo nghĩa đen như vậy; không ngoại trừ cả những vị đã và đang rao giảng về kinh thánh của Chúa Giê-su Ki-tô (Christ) hôm nay.
Một nhân vật điển hình khác có tên là Rael (thông điệp ngoài trái đất) cũng đang rao truyền về “hình ảnh” Chúa trời hoàn toàn theo nghĩa đen nông cạn giống như hình thể loài người; điều này khiến cho ý nghĩa đích thực của kinh thánh bởi Chúa Giê-su bị sai lệch nghiêm trọng ! Và đặc biệt hơn nhân vật này công bố : ông chính là đường là sự thật và là sự cứu chuộc ! Về việc giải nghĩa kinh thánh, đối với sách Sáng thế; ông ta giải nghĩa nhiều điều hết sức là hàm hồ, nhưng ông cho rằng : ông đã được tiếp xúc với người ngoài hành tinh tức là chính “Thiên-Chúa”, và chính người ngoài hành tinh, theo ông Rael, là tác giả của kinh thánh đã giải nghĩa cho ông biết về ý nghĩa của cả kinh thánh đúng đắn nhất, và trích đoạn  : 27 Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình…”(St 1:27) cũng đã được giải nghĩa theo nghĩa đen của mặt chữ !
Chúng ta biết, một khi nghiên cứu cẩn thận lời Chúa dạy; đồng thời chúng ta cũng nhận ra một quy tắc quan trọng là chính Chúa,-Ngài đã giải nghĩa những lời mà Ngài đã công bố trong kinh thánh. (Xin đọc về sự hòa hợp trong kinh thánh sẽ được trình bày trong nay mai)
Lời Chúa dạy ngoài những chân lý phải hiểu hoàn toàn theo nghĩa đen, ví dụ : Ngài phán Ta là Thiên-Chúa toàn năng, hằng hữu, tự hữu, toàn tri, toàn ái v.v… hoặc Ngài phán :
Nơ khe mi a 9:6  Chính Ngài là ĐỨC CHÚA, là ĐỨC CHÚA duy nhất. Chính Ngài đã tạo dựng các tầng trời, các tầng trời cao ngất, cùng toàn thể thiên binh; chính Ngài đã tạo dựng trái đất với muôn vật khắp nơi, biển khơi cùng muôn loài trong đó. Chính Ngài ban sự sống cho muôn vật muôn loài; và đạo binh thiên quốc phủ phục trước Thánh Nhan.
Giảng viên, truyền đạo 3:14  14 Tôi nhận ra rằng mọi sự Thiên Chúa làm sẽ tồn tại mãi mãi. Không có gì để thêm, chẳng có gì để bớt.Thiên Chúa đã hành động như thế để phàm nhân biết kính sợ Người.
Chúng ta phải hiểu theo nghĩa đen mà không được bàn luận chi thêm vì nó hoàn toàn minh văn, rõ ràng đúng với bản tánh của Thiên-Chúa. Ngoài ra, những nội dung khác nữa trong kinh thánh thường hơn lại dẫn người đọc vào trong những ý nghĩa thiêng liêng còn gọi là thuộc linh cao hơn mà không hoàn toàn theo nghĩa đen; vì mục đích tối hậu của lời Chúa dạy chính là giúp người tin và thực hành đạt đến sự sống đời đời theo như sự trù liệu của Thiên-Chúa. Xin đọc các trích đoạn lời Chúa sau để nhận ra ý nghĩa của việc27 Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình…” (St 1:27) là hình ảnh nào và giá trị của Lời dạy ấy thế nào.
Epheso 4:17-24   17 Vậy đây là điều tôi nói với anh em, và có Chúa chứng giám, tôi khuyên anh em : đừng ăn ở như dân ngoại nữa, vì họ sống theo những tư tưởng phù phiếm của họ18 Tâm trí họ đã ra tối tăm, họ xa lạ với sự sống Thiên Chúa ban, vì lòng chai dạ đá khiến họ trở nên dốt nát. 19 Họ đã mất ý thức nên đã buông thả, sống phóng đãng đến mức làm mọi thứ ô uế cách vô độ. 20 Còn anh em, anh em đã chẳng học biết về Đức Ki-tô như vậy đâu ; 21 ấy là nếu anh em đã được nghe nói về Đức Giê-su và được dạy dỗ theo tinh thần của Người, đúng như sự thật ở nơi Đức Giê-su. 22 Vì thế, anh em phải cởi bỏ con người cũ với nếp sống xưa, là con người phải hư nát vì bị những ham muốn lừa dối, 23 anh em phải để Thần Khí đổi mới tâm trí anh em, 24 và phải mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để thật sự sống công chính và thánh thiện.
Colose 3:5-10      Vậy anh em hãy giết chết những gì thuộc về hạ giới trong con người anh em : ấy là gian dâm, ô uế, đam mê, ước muốn xấu và tham lam ; mà tham lam cũng là thờ ngẫu tượng. Chính vì những điều đó mà cơn thịnh nộ của Thiên Chúa giáng xuống trên những kẻ không vâng phục. Chính anh em xưa kia cũng ăn ở như thế, khi anh em còn sống giữa những người ấy. Nhưng nay, cả anh em nữa, hãy từ bỏ tất cả những cái đó : nào là giận dữ, nóng nảy, độc ác, nào là thoá mạ, ăn nói thô tục. Anh em đừng nói dối nhau, vì anh em đã cởi bỏ con người cũ với những hành vi của nó rồi, 10 và anh em đã mặc lấy con người mới, con người hằng được đổi mới theo hình ảnh Đấng Tạo Hoá, để được ơn thông hiểu.
Với nội dung cả hai trích đoạn nêu trên, Thiên-Chúa đã dạy cho những ai tin và làm theo phải dứt khoát từ bỏ những gì thuộc về tánh xác thịt, như là : tham lam, độc ác, ích kỷ, khoe khoang, vô tâm, tham nhũng hối lộ làm lệch cán cân công lý, làm hại đến đồng loại và môi trường sống…. và tất cả những việc đi ngược lại tiêu chuẩn thánh-khiết, công bình của Thiên-Chúa. Sự từ bỏ hết những gì thuộc về con người xác thịt để làm theo một giáo huấn khác bởi Chúa chính là xây dựng cho người tin và thực hành một hình ảnh mới; một nhân cách mới, khác với hình ảnh cũ; khác với nhân cách xưa, khi chưa nhận biết chân lý là lời Chúa.
Thiên-Chúa - Ngài vốn luôn là Đấng thánh-thiện và công-chính trong mọi việc. Thánh Phê-rô (Phi-e-rơ) đã viết trong thư thứ nhất về bản tánh Thiên-Chúa nhưng đồng thời cũng là câu trả lời rõ ràng đầy đủ để cho người học kinh thánh biết về hình ảnh Thiên Chúa thực sự là hình ảnh nào trong các câu 15 và 16 sau đây : “15 Anh em hãy sống thánh thiện trong cách ăn nết ở, để nên giống Đấng Thánh đã kêu gọi anh em, 16 vì có lời Kinh Thánh chép : Hãy sống thánh thiện, vì Ta là Đấng Thánh. (I Phe 1:15-16).

Như vậy :  HÌNH ẢNH THIÊN-CHÚA chính là sự CÔNG-CHÍNH và THÁNH-THIỆN. 

Sự THÁNH-THIỆN, CÔNG-CHÍNH - Thiên-Chúa muốn loài người qua đời sống mỗi ngày phải phản ánh về Ngài là Đấng sáng tạo ra chính họ. Đây chính là hình ảnh cốt lõi trong đạo của Chúa Giê-su - mà Ngài mong muốn cho - đặc biệt chỉ riêng loài người nhận biết, để trở nên giống như Ngài. Sự thánh-thiện, công-chính đó là tiêu chuẩn duy nhất đem lại cho họ sự sống đời đời mà Thiên-Chúa danh Ngài là Ya-vê, Gia-vê, Giê-hô-va là Đấng duy nhất hằng hữu toàn năng; là Đấng đã có, hiện có, Đấng chủ tể mọi loài từ đời đời vô cùng đã trù liệu riêng cho loài người.

2.     Loài người được trao cho quyền hạn quản trị mọi loài thọ tạo hữu hình khác (St 1:29).
Quyền quản trị mà Thiên-Chúa trao cho loài người cũng là một trong những nguyên tắc vô cùng quan trọng của việc giải nghĩa về kinh thánh (nguyên tắc này liên quan đến giáo-lý về một Thiên-Chúa nhưng lại là ba-ngôi). Trong phạm vi của đề tài quản trị này chúng ta có cơ hội để học về nguyên tắc quản trị tức là nguyên tắc lãnh đạo. Hiểu được nguyên tắc lãnh đạo chúng sẽ hiểu thêm về nhiều chi tiết liên quan khác trong kinh thánh đặc biệt là sách Sáng thế ký.
Quyền quản trị mà Thiên Chúa trao cho loài người phát xuất bởi hai nguyên tắc sau đây : thứ nhất, Loài người được sáng tạo giống Thiên Chúa (Chi tiết sẽ trình bày ở phần hai); thứ hai, nguyên tắc thiết định bởi Thiên-Chúa được công bố trong sách Corinto thứ nhất chương mười một câu số ba : I Corinto 11:3   Nhưng tôi muốn anh em biết rằng thủ lãnh của người nam là Đức Ki-tô, thủ lãnh của người nữ là người nam, và thủ lãnh của Đức Ki-tô là Thiên Chúa.
Nhờ nguyên tắc lãnh đạo mà chúng ta hiểu thêm nhiều chi tiết khác trong kinh thánh, ví dụ trong sách Sáng thế chương số hai câu mười chín sau : “19 ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa lấy đất nặn ra mọi dã thú, mọi chim trời, và dẫn đến với con người xem con người gọi chúng là gì : hễ con người gọi mỗi sinh vật là gì, thì tên nó sẽ là thế. 20 Con người đặt tên cho mọi súc vật, mọi chim trời và mọi dã thú, nhưng con người không tìm được cho mình một trợ tá tương xứng.(St 2:19-20) có nhiều chi tiết trong hai trích đoạn trên nhưng chúng ta chỉ tập trung vào việc Adam đặt tên thôi. (các chi tiết khác sẽ được trình bày trong phần viết về phần Sáng thế, mong đón đọc)  Việc Chúa dành cho Adam đặt tên các loài vật do chính Chúa sáng tạo chính là hình ảnh, là biểu tượng Thiên-Chúa tôn trọng quyền lãnh đạo mà Ngài trao cho Ông (St 1:28). Cũng vậy, Thiên-Chúa không đặt tên cho Eva sau khi Ngài đã sáng tạo mà lại dành để cho Adam (St 3:20). Một ví dụ khác nữa nói về nguyên tắc lãnh đạo : Mặc khải của Đức Giê-su Ki-tô, mặc khải mà Thiên Chúa đã ban cho Người, để Người tỏ cho các tôi tớ Người biết những việc sắp phải xảy đến. Người đã sai thiên thần của Người đến báo cho ông Gio-an là tôi tớ của Người biết mặc khải đó. Ông Gio-an đã làm chứng về lời của Thiên Chúa và về lời chứng của Đức Giê-su Ki-tô, về những gì ông đã thấy. Phúc thay người đọc, phúc thay những ai nghe những sấm ngôn đó và tuân giữ các điều chép trong đó, vì thời giờ đã gần đến !” (Kh 1:1-3) Trong trích đoạn sách Khải huyền trên chúng ta thấy nguyên một trật tự bắt đầu từ Thiên-Chúa Cha, Thiên-Chúa Con, Thiên-sứ, Tông đồ và sau cùng là giáo dân (nguyên tắc lãnh đạo được xét theo khía cạnh hội thánh) và còn nhiều khía cạnh khác nữa xin trình bày trong phần hai.
3.     Thiên-Chúa hứa ban sự sống đời đời cho loài người và nơi ở trên trái đất ?
Từ không có bất cứ sự hiện hữu nào trước khi muôn vật được sáng tạo. Mọi sự sau khi sáng tạo Thiên-Chúa phán : “31 Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp ! Qua một buổi chiều và một buổi sáng : đó là ngày thứ sáu.”(St 1:31)
Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp ! Chính là nội dung hoàn toàn phản ánh về Thiên-Chúa. Một Thiên-Chúa phải toàn năng, công chính hay công bình trong mọi kế hoạch và mọi vật là tác phẩm được sáng tạo rất tốt đẹp phải phản ánh các bản tánh tốt lành ấy của Thiên-Chúa.
Như vậy, ngay khi mọi loài được sáng tạo; tất cả đều phải hội đủ các phẩm chất cần thiết cho riêng mỗi loài, nhưng đặc biệt loài người phải được Thiên-Chúa thiết kế hoàn hảo cả về tinh thần lẫn thể xác để cho sự sống đời đời. (Chúng ta phân biệt thời kỳ ban đầu sáng tạo và thời kỳ sau khi Adam vi phạm. Hai thời kỳ này có sự khác biệt hoàn toàn giữa họ)
Tuy nhiên chúng ta biết rằng chỉ riêng loài người (ban đầu là Adam) được sáng tạo giống hình ảnh Thiên-Chúa; có nghĩa : họ là một ngôi vị có suy tư riêng biệt, có tự do và Thiên-Chúa tôn trọng ngôi vị được sáng tạo đó. Một trong các tiêu chuẩn để sống đời đời trên đất là làm theo, hoặc không; bởi chính sự chọn lựa riêng nơi mỗi ngôi vị để duy trì sự rất tốt đẹp ban đầu sáng tạo tức là được sống mãi : “15 ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn Ê-đen, để cày cấy và canh giữ đất đai. 16 ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa truyền lệnh cho con người rằng : “Hết mọi trái cây trong vườn, ngươi cứ ăn ; 17 nhưng trái của cây cho biết điều thiện điều ác, thì ngươi không được ăn, vì ngày nào ngươi ăn, chắc chắn ngươi sẽ phải chết.”
Thiên-Chúa để cho Adam chọn lựa trong tự do của một ngôi vị có đầy đủ các phẩm chất để không thể sai lầm ! Và sự chọn lựa đó cũng chính là tính chất của sự quản trị hay quyền quản trị mà Thiên-Chúa trao cho Adam.
Nếu Adam chọn lựa đi theo giáo huấn của Thiên-Chúa (biểu tượng ăn trái cây sự sống) Ông ta và con cháu sẽ sống mãi trên đất. Ngược lại, Ông ta sẽ chết và sự chết đó ảnh hưởng trực tiếp sang con cháu mọi đời (Rm 5:12) khi mà ông ta tự ý riêng, loại bỏ giáo huấn Chúa ra khỏi đời sống (biểu tượng bằng việc ăn trái của cây cho biết điều thiện điều ác) 
Sau hết loài người được sáng tạo và sẽ được sống đời đời trên đất : “Các vị hát một bài ca mới rằng : “Ngài xứng đáng lãnh nhận cuốn sách và mở ấn niêm phong, vì Ngài đã bị giết và đã lấy máu đào chuộc về cho Thiên Chúa muôn người thuộc mọi chi tộc và ngôn ngữ, thuộc mọi nước, mọi dân. 10 Ngài cũng làm cho họ thành một vương quốc, thành những tư tế, để phụng thờ Thiên Chúa chúng ta,


     và họ sẽ làm chủ mặt đất này.”(Kh 5:9-10)


Tóm tắt về kế hoạch từ đời của Thiên-Chúa :
1.   Thiên-Chúa sáng tạo vũ trụ và mọi loài. Trong các loài thọ tạo đó có loài người là loài được sáng tạo giống hình ảnh Thiên-Chúa. Bản tánh Chúa là Đấng Công-bình,Thánh-thiện. Loài người cũng được sáng tạo “giống hình ảnh Thiên-Chúa” như vậy (St 1:26-27).
2.   Loài người được trao cho quyền hạn quản trị mọi loài thọ tạo hữu hình khác (St 1:29).
3.   Thiên Chúa hứa ban cho loài người được sống đời đời trên đất, nhưng phải theo sự hướng dẫn của Ngài trong đời sống qua việc quản trị chính cá nhân và các loài khác (St 2:15-17. Kh 5:9-10). Sự quản trị đó chính là sự thờ phượng Thiên-Chúa. Qua đó, hình ảnh Thiên-Chúa được phản ánh nơi đời sống loài người cụ thể ban đầu là Adam con cháu ông và các loài thọ tạo khác.

Kính trong Chúa Giê-su Ki-tô (Christ)

Lê văn Bình



[1] Thượng-đế (triết học). Đức Chúa-Trời (dân gian). Tạo-hóa (văn học).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét