Thứ Năm, 30 tháng 1, 2014

THIÊN CHÚA CHA LÃNH ĐẠO CHÚA GIÊSU

THIÊN CHÚA CHA LÃNH ĐẠO CHÚA GIÊ-SU

Ở bài đầu chúng ta đã nói tổng quát về nguyên tắc lãnh đạo, trong bài kế tiếp này, chúng ta sẽ bàn tiếp về quyền lãnh đạo của Thiên-Chúa Cha trên Đức Chúa Giê-su.

Thiên Chúa Cha lãnh đạo Chúa Giê-su :
Chúa Giê-su là mầu nhiệm của Thiên Chúa. Thật vậy, khi Ngài nhập thể làm người để cứu chuộc và để loan báo về nước Thiên Chúa, kinh thánh tân ước đã trình bày cho người đọc học Lời Chúa biết về thánh chức của Ngài cách đây hơn hai ngàn năm cũng như hiện tại, tương lai và cả trong quá khứ.
Cách đây hơn hai ngàn năm, tức là trong thời cựu ước, kinh thánh chỉ đề cập đến Gia-ve (Gie-hô-va) tức là Đức Chúa Trời mà không hề nói đến Chúa Giê-su một cách minh nhiên. Nay nhờ có tân ước người đọc có cợ hội nhận biết về Chúa Giê-su tỏ tường hơn. Xét riêng về nguyên tắc lãnh đạo; xin đọc các trích đoạn sau để nhận biết về sự lãnh đạo Của Chúa Cha nơi Chúa Giê-su qua các công việc mà Chúa Giê-su thực hiện một cách vô hình và hữu hình cả trong cựu ước, tân ước cũng như hiện nay và tương lai.
Trong cựu ước Chúa Giê-su ở hình dạng thần linh, tức là hình dạng thiêng liêng - Ngài đã dẫn đưa dân của Thiên Chúa Cha ra khỏi Ai-cập và cũng chính Ngài đã đáp ứng các nhu cầu của dân ấy : “1 Thưa anh em, tôi không muốn để anh em chẳng hay biết gì về việc này : là tất cả cha ông chúng ta đều được ở dưới cột mây, tất cả đều vượt qua Biển Đỏ. 2 Tất cả cùng được chịu phép rửa dưới đám mây và trong lòng biển, để theo ông Mô-sê. 3 Tất cả cùng ăn một thức ăn linh thiêng, 4 tất cả cùng uống một thức uống linh thiêng, vì họ cùng uống nước chảy ra từ tảng đá linh thiêng vẫn đi theo họ. Tảng đá ấy chính là Đức Ki-tô. 5 Nhưng phần đông họ không đẹp lòng Thiên Chúa, bằng chứng là họ đã quỵ ngã trong sa mạc” (I Co 10:1-5). Thời tân ước, khi Ngài đây đó loan báo về nước Thiên Chúa, Chúa Giê-su đã công bố về thánh chức của Ngài như sau :
Gi 7:16   16 Đức Giê-su trả lời : “Đạo lý tôi dạy không phải là của tôi, nhưng là của Đấng đã sai tôi.
I Co 15:25-28    25 Thật vậy, Đức Ki-tô phải nắm vương quyền cho đến khi Thiên Chúa đặt mọi thù địch dưới chân Người. 26 Thù địch cuối cùng bị tiêu diệt là sự chết, 27 vì Thiên Chúa đã đặt muôn loài dưới chân Đức Ki-tô. Mà khi nói muôn loài, thì dĩ nhiên không kể Đấng đặt muôn loài dưới chân Đức Ki-tô. 28 Lúc muôn loài đã quy phục Đức Ki-tô, thì chính Người, vì là Con, cũng sẽ quy phục Đấng bắt muôn loài phải quy phục Người ; và như vậy, Thiên Chúa có toàn quyền trên muôn loài.
Tất cả các trích đoạn trên đây đều nói về thánh chức của Chúa Giê-su; qua các nội dung đó người đọc nhận thấy quyền lãnh đạo của Thiên Chúa Cha trên Ngài.
Cụ thể hơn qua việc đặt tên cho Chúa Giê-su – Danh Giê-su đã được Thiên Chúa Cha quyết định và truyền lệnh cho Thánh Giu-se và Mẹ Maria đặt cho con Ngài : “28 Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói : “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.” 29 Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì. 30 Sứ thần liền nói : “Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. 31 Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su. 32 Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao” (Lu 1:28)
Đức Ma-ri-a cũng như thánh Giu-se (Josehp) không có quyền đặt tên cho Chúa Giê-su như những người làm cha làm mẹ khác ở trần gian. Do đó, đừng lầm tưởng rằng Mẹ Ma-ri-a là mẹ Chúa Giê-su một cách thuần túy, giống như các bà mẹ thế gian - đi xa hơn thế có giáo lý khẳng định vị trí của Mẹ Maria, Ngài lại là Mẹ Thiên Chúa ! Giáo hội nào tuyên bố và dùng quyền bính riêng bắt người không có kinh thánh hoặc không hiểu biết kinh thánh tường tận tuân giữ, tuyên xưng. Thật sự họ đã đi quá xa và ngược lại đường lối Chúa xét riêng về nguyên tắc lãnh đạo. Xin đọc lời Chúa sau : “1 Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời.Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa. 2 Lúc khởi đầu, Người vẫn hướng về Thiên Chúa. 3 Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành”(Gioan 1:1-3). Chúa Giê-su – Ngài đã hiện hữu từ đời đời nơi Thiên Chúa Cha. Chính Chúa Giê-su đã sáng tạo loài người, và trong số đó có mẹ Maria. Mẹ Maria là một người được Chúa Giê-su “sáng tạo đặc biệt” để làm vinh hiển Thiên Chúa; bởi Mẹ là người luôn sống mẫu mực theo đường lối Thiên Chúa và đó là tấm gương sống động cho nhân loại noi theo trong mọi đường lối Thiên Chúa. Lu 1:48    48 Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới; từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc.
Trở lại sự kiện Đức Maria là mẹ Chúa Giê-su ! Mặc dầu lời Thiên Chúa trong kinh thánh xác nhận về sự kiện này : “15 Ê-li-hút sinh E-la-da ; E-la-da sinh Mát-than ; Mát-than sinh Gia-cóp ; 16 Gia-cóp sinh Giu-se, chồng của bà Ma-ri-a, bà là mẹ Đức Giê-su cũng gọi là Đấng Ki-tô” (Mat 1:15-16). Việc kinh thánh xác nhận Mẹ là mẹ Chúa Giê-su chỉ có tính pháp lý và đó là sự kiện thời gian buộc phải có trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa Cha khi so sánh với nguyên ủy Chúa Giê-su đã nêu ở trích đoạn Gioan 1:1-3 trên. Xin đọc thêm lời Chúa sau đây : “4 Nhưng khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người phụ nữ, và sống dưới Lề Luật, 5 để chuộc những ai sống dưới Lề Luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử” (Galati 4:4). Nói cách khác mẹ Maria chỉ là mẹ Chúa Giê-su về phần xác thịt nhưng không hoàn toàn vì thai trong lòng mẹ là bởi quyền năng Thiên Chúa vì mẹ không hề “biết đến việc vợ chồng” ! (Lu 1:34).
Xin nói thêm, có nhiều giáo lý và kinh kệ phát xuất bởi cảm tính trong phạm trù “cây cho biết điều thiện ác” mà hoàn toàn không bởi ánh sáng trong phạm trù cây “ sự sống” là lời Thiên Chúa soi dẫn và điều ấy thật dễ làm cho tín hữu đi trệch xa khỏi đường lối Thiên Chúa, đặc biệt là vào thời kỳ này có nhiều dấu hiệu trong thiên nhiên và nơi xã hội con người sự bất thường gia tăng với cường độ lớn; đồng thời cũng đã xuất hiện nhiều rất nhiều cá nhân và tổ chức[1] “Thiên-Chúa giáo” không minh bạch trong đường lối Thiên Chúa. Các Giáo lý không tôn trọng lời Thiên Chúa đều là sự phạm thánh mà không có sự tha thứ nếu như đó là sự cố tình ! Người Công giáo thường hay đọc kinh : Lạy thánh cả Giu-se. Trong kinh đó có câu : “Trên trời Thánh Giu-se truyền lệnh hơn là van xin…” hoặc lời bài hát : “trên con đường về quê mà vắng bóng Mẹ con biết cậy nhờ ai, biết nương nhờ ai …” (Lời này sau đó đã được sửa lại : Trên con đường về quê cùng bước với Mẹ) Thật quá lạ lùng ! Với những lời lẽ như vậy; mặc nhiên giáo quyền Công giáo đã biến sự sốt sắng cách nào đó thật sự của giáo dân Công giáo trở nên vô hình trung phủ nhận về một Thiên Chúa toàn năng ! Ngoài việc tôn cao loài thọ tạo là mẹ Maria và các thánh một cách sai trật đường lối công chính lại còn các nghi thức thờ phượng không đúng với thánh chỉ của Thiên Chúa như vấn đề “hình tượng” chẳng hạn.  Lời Thiên Chúa sau đây khải thị về hậu quả của việc không tôn trọng lời chân lý dẫn đến phạm thánh, phạm thượng nơi giáo dân khi quyền lãnh đạo đi xa khỏi tinh thần Chúa dạy trong kinh thánh cũng như tôn trọng thánh thần Thiên Chúa qua Chúa Giê-su đang hoạt động nơi giáo hội :
II Te 2:1-8     1 Thưa anh em, về ngày Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, quang lâm và tập hợp chúng ta về với Người, tôi xin anh em điều này : 2 nếu có ai bảo rằng chúng tôi đã được thần khí mặc khải, hoặc đã nói, đã viết thư quả quyết rằng ngày của Chúa gần đến, thì anh em đừng vội để cho tinh thần dao động, cũng đừng hoảng sợ. 3 Đừng để ai lừa dối anh em bất cứ cách nào. Trước đó, phải có hiện tượng chối đạo, và người ta phải thấy xuất hiện người gian ác, đứa hư hỏng. 4 Tên đối thủ tôn mình lên trên tất cả những gì được gọi là thần và được sùng bái, thậm chí nó còn ngồi trong Đền Thờ Thiên Chúa và tự xưng là Thiên Chúa. 5 Khi tôi còn ở với anh em, tôi đã từng nói những điều ấy, anh em không nhớ sao ? 6 Anh em biết cái gì hiện đang cầm giữ nó, khiến nó sẽ chỉ xuất hiện được vào thời của nó. 7 Thật vậy, mầu nhiệm của sự gian ác đang hoành hành. Chỉ đợi người cầm giữ nó bị gạt ra một bên, 8 bấy giờ tên gian ác sẽ xuất hiện, kẻ mà Chúa Giê-su sẽ giết chết bằng hơi thở từ miệng Người, và sẽ tiêu diệt bằng ánh huy hoàng, khi Người quang lâm.
Trích đoạn trên sẽ trở nên khó hiểu đối với vấn đề phạm thánh, phạm thượng, nếu như chúng ta không liên tưởng đến một trường hợp khác sau đây : Chúa Giê-su khi còn ở thế gian, trong  nhiều trường hợp Ngài đã thay đổi và dạy cách ứng-xử trong ngày Sa-bát sao cho đúng như tinh thần Chúa dạy. Vì khi ấy, người Do-thái đã không có cách sống ngày Sa-bát đúng như tinh thần Chúa dạy. Nhưng họ lại không nhận biết về điều Chúa sửa dạy, để họ kiện toàn luật pháp Chúa; ngược lại họ cho rằng Chúa Giê-su đã cả gan dám thay đổi luật-pháp của Thiên-Chúa và như vậy họ tìm cách để giết Ngài. Vì đối với họ : người nào dám thay đổi luật pháp Chúa; người đó, phải ngang hàng hoặc lớn hơn Thiên-Chúa. Trong trường hợp Chúa Giê-su, họ cho rằng Chúa Giê-su chỉ là người mà lại dám thay đổi luật pháp của Chúa; dám làm điều như Thiên-Chúa và việc làm đó là phạm thánh, phạm thượng. Trích đoạn sau nói lên điều đó.
Gioan, Giăng 5:1-18  1 Sau đó, nhân dịp lễ của người Do-thái, Đức Giê-su lên Giê-ru-sa-lem. 2 Tại Giê-ru-sa-lem, gần Cửa Chiên, có một hồ nước, tiếng Híp-ri gọi là Bết-da-tha. Hồ này có năm hành lang. 3 Nhiều người đau ốm, đui mù, què quặt, bất toại nằm la liệt ở đó, (chờ cho nước động, 4 vì thỉnh thoảng có thiên thần Chúa xuống hồ khuấy nước lên ; khi nước khuấy lên, ai xuống trước, thì dù mắc bệnh gì đi nữa, cũng được khỏi). 5 Ở đó, có một người đau ốm đã ba mươi tám năm. 6 Đức Giê-su thấy anh ta nằm đấy và biết anh sống trong tình trạng đó đã lâu, thì nói : “Anh có muốn khỏi bệnh không ?” 7 Bệnh nhân đáp : “Thưa Ngài, khi nước khuấy lên, không có người đem tôi xuống hồ. Lúc tôi tới đó, thì đã có người khác xuống trước mất rồi !” 8 Đức Giê-su bảo : “Anh hãy trỗi dậy, vác chõng mà đi !” 9 Người ấy liền được khỏi bệnh, vác chõng và đi được.Hôm đó lại là ngày sa-bát. 10 Người Do-thái mới nói với kẻ được khỏi bệnh : “Hôm nay là ngày sa-bát, anh không được phép vác chõng !” 11 Nhưng anh đáp : “Chính người chữa tôi khỏi bệnh đã nói với tôi : ‘Anh hãy vác chõng mà đi !’” 12 Họ hỏi anh : “Ai là người đã bảo anh : ‘Vác chõng mà đi’ ?” 13 Nhưng người đã được khỏi bệnh không biết là ai. Quả thế, Đức Giê-su đã lánh đi, vì có đám đông ở đấy. 14 Sau đó, Đức Giê-su gặp người ấy trong Đền Thờ và nói : “Này, anh đã được khỏi bệnh. Đừng phạm tội nữa, kẻo lại phải khốn hơn trước !” 15 Anh ta đi nói với người Do-thái : Đức Giê-su là người đã chữa anh khỏi bệnh. 16 Do đó, người Do-thái chống đối Đức Giê-su, vì Người hay chữa bệnh ngày sa-bát. 17 Nhưng Đức Giê-su đáp lại : “Cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc.” 18 Bởi vậy, người Do-thái lại càng tìm cách giết Đức Giê-su, vì không những Người phá luật sa-bát, lại còn nói Thiên Chúa là Cha của mình, và như thế là tự coi mình ngang hàng với Thiên Chúa.

Trở lại vấn đề quyền lãnh đạo của Thiên Chúa Cha nơi Chúa Giê-su và nhiệm vụ mẹ Maria  : Vì trong kế hoạch cứu chuộc, Chúa Giê-su với nhiệm vụ như một Thiên-Chúa; và thực đúng như một Thiên-Chúa, thì Ngài mới có đủ thẩm quyền để chuộc tội cho kẻ chết là cả loài người.
Trong kế hoạch đó Đức Ma-ri-a đã được thiên-Chúa trao cho nhiệm vụ hạ sanh con của Ngài, nhưng bởi quyền năng Thánh Thần mà không theo cách tự nhiên. Có nghĩa là sự nhập thể, hoài thai và sanh hạ Chúa Giê-su không phải bởi cách của loài người hay ý muốn của Mẹ Ma-ri-a. Kinh thánh cho biết : Mẹ Ma-ri-a đã vâng lời Thiên-Chúa như bao tôi-tớ khác của ngài trải qua mọi thời đại : 34 Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần : “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng !” 35 Sứ thần đáp : “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. 36 Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai : bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. 37 Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.” 38 Bấy giờ bà Ma-ri-a nói : “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” Rồi sứ thần từ biệt ra đi. (Lu 1:35-38)
Tóm tắt : Thiên-Chúa Cha là đấng siêu-việt, duy nhất, toàn- năng và Ngài là đấng làm đầu, làm chủ mọi loài.
Chúa Giê-su phát xuất từ Chúa Cha (Gioan, Giăng 8:42) và Chính Chúa Giê-su – Ngài luôn tùng-phục Thiên-Chúa-Cha trong mọi sự. Điều đó, tất cả nói lên : Thiên-Chúa-Cha – Ngài là thủ lãnh của Chúa Giê-su. Sự vâng phục của Chúa Giê-su không chỉ giới hạn trong trường hợp này khác, mà trong mọi trường hợp, ngay cả việc phải chết Ngài vẫn phải tùng phục.  Sau hết trong trời mới đất mới quyền Thiên Chúa Cha lãnh đạo trên Chúa Giê-su lại càng được thánh kinh  khải thị rõ ràng hơn qua hai trích đoạn sau đây : “22 Trong thành, tôi không thấy có Đền Thờ, vì Đức Chúa, Thiên Chúa Toàn Năng, và Con Chiên là Đền Thờ của thành. 23 Thành chẳng cần mặt trời mặt trăng chiếu sáng, vì đã có vinh quang Thiên Chúa toả rạng, và Con Chiên là ngọn đèn chiếu soi.” (Kh 21:22-23). I Co 15:25-28    25 Thật vậy, Đức Ki-tô phải nắm vương quyền cho đến khi Thiên Chúa đặt mọi thù địch dưới chân Người. 26 Thù địch cuối cùng bị tiêu diệt là sự chết, 27 vì Thiên Chúa đã đặt muôn loài dưới chân Đức Ki-tô. Mà khi nói muôn loài, thì dĩ nhiên không kể Đấng đặt muôn loài dưới chân Đức Ki-tô. 28 Lúc muôn loài đã quy phục Đức Ki-tô, thì chính Người, vì là Con, cũng sẽ quy phục Đấng bắt muôn loài phải quy phục Người ; và như vậy, Thiên Chúa có toàn quyền trên muôn loài.

 Trọng kính

 Lê văn Bình





[1] Các cá nhân, tổ chức tự nhận là Chúa Giê-su ngoài hệ thống Thiên-Chúa giáo chính thống.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét