Thứ Bảy, 17 tháng 5, 2014

SA-BAT (Chúa quan phòng)

“YÊN NGHỈ” LÀ GÌ 
Biên soạn : Lê văn Bình

"Là một góa phụ trong xã hội Do-thái thời bấy giờ, tức là đồng nghĩa với việc không có sự bảo đảm về an sinh; thế mà, Chúa lại sai ngôn sứ E-li-a đến dùng bữa với không phải một ngày mà là nhiều ngày !!! Đời sống của tín hữu hôm nay cũng vậy, trong cuộc hành trình cùng với Chúa, vào nước Chúa là một hành trình phó thác trong sự quan phòng của Thiên-Chúa mỗi ngày, mọi lúc, mọi nơi. Và chỉ khi nào người tín hữu chọn lựa để phó thác trọn vẹn đời sống nơi Chúa họ mới thực sự có được niềm vui của sự cứu độ trọn vẹn. Niềm vui của sự cứu độ đó, họ không những nhận được ngay tại đời này mà đó còn là hành trang chuẩn bị cho đời hầu đến !"
Theo từ điển tiếng Việt thì yên nghỉ có một ý nghĩa trang trọng dành cho người đã khuất theo ý nghĩa thông thường của kiếp nhân sinh. Nhưng trong bài này sự yên nghỉ được định nghĩa theo một phạm trù khác; đó là sự được làm cho chết con người cũ.
Nói cách khác, một lối sống xưa kia có sự liên đới với Adam đã gây ra bao nhiêu đổ vỡ trong tinh thần cũng như thể chất, nay không còn nữa ! Đời sống ấy xét theo khía cạnh “tự nhiên” nó cũng gần giống như hình thức của một đời sống thư thái, không có gì phiền muộn. Và đời sống ấy chắc hẳn phải phản ánh sự bình yên cả về thuộc thể lẫn thuộc linh. Trong đời thường, đặc biệt trong cõi nhân sinh hôm nay mấy ai tìm được điều hiếm hoi ấy : an nhiên tự tại - một đời sống bình yên cả thể xác lẫn tinh thần.

Trong các tôn giáo thì sao ?
Hầu hết các giáo lý đều phản ánh tính tích cực của ý nghĩa an nghỉ hay bình an và tín đồ phải ra sức chạy đua cho đến đích điểm đem lại hạnh phúc mà tôn chỉ giáo lý dạy dỗ !?!

Trong bài này, chúng ta thử xem xét giáo lý của Thiên Chúa được công bố qua Chúa Giê-su đã được các tín hữu mọi thời tin và thực hành xem kết quả thế nào nơi đời sống họ ?

A.    Một vài hình thức nói lên ý nghĩa của sự yên nghỉ

Chúa Giê-su đưa ra lời kêu gọi sau đây : 28 Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. 29 Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. 30 Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng”(Mt 11:29-29).
Chúa Giê-su kêu gọi những ai đang vất vả mang gánh nặng nề trong đời sống hãy đến và học theo như Ngài, theo như cách Ngài đã luôn sống (Philip 2:6-8) để được “nghỉ ngơi và lại được bồi dưỡng” nữa.
Vậy cách sống đó thế nào mà Chúa lại muốn loài người học theo ?
Xin đọc tiếp các trích đoạn sau : “15 ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn Ê-đen, để cày cấy và canh giữ đất đai. 16 ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa truyền lệnh cho con người rằng : “Hết mọi trái cây trong vườn, ngươi cứ ăn ; 17 nhưng trái của cây cho biết điều thiện điều ác, thì ngươi không được ăn, vì ngày nào ngươi ăn, chắc chắn ngươi sẽ phải chết” (St 2:15-17). Đây là lệnh truyền cho Adam – một tạo vật từ hư không được Thiên Chúa sáng tạo và làm cho hiện hữu, sống động. Một tạo vật được sáng tạo tạo để sống đời đời trên đất, tất nhiên, cần phải được chỉ dạy cách sống phù hợp với bản chất của loài thọ tạo để có ích lợi cho cả tinh thần lẫn thể chất; hầu duy trì sự sống ấy đời đời ấy theo như ý định của Thiên Chúa. Trích đoạn trên là sự tóm tắt, là một biểu tượng nói về cách sống mà Thiên Chúa đã dạy; Ngài muốn Adam được yên nghỉ và lại được bồi dưỡng bởi một đời sống tin và làm theo cách sống Ngài dạy.
Cách sống Thiên Chúa dạy được biểu tượng : “Hết mọi trái cây trong vườn, ngươi cứ ăn” hẳn nhiên trong đó có cây sự sống; và nếu người nghe luôn vâng lệnh như vậy mặc nhiên sẽ không đi theo ý riêng được biểu tượng bởi : “cây cho biết điều thiện ác”.
Khi Adam từ bỏ sự yên nghỉ trong Thiên Chúa, hậu quả là loài người trên đất mỗi ngày trở nên tệ hại không thể có cách giáo dục nào khiến họ thay đổi hoàn toàn; chỉ riêng một số rất ít theo kinh thánh tường thuật, đó là ông No-ê. Chúng ta thử xem đời sống của ông có yên nghỉ trong Chúa không ?
St 6: 11-22  11 Thế gian bấy giờ đều bại hoại trước mặt Đức Chúa Trời và đầy dẫy sự hung ác. 12 Nầy, Đức Chúa Trời nhìn xem thế gian, thấy đều bại hoại, vì hết thảy xác thịt làm cho đường mình trên đất phải bại hoại.13 Thiên Chúa phán với ông Nô-ê : “Ta đã quyết định giờ tận số của mọi xác phàm, vì tại chúng mà đất đầy bạo lực : này Ta sắp tiêu diệt chúng cùng với đất. 14 Ngươi hãy làm cho mình một chiếc tàu bằng gỗ bách. Ngươi sẽ làm tàu có những ngăn và lấy nhựa đen mà trám cả trong lẫn ngoài. 15 Ngươi sẽ làm tàu thế này : chiều dài một trăm năm mươi thước, chiều rộng hai mươi lăm thước, chiều cao mười lăm thước. 16 Ngươi sẽ làm một cái mui che tàu, và đặt mui cách phía trên tàu nửa thước. Cửa tàu, ngươi sẽ đặt ở bên hông ; ngươi sẽ làm tầng dưới, tầng giữa rồi tầng trên. 17 Phần Ta, Ta sắp cho hồng thuỷ, nghĩa là nước lụt, xuống trên đất, để tiêu diệt mọi xác phàm có sinh khí dưới gầm trời ; mọi loài trên mặt đất sẽ tắt thở. 18 Nhưng Ta sẽ lập giao ước của Ta với ngươi ; ngươi hãy vào tàu, ngươi cùng với các con trai ngươi, vợ ngươi và vợ của các con trai ngươi. 19 Trong mọi sinh vật, mọi xác phàm, ngươi sẽ đưa vào tàu mỗi loại một đôi, để giữ cho chúng sống với ngươi ; phải có một con đực và một con cái. 20 Trong mỗi loại chim, mỗi loại gia súc, mỗi loại vật bò dưới đất, mỗi loại một đôi sẽ đến với ngươi, để ngươi giữ cho chúng sống. 21 Phần ngươi, hãy lấy mọi thứ ăn được và tích trữ cho mình ; đó sẽ là lương thực của ngươi và của chúng.” 22 Ông Nô-ê đã làm như vậy ; ông làm đúng như Thiên Chúa đã truyền cho ông.
Trong trường hợp No-e trên đây – ông đã không điều chi nghi vấn cả, nhưng lại thực sự tin và làm theo lời Thiên Chúa truyền; và đó chính là sự yên nghỉ.

Trường hợp khác nữa xin đọc tiếp sau đây : “1 ĐỨC CHÚA phán với ông Áp-ram : “Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi, mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi. 2 Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn, sẽ chúc phúc cho ngươi. Ta sẽ cho tên tuổi ngươi được lừng lẫy, và ngươi sẽ là một mối phúc lành. 3 Ta sẽ chúc phúc cho những ai chúc phúc cho ngươi; Ai nhục mạ ngươi, Ta sẽ nguyền rủa.Nhờ ngươi, mọi gia tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc.” 4 Ông Áp-ram ra đi, như ĐỨC CHÚA đã phán với ông. Ông Áp-ram được bảy mươi lăm tuổi khi ông rời Kha-ran. 5 Ông Áp-ram đem theo vợ là bà Xa-rai, cháu là ông Lót, và mọi tài sản họ đã gầy dựng được, cùng với gia nhân họ đã có tại Kha-ran. Họ ra đi về phía đất Ca-na-an và đã tới đất đó”(St 12:1-9).
Ap-ra-ham đã vâng theo ý Thiên Chúa và ông đã rời khỏi nơi chôn nhau cắt rốn để đi đến nơi khác mà chỉ được biết qua lời hứa của Thiên Chúa. Ap-ra-ham đã tin và làm theo lời Thiên Chúa truyền. Sự tin và làm theo một cách trọn vẹn như thế chính là sự yên nghỉ trong Thiên Chúa.
Một trích đoạn khác nữa cũng tường thuật về sự yên nghỉ của Ab-ram trong Chúa. Xin đọc sau đây : “1 Ông Áp-ram từ Ai-cập lên miền Ne-ghép, cùng với vợ và tất cả những gì ông có ; ông Lót cũng đi với ông. 2 Ông Áp-ram rất giàu, ông có nhiều súc vật và vàng bạc. 3 Ông đi từng chặng từ miền Ne-ghép đến Bết Ên, đến nơi lần trước ông đã cắm lều giữa Bết Ên và Ai. 4 Ở nơi có bàn thờ ông đã làm trước kia, ông Áp-ram kêu cầu danh ĐỨC CHÚA.
5 Ông Lót, người cùng đi với ông Áp-ram, cũng có chiên bò và những chiếc lều. 6 Đất ấy không đủ chỗ cho họ ở chung : họ có quá nhiều tài sản nên không thể ở chung với nhau được. 7 Một cuộc tranh chấp xảy ra giữa những người chăn súc vật của ông Áp-ram và những người chăn súc vật của ông Lót. Thời bấy giờ người Ca-na-an và người Pơ-rít-di đang ở trong miền ấy. 8 Ông Áp-ram bảo ông Lót : “Sao cho đừng có chuyện tranh chấp giữa bác và cháu, giữa người chăn súc vật của bác và người chăn súc vật của cháu. Vì chúng ta là anh em họ hàng với nhau ! 9 Tất cả xứ chẳng ở trước mặt cháu đó sao ? Cháu hãy xa bác đi. Nếu cháu đi về bên trái thì bác sẽ đi về bên phải ; nếu cháu đi về bên phải thì bác sẽ đi về bên trái.” 10 Ông Lót ngước mắt lên và nhìn cả Vùng sông Gio-đan : chỗ nào cũng có nước. Trước khi ĐỨC CHÚA tiêu diệt thành Xơ-đôm và thành Gô-mô-ra, thì Vùng đó, cho đến tận Xô-a, giống như vườn của ĐỨC CHÚA, giống như đất Ai-cập. 11 Ông Lót chọn cho mình cả Vùng sông Gio-đan và đi về hướng đông. Thế là họ xa nhau. 12 Ông Áp-ram ở đất Ca-na-an, còn ông Lót ở trong các thành Vùng sông Gio-đan, và di chuyển lều đến tận Xơ-đôm.(St13:1-12)
Chỉ có hai sự lựa chọn, một nơi tốt như vườn Eden xưa và một nơi khác không được bằng. Tại sao Ap-ram không chọn cho riêng ông chỗ tốt như Lót đã chọn ? Phải chăng Ap-ram luôn chọn sự yên nghỉ trong Chúa hơn là chọn lựa những điều tốt theo ý mình theo như thế thường của thế gian ?

Một trích đoạn khác nữa :
II Các vua 17:1-6    1 Ông Ê-li-a, người Tít-be, trong số dân cư ngụ tại Ga-la-át, nói với vua A-kháp rằng : “Có ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa hằng sống của Ít-ra-en, Đấng tôi phục vụ : trong những năm sắp tới, sẽ chẳng có mưa, có sương, nếu tôi không ra lệnh.”
Tại suối Cơ-rít
2 Có lời ĐỨC CHÚA phán với ông như sau : 3 “Ngươi hãy bỏ đây đi về phía đông, và ẩn mình trong thung lũng Cơ-rít, phía đông sông Gio-đan. 4 Ngươi sẽ uống nước suối. Ta đã truyền cho quạ nuôi ngươi ở đấy.” 5 Ông ra đi và làm như ĐỨC CHÚA truyền : là đến ở thung lũng Cơ-rít, phía đông sông Gio-đan. 6 Buổi sáng, quạ mang bánh và thịt cho ông ; rồi buổi chiều, cũng mang bánh và thịt cho ông. Ông uống nước suối.
Ông Ê-li-a luôn yên nghỉ trong Chúa mặc dầu thực phẩm và nước uống không phải chắc lúc nào cũng được duy trì luôn !? Theo như người ta biết về chim quạ, nó là loài không trung thành ngay cả trong việc nuôi con của nó ! Nhưng Thiên Chúa lại dùng nó để mang thực phẩm nuôi Ông Elia. Đây cũng là bài học mà Thiên Chúa muốn cho người tin Ngài nhận biết về sự quan phòng của Ngài dành cho người nào biết phó thác đời sống trong sự quan phòng của Thiên Chúa (tức là yên nghỉ trong Ngài).

Hai trường hợp sau đây cũng đáng để cho chúng ta suy gẫm về sự yên nghỉ trong Chúa.
Trường hợp thứ nhất, kinh thánh viết về Ông Da-ca-ri-a là Cha của thánh Gioan tẩy giả. Xin đọc trích đoạn sau : 5 Thời vua Hê-rô-đê cai trị miền Giu-đê, có một vị tư tế thuộc nhóm A-vi-gia, tên là Da-ca-ri-a ; vợ ông là Ê-li-sa-bét cũng thuộc dòng tộc tư tế A-ha-ron. 6 Cả hai ông bà đều là người công chính trước mặt Thiên Chúa, sống đúng theo mọi điều răn và mệnh lệnh của Chúa, không ai chê trách được điều gì. 7 Nhưng họ lại không có con, vì bà Ê-li-sa-bét là người hiếm hoi. Vả lại, cả hai đều đã cao niên. 8 Sau đây là chuyện xảy ra trong lúc ông đang lo việc tế tự trước nhan Thiên Chúa khi đến phiên của nhóm ông : 9 Trong cuộc bắt thăm thường lệ của hàng tư tế, ông đã trúng thăm được vào dâng hương trong Đền Thờ của Đức Chúa. 10 Trong giờ dâng hương đó, toàn thể dân chúng cầu nguyện ở bên ngoài. 11 Bỗng một sứ thần của Chúa hiện ra với ông, đứng bên phải hương án. 12 Thấy vậy, ông Da-ca-ri-a bối rối, và nỗi sợ hãi ập xuống trên ông. 13 Nhưng sứ thần bảo ông : “Này ông Da-ca-ri-a, đừng sợ, vì Thiên Chúa đã nhận lời ông cầu xin : bà Ê-li-sa-bét vợ ông sẽ sinh cho ông một đứa con trai, và ông phải đặt tên cho con là Gio-an. 14 Ông sẽ được vui mừng hớn hở, và nhiều người cũng được hỷ hoan ngày con trẻ chào đời. 15 Vì em bé sẽ nên cao cả trước mặt Chúa. Rượu lạt rượu nồng em sẽ đều không uống. Và ngay khi còn trong lòng mẹ, em đã đầy Thánh Thần. 16 Em sẽ đưa nhiều con cái Ít-ra-en về với Đức Chúa là Thiên Chúa của họ. 17 Được đầy thần khí và quyền năng của ngôn sứ Ê-li-a, em sẽ đi trước mặt Chúa, để làm cho lòng cha ông quay về với con cháu, để làm cho tâm tư kẻ ngỗ nghịch lại hướng về nẻo chính đường ngay, và chuẩn bị một dân sẵn sàng đón Chúa.” 18 Ông Da-ca-ri-a thưa với sứ thần : “Dựa vào đâu mà tôi biết được điều ấy ? Vì tôi đã già, và nhà tôi cũng đã lớn tuổi.” 19 Sứ thần đáp : “Tôi là Gáp-ri-en, hằng đứng chầu trước mặt Thiên Chúa, tôi được sai đến nói với ông và loan báo tin mừng ấy cho ông. 20 Và này đây ông sẽ bị câm, không nói được, cho đến ngày các điều ấy xảy ra, bởi vì ông đã không tin lời tôi, là những lời sẽ được ứng nghiệm đúng thời đúng buổi.” 21 Dân chúng đợi ông Da-ca-ri-a, và lấy làm lạ sao ông ở lại trong cung thánh lâu như thế. 22 Lúc đi ra, ông không nói với họ được, và dân chúng biết là ông đã thấy một thị kiến trong cung thánh. Còn ông, ông chỉ làm hiệu cho họ và vẫn bị câm” (Lu 1:1-22).
Trường hợp thứ hai, thiên-sứ công bố về việc Mẹ Ma-ri-a sẽ mang thai Chúa Giê-su. Xin đọc sau đây :26 Bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, 27 gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a.
28 Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói : “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.” 29 Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì.
30 Sứ thần liền nói : “Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. 31 Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su. 32 Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. 33 Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.”
34 Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần : “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng !” 35 Sứ thần đáp : “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. 36 Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai : bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. 37 Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.”
38 Bấy giờ bà Ma-ri-a nói : “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” Rồi sứ thần từ biệt ra đi”(Lu 1:26-38).
Trong hai trường hợp, mà sự kiện sẽ “mang thai và sanh con” được thiên sứ công bố : một là, Vợ Ông Da-ca-ri-a và hai là, Mẹ Ma-ri-a. Cả hai  nhân vật đều ở trong tình trạng không thể có việc đó xảy ra được; vì Mẹ Ma-ri-a không hề biết đến việc vợ-chồng còn vợ chồng ông Da-ca-ri-a thì đã già. Nhưng không hiểu tại sao Ông Da-ca-ri-a lại nghi ngờ điều mà thiên sứ truyền; còn ngược lại, Mẹ Ma-ri-a lại tin điều thiên sứ truyền mặc dầu Mẹ cũng đặt câu hỏi nói lên thực trạng bất năng của cá nhân mình giống như Ông Da-ca-ri-a đã nêu câu hỏi tương tự ?
Đây cũng là một trong các bài học cho người đi theo đường lối Chúa hôm nay về sự yên nghỉ hay phó thác.
Sau cùng bạn nghĩ gì đọc kinh : Lạy Cha chúng con, Đấng ngự trên trời……. Xin cho chúng con hôm nay đồ ăn đủ ngày[1]. Tại sao không xin cho hằng ngày mà lại đủ ngày thôi ??? Phải chăng Thiên-Chúa muốn người tin vào Ngài phải thật sự tin để được yên nghỉ; để được bình an, vì một Đức Chúa Trời toàn năng lại để cho tín hữu phải chết đói sao ?
Một Thiên Chúa hằng sống luôn quan tâm đến người làm theo lời dạy của Ngài với điều kiện người tin luôn làm theo mọi giáo huấn liên quan đến cách sống mỗi ngày. Việc tin và làm theo luôn được kinh thánh xem là sự “yên nghỉ” trong Thiên Chúa. Chúa Giê-su cũng đã luôn “yên nghỉ” trong Thiên Chúa là Cha Ngài. Chúng ta xem qua vài trường hợp mà Chúa Giê-su luôn sống trong sự yên nghỉ.

Gioan 5:30    “Tôi không thể tự ý mình làm gì. Tôi xét xử theo như tôi được nghe, và phán quyết của tôi thật công minh, vì tôi không tìm cách làm theo ý riêng tôi, nhưng theo ý Đấng đã sai tôi

Mat 26:39   39 Người đi xa hơn một chút, sấp mặt xuống, cầu nguyện rằng : “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này.  Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha.”

Cả hai trích đoạn trên đều cho chúng ta hình ảnh về sự “yên nghỉ” thật sự của Chúa Giê-su. Ngài luôn từ bỏ ý riêng để làm theo đường lối duy nhất chính đáng nhất bởi Thiên Chúa Cha. Trong thư thánh Phao-lo gửi cho Philip cũng có đoạn nói về tính cách luôn yên nghỉ của Chúa Giê-su như sau : “6 Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, 7 nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. 8 Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Philipphe 2:6-9).

Một vài hình ảnh trong kinh thánh nói về ý nghĩa của sự “yên nghỉ”, phần kế tiếp chúng ta sẽ xem xét sự liên hệ giữa sự yên nghỉ vừa trình bày trên đây với ý nghĩa của ngày Sa-bat.

B.     Sự yên nghỉ có liên hệ gì đối với ngày Sa-bat

Kinh thánh là chân lý và luôn là nền tảng cho người theo dấu chân Chúa Giê-su mọi thời đại. Trong thế giới những người tin và thực hành những giáo huấn Chúa dạy hôm nay, tồn tại hai cách giải thích về sự “yên nghỉ”. Một là chấp nhận tinh thần “yên nghỉ” của ngày Sa-bat và; hai là, chấp nhận sự yên nghỉ cả tinh thần, lẫn yên nghỉ vào ngày Sa-bat thứ bảy hằng tuần.
Chúng ta sẽ xem xét một cách tốt nhất trong tinh thần tìm kiếm lẽ thật. Nhưng xin nhấn mạnh rằng tôn trọng sự yên nghỉ cả về “tinh thần lẫn công việc thường ngày thể xác” trong ngày sa-bat thứ bảy không có nghĩa là tuân giữ luật pháp và lại thực hiện việc tuân giữ đó theo năng lực riêng !
Trước hết chúng ta điểm qua về Luật pháp và đồng thời so sánh với Ân sủng

1.      Luật pháp là gì và tại sao có luật pháp

Luật pháp là ánh sáng chỉ đường cho người tin biết phải sống sao cho đẹp lòng Thiên Chúa; đồng thời luật pháp được ban hành để giúp cho mọi người phân biệt được điều tốt-xấu, sai-trật với cách sống của Thiên Chúa truyền dạy.
Tv, Thi 19:8   8 Luật pháp CHÚA quả là hoàn thiện, bổ sức cho tâm hồn.
Thánh ý CHÚA thật là vững chắc, cho người dại nên khôn.
Esai 51:4 4 Hỡi dân Ta, hãy chăm chú nghe Ta ! Hỡi nước Ta, hãy lắng tai nghe Ta !
luật pháp sẽ do Ta ban truyền, và quyết định của Ta, Ta sẽ công bố là ánh sáng muôn dân.
Luật pháp được ban hành vì lòng người đã chai cứng không còn phân biệt được đâu là cách sống Chúa dạy và họ cứ sống theo cách của riêng họ.
Galati 3:19   “ 19 Vậy thì làm sao có luật pháp? Luật pháp đã đặt thêm, vì cớ những sự phạm phép…….”
I Ti 1:9   9 và biết rõ ràng luật pháp không phải lập ra cho người công bình (vô tội), bèn là vì những kẻ trái luật pháp, bạn nghịch, vì những kẻ không tin kính, phạm tội, những kẻ vô đạo, nói phạm thánh thần, những kẻ giết cha mẹ, giết người, 10 vì những kẻ tà dâm, kẻ đắm nam sắc, ăn cướp người, nói dối, thề dối, và vì hết thảy sự trái nghịch với đạo lành.

2.      Giới hạn của luật pháp

Khi Chúa Giê-su chưa đến để cứu chuộc thì luật pháp đóng vai trò như người quản giáo; tức là giúp cho người ta nhận biết đâu là tội đâu là phúc mà không tự theo ý riêng lòng mình : “Tôi cứ ăn ngay ở lành là được !”.
Khi Chúa Giê-su đến thì luật pháp trên giấy trên bảng đá, trên giấy da chấm dứt vai trò quản giáo vì Chúa Giê-su là Luật sống động đã được ghi chép vào lòng người tin : “ 23 Trước khi đức tin đến, chúng ta bị Lề Luật giam giữ, cho tới khi đức tin được mặc khải. 24 Như thế Lề Luật đã thành người quản giáo dẫn chúng ta tới Đức Ki-tô, để chúng ta được nên công chính nhờ đức tin. 25 Nhưng khi đức tin đến, thì chúng ta không còn ở dưới quyền giám hộ nữa. 26 Thật vậy, nhờ đức tin, tất cả anh em đều là con cái Thiên Chúa trong Đức Giê-su Ki-tô. 27 Quả thế, bất cứ ai trong anh em được thanh tẩy để thuộc về Đức Ki-tô, đều mặc lấy Đức Ki-tô” (Galati 3:23-27).
Xin nói thêm, trong thời các tông đồ - các Ngài luôn nhấn mạnh và cả nhân danh Thiên Chúa (He 7:18) để công bố là luật pháp trên bảng đá, giấy da đã bỏ rồi ! Việc nhấn mạnh này chỉ dành cho những người Is-ra-el lúc đó; vì họ không tin là Chúa Giê-su đã đến và như vậy đối với họ : Luật pháp Moi-se là thượng tôn.
Điều nhấn mạnh này dễ gây nhầm lẫn cho người đọc kinh thánh mà không có tri thức toàn diện về kế hoạch của Thiên Chúa và sự viễn mãn của kế hoạch đó.Thực vậy, đối với người tin vào sự nhập thể cũng như sự cứu chuộc của Chúa Giê-su thì vì Chúa của luật đó đã đang hiện diện ngay trong lòng họ; nói cách khác luật pháp trên giấy da bảng đá đã được thay thế bằng cách được viết vào trong lòng người tin-thực hành theo giáo huấn của Ngài mà không phải là bỏ đi theo lẽ thường của lối suy nghĩ thiếu các dữ kiện cần đủ. Xin đọc lời Chúa sau : “ 10 Đây là giao ước Ta sẽ lập với nhà Ít-ra-en sau những ngày đó, Đức Chúa phán : Ta sẽ ghi vào lòng trí chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng lề luật của Ta ; Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, còn chúng sẽ là Dân của Ta” (Dt, He 8:10). Và vì luật pháp được ghi vào lòng người tin cho nên cũng ở một trích đoạn lời Chúa khác có nói đến giá trị thật của của luật pháp Chúa như sau : 17 “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn” (Mt 5:17) hoặc trong một trích đoan khác : “31 Vậy, chúng ta nhân đức tin mà bỏ luật pháp hay sao? Chẳng hề như vậy! Trái lại, chúng ta làm vững bền luật pháp”(Rm 3:31).
Kiện toàn ở đây nghĩa là vừa ghi khắc những tiêu chuẩn thánh vào tâm hồn người tin và đồng thời chấm dứt các hình thức khác của luật pháp đã kết thúc vai trò trung gian. Xin đọc lời Chúa sau :
He 7:12   12 Chức tế lễ đã thay đổi thì luật pháp cũng cần phải thay đổi.
He 7:28    28 Vì luật pháp lập những người vốn yếu đuối làm thầy tế lễ thượng phẩm; nhưng lời thề có sau luật pháp thì lập Con, là Đấng đã nên trọn lành đời đời.
He 10:11-18  11 Phàm thầy tế lễ mỗi ngày đứng hầu việc và năng dâng của lễ đồng một thức, là của lễ không bao giờ cất tội lỗi được, 12 còn như Đấng nầy, đã vì tội lỗi dâng chỉ một của lễ, rồi ngồi đời đời bên hữu Đức Chúa Trời, 13 từ rày về sau đương đợi những kẻ thù nghịch Ngài bị để làm bệ dưới chân Ngài vậy. 14 Vì nhờ dâng chỉ một của tế lễ, Ngài làm cho những kẻ nên thánh được trọn vẹn đời đời. 15 Đức Thánh Linh cũng làm chứng cho chúng ta như vậy;vì đã phán rằng : 16 Chúa phán: Nầy là giao ước ta lập với chúng nó Sau những ngày đó, Ta sẽ để luật pháp ta vào lòng chúng nó Và ghi tạc nơi trí khôn, 17 Lại phán : Ta sẽ chẳng còn nhớ đến tội lỗi gian ác của chúng nó nữa.Gie Gr 31:33,34
   18 Bởi hễ có sự tha thứ thì không cần dâng của lễ vì tội lỗi nữa.

3.      Sa-bat có phải là luật pháp không và ý nghĩa của ngày ấy

Sa-bat thứ bảy hằng tuần chính là ngày Sa-bat trong luật pháp mười điều răn (Xh 20:8-11). Trong thời cựu ước tức là trong thời chờ đợi “đức tin” đến luật Sa-bat được tuân giữ bởi dân Chúa một cách nghiêm minh. Trong ngày này, họ nghỉ ngơi cả thể xác lẫn tinh thần : thể xác không làm việc thường ngày – tinh thần không lo việc riêng; tất cả chỉ tập trung vào việc học biết và thờ phượng Thiên Chúa, với sự tuân thủ và lòng tin vào Đức Giê-hô-va như thế ! họ đã biến ngày này ra thánh như Chúa đã truyền. Ai không tuân giữ sẽ bị chết (Dan 15:32-36).
a.      Ý nghĩa ngày Sa-bat hằng tuần theo luật pháp Môi-se :
Xét theo tính chất chung của bộ luật Môi-se được áp dụng đối với dân Is-ra-el bấy giờ, chúng ta nhận thấy đây là bộ luật giống như luật dân sự, hình sự trong xã hội hôm nay. Trong bộ luật ấy, có những luật mà ai đó vi phạm vào sẽ bị tử hình hoặc một hình thức chế tài nào đó v.v….. Xét về ý nghĩa thuộc thể, có thể nói đây là bộ luật của quốc gia Is-ra-el.
Chúng ta liệt kê một số các quy định trong ngày Sa-bat hằng tuần này :
ü  Ngày thứ bảy là ngày thánh và phải nhóm họp thờ phượng Thiên Chúa trong ngày thứ bảy hằng tuần (Sa-bat tuần : Một trong mười điều răn).
Thiên Chúa công bố ngày thứ bảy hằng tuần là ngày thánh – Ngài không giải thích tại sao ngày thứ bảy lại là ngày thánh ! trong khi đó, các ngày khác so với ngày này cũng chỉ 24 giờ đồng hồ theo cách tính thời gian hôm nay.
ü  Sẽ bị tử hình nếu lao động phần xác trong ngày này.
Ai không tuân theo, về mặt luật pháp của dân Is-ra-el lúc này là  phạm vào tội chết; và  theo luật Chúa cũng vậy.

Như vậy, ngày thứ bảy Sa-bat hàng tuần đối với dân Chúa được tiêu biểu bởi dân Is-ra-el lúc đó, việc tuân giữ ngày này và các điều khoản khác vừa là luật dân sự, hình sự và đồng thời về mặt thiêng liêng cũng là luật Thiên Chúa. Việc tôn trọng ngày thứ bảy hằng tuần chính là tuân mạng lệnh Thiên Chúa; và ai đó không tuân theo, đối với Thiên Chúa chính là người đó không không tuân theo mạng lệnh của Ngài. Người không tuân theo mạng lệnh Thiên Chúa cố nhiên sớm muộn gì cũng chết và chết đời đời; còn đối với luật pháp dân sự, hình sự thời Môi-se, người không tuân theo đó liền bị xử tử. 
b.      Ý nghĩa song song mà Sa-bát hàng tuần cung cấp
Đa số thường cho rằng ngày Sa-bat hàng tuần chỉ có một ý nghĩa thuần túy là nghỉ ngơi phần xác và phần tinh thần sau một chuỗi ngày làm việc dài liên tục trong chu kỳ bảy ngày.
Thực đúng là vậy, nếu quan sát ngày thứ bảy hằng tuần theo khía cạnh luật pháp dân sự của quốc gia Is-ra-el lúc ấy. Nhưng nếu chỉ nhìn theo khía cạnh đó người quan sát khó có thể xem xét cặn kẽ ý nghĩa của ngày được Thiên Chúa quy định này !
Nhìn theo khía cạnh khác của riêng luật ngày thứ bảy, khía cạnh thiêng liêng của các quy định của bộ luật quốc gia Is-ra-el thời Môi-se :
ü  Ngày thứ bảy là ngày thánh và phải nhóm họp thờ phượng Thiên Chúa trong ngày thứ bảy hằng tuần (Sa-bat tuần : Một trong mười điều răn).
Ngày thứ bảy theo khía cạnh thiêng liêng là luật pháp Thiên Chúa. Đặc biệt trong ngày này mọi người phải nên thánh; và ngày này, được xem là ngày thánh, là bởi sự nên thánh của dân Chúa trong ngày đó (S/s Giu-đe 1:23. Xh 29:37. 30:29).
Tại sao Thiên Chúa không truyền lệnh để dân sự nhóm họp thờ phượng vào ngày khác mà lại vào ngày thứ bảy hằng tuần ?
Trong sáu ngày sáng tạo, ngày nào cũng có buổi chiều và buổi mai; nhưng riêng ngày thứ bảy thì không được lời Thiên Chúa viết có buổi chiều và buổi mai.   Đây là một hình thức mà kinh thánh muốn người đọc phải quan tâm triệt để. Hình ảnh buổi chiều và buổi mai cho người đọc liên tưởng tới sự mở đầu và kết thúc : Sáu ngày biểu tượng cho sự giới hạn. Nhưng ngược lại chỉ riêng ngày thứ bảy kinh thánh không ghi buổi chiều và buổi mai và ngày này biểu tượng cho sự vô hạn – thật vậy, con số bảy bao giờ cũng được kinh thánh dùng để chỉ về Thiên Chúa – Đấng vô hạn.

ü  Sẽ bị tử hình nếu lao động phần xác trong ngày này
Nhiều người thường nông cạn phát biểu rằng : “Tôi vi phạm vào ngày Sa-bat mà có bị sao đâu ?” Hãy xem xét các khía cạnh sau của lời Thiên Chúa công bố trong kinh thánh : “9 thì Chúa biết cứu chữa những người tin kính khỏi cơn cám dỗ, và hành phạt kẻ không công bình, cầm chúng nó lại để chờ ngày phán xét, 10 nhứt là những kẻ theo lòng tư dục ô uế mình mà ham mê sự sung sướng xác thịt, khinh dể quyền phép rất cao”(II Phi-e-rơ, Phê-rô 2:9-10). “17 Vả, Đức Chúa Trời đã sai Con Ngài xuống thế gian, chẳng phải để đoán xét thế gian đâu, nhưng hầu cho thế gian nhờ Con ấy mà được cứu. 18 Ai tin Ngài thì chẳng bị đoán xét đâu; ai không tin thì đã bị đoán xét rồi, vì không tin đến danh Con một Đức Chúa Trời.    (Gioan 3:17-18).
Cả hai trích đoạn lời Thiên Chúa nêu trên đã cho cả nhân loại biết về ý nghĩa ân sủng và luật pháp. Luật pháp thời Môi-se như vừa bàn ở phần “số một nhỏ” nêu trên, xét về khía cạnh luật pháp quốc gia và thời kỳ luật pháp, ai đó vi phạm liền bị chế tài liền tức khắc. Nhưng ngày nay thời ân sủng luật pháp Môi-se không có giá trị đối với người tin hoặc không tin vào Chúa Giê-su. Và hơn nữa, đây lại là thời, mà Thiên Chúa đang cần công bố ơn cứu độ cho mọi người mọi thành phần và Ngài chỉ thi hành luật thánh khiết của Ngài khi kết thúc công cuộc loan báo tin vui cứu độ cho đến khắp mọi người (Kh 11:19. Mt 24:14. Gioan 3:17. II Phi-e-rơ, Phê-rô 2:9)
Ngày thứ bảy biểu tượng chỉ về Thiên Chúa – Đấng vô hạn và những ai tin vào Ngài phải tôn trọng ngày này; vì tôn trọng ngày này chính là tôn trọng Thiên Chúa Đấng làm chủ ngày này (He 4:1-9). Như vậy, những ai hôm nay cố tình không tôn trọng ngày thứ bảy một biểu tượng chỉ về Thiên-Chúa chính là không tuân theo luật Thiên Chúa; ở khía cạnh thiêng liêng người đó xem như đã chết mà chẳng cần phải xử tử như luật pháp Môi-se.

C.    Ý nghĩa của sự yên nghỉ trong ngày Sa-bat

Luật pháp Môi-se vừa là luật về thuộc thể và luật về thuộc linh. Thiên Chúa muốn dân sự của Ngài lúc đó phải tuân thủ luật pháp nghiêm minh và sự tuân thủ đó cũng có lời hứa của Thiên Chúa dành cho gồm thưởng phạt rõ ràng : 8 Quyển sách luật pháp nầy chớ xa miệng ngươi, hãy suy gẫm ngày và đêm, hầu cho cẩn thận làm theo mọi điều đã chép ở trong; vì như vậy ngươi mới được may mắn trong con đường mình, và mới được phước. 9 Ta há không có phán dặn ngươi sao? Hãy vững lòng bền chí, chớ run sợ, chớ kinh khủng; vì Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi vẫn ở cùng ngươi trong mọi nơi ngươi đi”(Gio-sue 1:8).
Ngày nay sau khi Chúa Giê-su hoàn thành sứ mệnh cứu độ thì toàn bộ luật pháp Môi-se không hoàn toàn được áp dụng như cách thức xưa nữa; nghĩa là, có sự kết thúc của luật pháp thuộc thể để người tin Chúa hôm nay nhìn luật Chúa theo khía cạnh thuộc linh. Đồng thời, những điều khoản, điều răn trong cựu ước mà người Is-ra-el thực hiện sai tinh thần của nó đã được Chúa Giê-su chấn chỉnh và cũng có các điều khoản quy định được bãi bỏ vì nó chỉ đóng vai trò làm hình bóng chỉ về Chúa Giê-su hay chỉ về ý nghĩa của luật pháp Chúa (He, Do thái 7:12,28. 10:11-18. II Phê-rô, Phi-e-ro 2:9). Tuy nhiên, đặc biệt trong khi chờ đợi tin mừng được công bố cho mọi người trên đất thì lời Chúa dạy trong các điều răn khác vẫn còn được duy trì : “17 Các ngươi đừng tưởng ta đến đặng phá luật pháp hay là lời tiên tri; ta đến, không phải để phá, song để làm cho trọn. 18 Vì ta nói thật cùng các ngươi, đương khi trời đất chưa qua đi, thì một chấm một nét trong luật pháp cũng không qua đi được cho đến khi mọi sự được trọn. 19 Vậy, ai hủy một điều cực nhỏ nào trong những điều răn nầy, và dạy người ta làm như vậy, thì sẽ bị xưng là cực nhỏ trong nước thiên đàng; còn như ai giữ những điều răn ấy, và dạy người ta nữa, thì sẽ được xưng là lớn trong nước thiên đàng. 20 Vì ta phán cho các ngươi rằng, nếu sự công bình của các ngươi chẳng trổi hơn sự công bình của các thầy thông giáongười dòng Pha-ri-si, thì các ngươi chắc không vào nước thiên đàng” (Mt 5:1720).
Ý nghĩa của sự yên nghỉ trong ngày Sa-bat :
Ở phần A chúng ta đã điểm qua một vài trường hợp yên nghỉ mà Thiên-Chúa muốn cho tín hữu được vui hưởng. Tính chất của nó chính là một sự phó thác trọn vẹn cuộc sống mỗi ngày theo sự quan phòng của Thiên-Chúa là Cha, và Chúa Giê-su là chủ.
Hình ảnh ngôn sứ E-li-a và tình cảnh một bà góa được tường thuật trong trích đoạn sau cho chúng ta nhận biết về ý nghĩa của sự an nghỉ mà ngày Sa-bat làm biểu tượng : 7 Nhưng sau một thời gian, suối cạn khô, vì trong xứ không có mưa. 8 Bấy giờ có lời ĐỨC CHÚA phán bảo ông : 9 “Ngươi hãy đứng dậy đi Xa-rép-ta, thuộc Xi-đôn, và ở lại đấy. Này Ta truyền cho một bà goá ở đó nuôi ngươi.” 10 Ông liền đứng dậy đi Xa-rép-ta. Khi đến cổng thành, ông thấy có một bà goá đang lượm củi. Ông gọi bà ấy và nói : “Bà làm ơn đem bình lấy cho tôi chút nước để tôi uống.” 11 Bà ấy liền đi lấy nước. Ông gọi bà và nói : “Bà làm ơn lấy cho tôi miếng bánh nữa !” 12 Bà trả lời : “Có ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa hằng sống của ông tôi thề là tôi không có bánh. Tôi chỉ còn nắm bột trong hũ và chút dầu trong vò. Tôi đang đi lượm vài thanh củi, rồi về nhà nấu nướng cho tôi và con tôi. Chúng tôi sẽ ăn rồi chết.” 13 Ông Ê-li-a nói với bà : “Bà đừng sợ, cứ về làm như bà vừa nói. Nhưng trước tiên, bà hãy lấy những thứ đó mà làm cho tôi một chiếc bánh nhỏ, và đem ra cho tôi, rồi sau đó bà sẽ làm cho bà và con bà. 14 Vì ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của Ít-ra-en phán thế này :
“Hũ bột sẽ không vơi vò dầu sẽ chẳng cạn cho đến ngày ĐỨC CHÚA đổ mưa xuống trên mặt đất.” 15 Bà ấy đi và làm như ông Ê-li-a nói ; thế là bà ấy cùng với ông Ê-li-a và con bà có đủ ăn lâu ngày. 16 Hũ bột đã không vơi, vò dầu đã chẳng cạn, đúng như lời ĐỨC CHÚA đã dùng ông Ê-li-a mà phán.
Là một góa phụ trong xã hội Do-thái bấy giờ, tức là đồng nghĩa với việc không có sự bảo đảm về an sinh; thế mà, Chúa lại sai ngôn sứ E-li-a đến dùng bữa với bà không những một ngày mà là nhiều ngày !!! Cuộc sống của tín hữu hôm nay cũng vậy, trong hành trình cùng với Chúa, vào nước Chúa là một hành trình phó thác trong sự quan phòng của Thiên-Chúa mỗi ngày, mọi lúc, mọi nơi. Và chỉ khi nào người tín hữu chọn lựa để phó thác trọn vẹn đời sống nơi Chúa họ mới thực sự có được niềm vui của sự cứu độ trọn vẹn đem lại. Niềm vui của sự cứu độ trọn vẹn đó, họ không những nhận được ngay tại đời này mà đó còn là sự chuẩn bị cho đời hầu đến !
.
Những lo toan theo ý riêng luôn là gánh nặng làm biến dạng hình ảnh Thiên-Chúa nơi mỗi con người hôm nay; chính vì vậy Chúa Giê-su kêu gọi để mọi người được vào trong sự yên nghỉ, vào trong sự quan phòng của Ngài : “28 “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. 29 Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. 30 Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng.” (Mt 11:28-30).

Kính
Lê văn Bình






[1] Giáo hội Công giáo Việt Nam : "lương thực hằng ngày". Cách dịch này không đúng theo ý nghĩa thuộc linh bởi lời Chúa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét