Thứ Sáu, 27 tháng 9, 2013

Bài 04 EDEN - SA NGÃ - VÀ HẬU QUẢ (St 2&3)




“Vườn Eden vừa là nơi trên đất vừa là biểu tượng để chỉ về một Eden khác là Eden trong lòng người khi có Chúa. Như vậy : Nơi nào có Chúa hiện diện nơi đó là Eden.





A.    Nội Dung :
  1. Mục đích Eden . (Sáng thế 1:28. 2:8)
  2. Quy định của Thiên-Chúa trong Eden(Sáng thế 2:16-17)
  3. Ngon, Đẹp, và Quý : ngẫu tượng trong lòng bà Eva. Ngẫu tượng đầu tiên của loài người (Sáng thế 3:6)
  4. Mục đích của Satan (Sáng thế 3:4. Gioan 8:44)
  5. Hậu quả của bất tuân : Sự chết, Eden không còn.
    (Sáng thế 3:19,23)
B.     Trình bày :
1.      Mục đích :
Yave là Thiên Chúa trồng một vườn cây ở Ê-đen, về phía đông, và đặt vào đó con người do chính mình nặn ra (Sáng thế 2:8).
Để thực hiện lệnh truyền :
Thiên Chúa ban phúc lành cho họ, và Thiên Chúa phán với họ : “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất. Hãy làm bá chủ cá biển, chim trời, và mọi giống vật bò trên mặt đất(St 1:28).

Từ không có gì hiện hữu, Thiên-Chúa ( Đức-Chúa-Trời,Thượng-đế, Tạo-hoá) sáng tạo toàn cõi vũ trụ. Trong vũ trụ này với vô vàn những tinh tú, và trái đất là một trong những tinh tú đó. Tinh tú nhỏ bé, trái đất, là nơi có loài người do chính Ngài dựng nên và Ngài muốn cho họ sống đời đời cùng với sự hiện diện của Ngài để quản trị mọi loài thọ tạo khác cũng bởi Ngài dựng nên (Kh 5:9-10). Nơi đầu tiên Ngài đặt “con người” do Ngài sáng tạo gọi là Eden[1] (địa đàng) vì là nơi “Thiên-Chúa (Đức-Chúa-Trời, Thượng-đế, Tạo-hoá) ở với loài người”.

Vườn Eden vừa là nơi trên đất vừa là biểu tượng để chỉ về một Eden khác là eden trong lòng người khi có Chúa. Như vậy : Nơi nào có Chúa hiện diện nơi đó là Eden.
Ngay khi sáng tạo, Thiên Chúa công bố mọi loài : “rất tốt đẹp”. Adam không ngoại trừ, ông cũng được sáng tạo trong tình trạng như thế. Trong đời sống, ông đã từng là con Chúa (Luca 3:38). Ngay khi được là con Chúa thì đồng thời một Eden đã được Thiên Chúa thiết lập trong lòng ông. Trong ông có tự do chọn lựa các sống sao cho kết quả là sống mà không phải chết. Sự tự do trong ông chính là kết quả của một ngôi vị, một hồn sống, một sinh vật được Thiên Chúa ban cho ba phẩm chất : ý-chí, trí-khôn, tình cảm. Trồng và giữ vườn chính là tự do chọn lựa theo cách sống Chúa dạy để duy trì luôn mãi sự sống được ban cho ban đầu sáng tạo trong ông; hoặc là, tự chọn cách sống theo ý riêng bất toàn của loài thọ tạo (Ô-sê, Hô-sê 10:12). Sự chọn lựa của Adam và kể cả loài người được biểu tượng bởi hai cây : “Sự sống” và cây “cho biết điều thiện điều ác” (St 15:-17. Đệ nhị luật, Phục truyền 30:15,19).

2.      Quy định trong Eden : (S/s Gioan 8:51 tuân giữ lời Chúa)
Yave là Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn Ê-đen, để cày cấy và canh giữ đất đai. 16 Yave là Thiên Chúa truyền lệnh cho con người rằng : “Hết mọi trái cây trong vườn, ngươi cứ ăn ; 17 nhưng trái của cây cho biết điều thiện điều ác, thì ngươi không được ăn, vì ngày nào ngươi ăn, chắc chắn ngươi sẽ phải chết”(St 2:15-17).
 “Cây cho biết điều thiện-ác” được kinh thánh dùng làm biểu tượng chỉ về tri thức của loài người; khi mà, con người dùng tri thức đó theo ý riêng bất cần đến Chúa.
Đây là điều Thiên-Chúa khuyến cáo một cách minh nhiên cho loài người, nhằm mục đích cho họ ý thức thực-sự-về-vị-trí giới hạn của loài thọ tạo, là chính họ, trong vũ trụ và đối với Ngài là Đấng làm chủ tể mọi loài; vì ngoài Ngài ra không có thần nào khác có khả năng ban cho sự sống (Đệ nhị luật, Phục 4:35,39. Isai, Esai 45:21.46:9.  Danien 3:29. Gióp 17:3). Nói cách khác rõ ràng hơn : Không ăn trái “cây cho biết điều thiện-ác” chính là luôn luôn vâng theo sự hướng dẫn của Thần-Chúa (Cây sự sống) trong đời sống thường ngày để được sự sống đời đời làm gia nghiệp (Kh 2:7).
Chúng ta có thể so sánh với trích đoạn sau để nhận thấy ý định Chúa nơi Adam và cả loài người mọi thời đại: “Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, nếu kẻ nào giữ lời ta, sẽ chẳng thấy sự chết bao giờ.”(Gioan, Giăng 8:51)

3.      Ngẫu tượng (hình tượng) đầu tiên của loài người :
Người đàn bà thấy trái cây đó : ăn thì phải ngon, trông thì đẹp mắt, và đáng quý vì làm cho mình được tinh khôn.( Sáng thế 3:6)
Quyết định sau cùng của Eva, sau khi được Sa-tan (kinh thánh biểu tượng là : “rắn”) khẳng định chắc chắn với bà rằng :… “Chẳng chết chóc gì đâu !” và cảm xúc tự trong lòng, khiến bà nhận thấy rằng : …… trái cây đó : ăn thì phải ngon, trông thì đẹp mắt, và đáng quý vì làm cho mình được tinh khôn. Bà liền hái trái cây mà ăn, rồi  đưa cho cả chồng đang ở đó với mình ; ông cũng ăn.(Sáng-thế 3:6).
Thiên-Chúa ( Đức-Chúa-Trời,Thượng-đế, Tạo-hoá) là Đấng thấu suốt mọi vận hành của vật chất bởi chính Ngài là Đấng sáng tạo ra chúng. Và điều Ngài thiết định cho Adam cũng như cho con cháu ông sau này là phải đi theo đường lối Chúa, theo cách sống bởi Chúa dạy. Cách sống đó được biểu tượng bằng : “cây sự sống” (cây trường sinh) - để hưởng được sự sống đời đời trên đất (Kh 5:9-10). Thế nhưng, ngược lại, Adam và Eva đã bỏ đường lối Chúa và chọn đi theo đường lối riêng được kinh thánh biểu tượng bằng “cây cho biết điều thiện ác”.
Sách Sáng thế ký đã tinh tế sử dụng những biểu tượng  như : “Người đàn bà thấy trái cây đó : ăn thì phải ngon, trông thì đẹp mắt, và đáng quý vì làm cho mình được tinh khôn”(Sáng thế 3:6) để trình bày cho loài người biết về ý nghĩa của những chọn lựa bất cần đến Chúa, loại trừ Chúa ra khỏi cuộc sốngLoại Chúa ra khỏi cuộc sống chính là chạy theo hình tượng, là thần tượng, là ngẫu tượng, là đường lối riêng, là không đi theo giáo huấn Chúa dạy (Kh 18:4). Ngôn sứ Giê-rê-mi viết như sau về tình trạng loài người như trong St 3:6 trình bày : “Có dân nào lại đánh đổi thần minh của mình - mà những thứ đó lại chẳng phải là thần minh ? Thế mà dân Ta đã đánh đổi vinh quang của nó đi lấy cái vô tích sự !  Này trời, hãy kinh khiếp về chuyện đó,hãy run sợ cho hồn xiêu phách lạc, -sấm ngôn của ĐỨC CHÚA-,  vì dân Ta đã phạm hai tội : chúng đã bỏ Ta là mạch nước trường sinh để làm những hồ nứt rạn, không giữ được nước.”
Đi theo đường lối riêng, Adam và Eva, - Ông bà đã trở nên biểu tượng cho những bất tuân của loài người trong mọi lãnh vực.
Sự quản trị, riêng về mặt môi trường sống theo khả năng của loài người hôm nay thế nào, các phương tiện truyền thông đã cho chúng ta thấy. Các hậu quả thật nghiêm trọng ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của loài người trên đất về không khí, thực phẩm… và rất rất nhiều các hành động vô trách nhiệm với đồng loại…… qua các cách sống độc ác, ích kỷ trong lời nói và hành động của cá nhân tập thể, của các quốc gia với nhau. Đặc biệt trong lãnh vực thờ-phượng Chúa bao gồm : Giáo-lý của các tôn giáo do loài người sáng lập đi ngược lại với tinh thần có thể nói căn bản nhất là nhân bản. Ngoài giáo lý do con người sáng lập, phải kể đến cả các Giáo-lý của các giáo hội theo Chúa Giê-su hôm nay; nội dung các giáo lý này đã có những dạy dỗ và các kinh nguyện vi phạm vào sự “thánh-khiết” bản tánh Thiên Chúa; nội dung không hoà hợp với toàn bộ lời thánh bởi Chúa truyền dạy trong kinh thánh. (Giáo lý có các lý luận của loài người vừa dùng lời Chúa nhưng trích ngang để bảo vệ cho lý luận của giáo lý do con người đặt ra v.v…)

4.      Mục đích của Sa-tan :
Gioan 8:44 Cha các ông là ma quỷ, và các ông muốn làm những gì cha các ông ham thích. Ngay từ đầu, nó đã là tên sát nhân. Nó đã không đứng về phía sự thật, vì sự thật không ở trong nó. Khi nó nói dối là nó nói theo bản tính của nó, bởi vì nó là kẻ nói dối, và là cha sự gian dối.
Sa-tan là các tạo vật “thiêng-liêng”, phi vật chất còn được gọi là thiên-sứ do chính Thiên-Chúa sáng tạo. Sa-tan bao gồm 1/3 thiên-sứ phản loạn (Kh 12:4).
Chúa Giê-su chính thức công bố chúng là kẻ “sát nhân” - là kẻ sát nhân, vì chúng đã không tuân theo các giáo-huấn đem lại sự sống đời đời bởi Chúa dành cho mà chúng còn tìm cách để phá hủy kế hoạch đó nơi các tạo vật khác. Kế hoạch sát nhân của Sa-tan là thực hiện nơi loài người sự tuân phục chúng; và ít nhiều, Sa-tan đã và đang thực hiện thành công điều đó nơi xã hội loài người (Mt 4:8-9. I Gioan, Giăng 5:19) hôm qua hôm nay dưới mọi hình thức trong xã hội loài người.
Chúng ta thừa biết sự tuân phục loài thọ tạo thì hậu quả cuối cùng chỉ là sự chết, thực tế đã cho chúng ta thấy như vậy; khi mà loài người chọn lựa đi theo đường riêng (ăn trái của cây cho biết điều thiện-ác) hậu quả sau cùng là không ai có được sự sống đời đời. Kinh thánh xác nhận thực-tế đau buồn đó như sau : 12 Cho nên, như bởi một người mà tội lỗi vào trong thế gian, lại bởi tội lỗi mà có sự chết, thì sự chết đã trải qua trên hết thảy mọi người như vậy, vì mọi người đều phạm tội14Thế mà, từ thời A-đam đến thời Mô-sê, sự chết đã thống trị cả những người đã không phạm tội bất tuân lệnh Thiên Chúa như A-đam đã phạm” (Rm 5:12, 14).

5.      Hậu quả của sự bất tuân : loài người  phải chết, Eden không còn :
Ngươi sẽ phải đổ mồ hôi trán mới có bánh ăn, cho đến khi trở về với đất, vì từ đất, ngươi đã được lấy ra. Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất(St 3:19,23).
 23 Yahweh là Thiên Chúa đuổi con người ra khỏi vườn Ê-đen để cày cấy đất đai, từ đó con người đã được lấy ra.
“Cây sự sống” chính là Chúa Giê-su, chính là lời Chúa dạy. Nếu như Adam, ông là người đầu tiên được Chúa tạo dựng luôn vâng lệnh Chúa, tức là đi theo sự hướng dẫn của Thần Chúa (giữ các điều răn) Ông và con cháu ông sẽ được ăn trái cây sự sống (cây trường sinh) tức là hưởng được sự sống đời đời là thành quả của việc tuân giữ lời Chúa dạy (Kh 2:7. Cn 3:18. 8:30-36); nhưng tiếc thay ông đã đi theo ý riêng ăn trái “cây cho biết điều thiện ác” và hậu quả bất hạnh đến với ông và loài người bởi bản chất loài thọ tạo là sự giới hạn trong vũ trụ bao la với vô vàn những bí ẩn liên quan đến sự sinh tồn của sự sống loài người.
Thật vậy, bất hạnh sau cùng của sự bất tuân là con người; tất cả, đều phải nếm mùi sự chết. Đây xác thực là Tin buồnTin-dữ, Hung tin.

C.     Những vấn đề cần quan tâm :
1.    Cho biết mục đích Thiên-Chúa (Đức-Chúa-Trời,Thượng-đế,Tạo-hoá ) trồng vườn cây ở Eden ?
2.    Cây cho biết điều thiện-ác và cây Sự sống là hình ảnh, là biểu tượng nói về điều gì đang tồn tại trong cõi nhân sinh(Phục, Đệ nhi luật 11:26. 30:15. Gie 21:8. Khải huyền 2:7. 22:1-2) ?
3.   Hình ảnh hai cây : “cho biết điều thiện-ác” và “cây Sự sống” có trình bày trong trích đoạn sách Châm ngôn 8:32-36 và toàn bộ kinh thánh không. Hãy đọc và tổng kết ?
4.   Eden có mấy hình thức ? Lưu ý câu sau : Rồi ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa trồng một vườn cây ở Ê-đen, về phía đông, và đặt vào đó con người do chính mình nặn ra.” (St 2:8)
5.   Có bao lần loài người “tương giao mật thiết” với Chúa trong Sách Sáng thế đoạn I,II,III. Tình trạng tương giao đó cho bạn suy tư và nhận biết gì khi đọc tin mừng Gioan 14:21,23 và thư thứ I Gioan 3:24 ?
6.   Ngẫu tượng trong lòng là gì ? Nếu không có sự cám dỗ của Satan, bà Eva có “hái trái” mà Thiên-Chúa cấm không ?
7.   “Ngon, đẹp, và quý” là biểu hiện tình trạng tâm hồn bà Eva thế nào ? (Thánh-vịnh 107:11)
8.   Adam tại sao không ngăn cản bà Eva. Qua sự kiện bất tuân đó Thiên-Chúa muốn dạy chúng ta, đặc biệt người làm chồng bài học gì ? Thánh-vịnh 106: 19-21) .
9.   Trong cuộc sống đã bao lần chúng ta loại Chúa ra khỏi tâm hồn ? Sự loại Chúa ra khỏi tâm hồn chính là lúc chúng ta ăn trái của “cây cho biết điều thiện ác” phải không ?
10. Bạn có phân biệt được giáo lý nào bởi “Cây sự sống” và bởi “Cây cho biết điều thiện điều ác” không ? (Gióp 27:6 là quyết định thuộc về phạm trù cây nào ?)
11. Việc khuyến cáo về “Cây cho biết điều thiện ác” Thiên-Chúa có tôn trọng loài người, là loài được dựng nên giống hình ảnh Ngài không ?
12. Đọc các trích đoạn sau để phân tích và tìm hình ảnh của hai cây : “sự sống và cây cho biết điều thiện-ác” : St đoạn 12 và 19. Mt 16:13-28. Gióp 23:11.
13. Nội dung trong St 3:19, 23 là tin tức gì cho loài người ? Đó là mục đích của ai ? Nội dung trong St 3:19,23 còn được sách nào trong tân ước trình bày ? (Rm 5:12-14,19…..)
14. Mục đích của Thiên Chúa là gì ? Mục đích của Satan là gì , và nó là cha của sự gì ? (Tito 1:2. Sáng thế 3:4. Gioan 8:44)
15. Hậu quả của sự bất tuân bao gồm những gì và hậu quả sau cùng là gì ? (I Gioan, Giăng 5:19…. St 3:19. Gie 7:1-32).
16.  Kể ra những hình thức Sa-tan đã và đang chi phối đời sống xã hội loài người ?
17.  Những đặc ân nào không còn ? Mất những đặc ân ban đầu đó, con người vẫn phải tiếp tục thực hiện mệnh lệnh nào ?
18.  Mathêu (Ma-thi-ơ) 5:45 và Rm 5:8 có phải là đặc ân chung cho  cả mọi người không phân biệt, và mục đích của đặc ân ấy, cũng như thời gian nào chấm dứt đặc ân ấy ?
19.  Suy gẫm các trích đoạn sau về tình trạng Adam sau khi bỏ cách sống Thiên Chúa truyền dạy và hậu quả là không có Chúa ở cùng (bị đuổi ra khỏi Eden) : Esai 59:2   Nhưng ấy là sự gian ác các ngươi làm xa cách mình với Đức Chúa Trời; và tội lỗi các ngươi đã che khuất mặt Ngài khỏi các ngươi, đến nỗi Ngài không nghe các ngươi nữa.Gie 5:25   25 Sự gian ác các ngươi đã làm cho những sự ấy xa các ngươi; tội lỗi các ngươi ngăn trở các ngươi được phước.

Cầu nguyện :
Cảm ơn Cha là Thiên Chúa đã cho chúng con biết về sự sáng tạo, sự hiện hữu của vũ trụ và mục đích của Cha cho tất cả.
Cảm ơn Cha đã cho chúng con chân-lý soi sáng để chúng con nhận biết rằng : Chúng con chỉ là bụi đất, từ không không mà Cha đã cho chúng con được hiện hữu sống động và sự tồn tại của chúng con chỉ duy nhất ở nơi Cha. Cảm ơn Cha, nhờ chân lý là Lời Cha chúng con biết rằng : Không có bất cứ cứu cánh nào ngoài Cha và tình trạng của cả vũ trụ hôm nay, đặc biệt trong đó có loài người chúng con; tất cả, cần có sự cứu chuộc để thoát ra khỏi sự hỗn loạn, bất toàn và sự chết; do sự quản trị không công chính của cả loài người và cả sự liên đới với Adam.
Chúng con cảm tạ Cha rất nhân từ  nhờ Chúa Giê-su,-Đấng chịu xức dầu cứu độ chúng con, A-men.

Trọng kính trong danh Cháu Giê-su Ki-tô (Christ)
Lê văn Bình

[1] Eden không chỉ hoàn toàn nghĩa đen mà còn là biểu tượng chỉ về sự hiện diện của Thiên-Chúa trong mỗi tấm lòng. Xin đọc thêm sách Sáng- thế để hiểu rõ về Eden trong trích đoạn sách Sáng thế chương hai câu số 08 (St 2:8).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét