Thứ Tư, 27 tháng 1, 2016

NỀN TẢNG CẦN THIẾT TRONG VIỆC GIẢI NGHĨA KINH THÁNH

“Việc ai đó cố gắng để giải nghĩa lời Đức Chúa Trời sẽ luôn là điều không tưởng, cũng như việc trích ngang các nội dung kinh thánh để hậu thuẫn cho giáo lý hoặc suy tư thần học của tổ chức giáo hội; tất cả, đều mặc nhiên xem mình ngang bằng với Đức Chúa Trời!” (II Phê-rô, Phi-e-rơ 1:20-21).

Mở đầu
Kinh thánh là lời dạy bảo về đường lối thánh và công chính bởi Đức Chúa Trời dành cho tất cả mọi người mong muốn được tự do (Rm 8:21; I Phi-e-rơ,Phê-rô 1:18; Mt 4:8; 8:22; Gioan, Giăng 3:34-36; I Gioan, Giăng 5:19; Rm 3:23; 6:23). Thế nhưng nội dung kinh thánh lại được trình bày trong bối cảnh có phần khác với thời đại hôm nay, một bối cảnh văn hóa nơi một dân có lối sống đặc thù riêng (Rm 12:20). Do đó, ngôn ngữ, chữ viết trong kinh thánh luôn mang đậm dấu ấn của văn hóa đó với các hình ảnh đời thường như mầu sắc, con số… tất cả được dùng làm hình bóng tiêu biểu cho một giáo huấn nào đó mà người đọc kinh thánh không phải một lúc có thể am hiểu ngay được ý nghĩa của nội dung. 
Kinh thánh được mạc khải để điều hành lịch sử đã và đang sai trật bởi loài người hầu cho họ nhận biết và thay đổi cho phù hợp với đường lối thánh bởi Đức Chúa Trời, mà hoàn toàn không phải bối cảnh lịch sử loài người làm ra kinh thánh hoặc chi phối kinh thánh. Kinh thánh bởi Đức-Chúa-Trời công bố, nhưng đồng thời, ý nghĩa của kinh thánh cũng đã được chính Ngài giải nghĩa, và sự giải nghĩa, nội dung nằm trong ít nhiều những bối cảnh khác nhau của cả kinh thánh (Tv, Thi 119:160; II Phê-rô 1:20-21). Việc ai đó cố gắng để giải nghĩa lời Đức Chúa Trời sẽ luôn là điều không tưởng, cũng như việc trích ngang các nội dung kinh thánh để hậu thuẫn cho giáo lý, hoặc suy tư thần học của tổ chức giáo hội; tất cả, mặc nhiên xem mình ngang bằng với Đức Chúa Trời! (II Phê-rô, Phi-e-rơ 1:20-21).
Nội dung bài viết này chúng tôi trình bày cách giải nghĩa kinh thánh dựa trên ba luận điểm căn bản cần yếu; thứ nhất, Đức-Chúa-Trời công bố kinh thánh và Ngài cũng đã giải nghĩa; thứ hai, căn cứ vào bản tánh Đức Chúa Trời để giải nghĩa; thứ ba, Thần Đức Chúa Trời cảm động soi sáng. Sau đây là chi tiết ba điểm mấu chốt căn bản áp dụng cho việc giải nghĩa kinh thánh.
a.      Đức-Chúa-Trời ban và giải nghĩa kinh thánh
Chúng ta có một Đức-Chúa-Trời hằng sống và Ngài không hề thay đổi những gì đã hứa. Trong thời cựu ước Ngài hứa với những ai tìm kiếm hết lòng kẻ ấy sẽ gặp được Ngài (Gie 29:13; Phục, Đệ nhị luật 4:29); thời tân ước cũng vậy ngài hứa với những ai khao khát lẽ công chính (lời chân lý) những người ấy sẽ được no đủ (Mat 5:6). Cũng một lẽ ấy, kinh thánh, khi Thần chân lý được ban xuống trên các tông đồ (sứ đồ), các ông đã được mở trí hiểu biết về thánh ý tức là dẫn vào mọi lẽ thật cũng như giúp cho nhớ lại những gì đã quên và quan trọng là cho biết những điều sẽ tới(Gioan, Giăng 14:26; 16:13). Nhờ Thần Đức Chúa Trời vận hành như vậy cho nên các ông đã mạnh mẽ không những loan báo về lời mạc khải mà đồng thời nơi bối cảnh các tín hữu thời đó Thần Đức Chúa Trời còn cảm thúc để các ông viết lời dạy bảo về cách sống đạo, về hội thánh, lời tiên tri tất nhiên cả về lẽ thật trong cựu ước lại cho tín hữu mà chúng ta gọi là tân ước.
Việc các sứ đồ (tông đồ) nhận được quyền năng từ trời để hiểu được cả lời dạy trong sách cựu ước và những lời Đức Chúa Giê-su dạy khi Ngài còn hiện diện hữu hình trên đất chính là hình thức Đức Chúa Trời công bố và giải nghĩa kinh thánh. Tuy nhiên, người đọc kinh thánh khó có thể nhận diện được lời giải nghĩa cho một trích đoạn nào đó, bởi vì lời giải nghĩa cho trích đoạn đó lại nằm rải rắc trong suốt cả kinh thánh. Như thế cần phải có sự liên hệ giữa nhiều những nội dung kinh thánh khác liên quan để làm sáng tỏ cho một nội dung kinh thánh. Việc làm này, các nhà giải kinh thường gọi là giềng mối hay là sự tổng cộng của lời Chúa (Tv, Thi 119:104, 159-160). Sự giềng mối hay tổng cộng mọi trích đoạn lời Đức Chúa Trời liên quan khác sẽ làm sáng tỏ cho một nội dung lời Chúa nào đó nhưng đồng thời sự sáng tỏ đó cũng cần phải hòa hợp với thánh chỉ Chúa trong cả nội dung kinh thánh.
Các trích đoạn kinh thánh làm ví dụ sau đây sẽ minh chứng cho việc Đức-Chúa-Trời công bố kinh thánh và chính Ngài đã giải nghĩa.
Ví dụ 01:  
St 1:2  2 Vả, đất là vô hình và trống không, sự mờ tối ở trên mặt vực; Thần Đức Chúa Trời vận hành trên mặt nước. (Rm 5:8. Mt 13:38; I Co 3:9)
Trong trích đoạn trên đây có nhiều điểm ví dụ như: “đất”, “vô hình và trống không”, “sự mờ tối trên mặt vực” v.v…  cần phải được làm sáng tỏ để có thể hiểu được cả nội dung của trích đoạn. Muốn vậy chúng ta phải giềng mối (tổng cộng hay căn nguyên) các trích đoạn liên hệ trong cả kinh thánh để giải nghĩa cho từng điểm một. Sau đây chúng ta tiến hành việc giềng mối để giải nghĩa.
ü  Đất
    Ý nghĩa của “đất” là hình bóng chỉ về con người và được giải nghĩa trong các trích đoạn sau:  (Mt 6:10; 13:8).
      Lu 8:5, 11-15   5 “Người gieo giống đi ra gieo hạt giống của mình. Trong khi người ấy gieo, thì có hạt rơi xuống vệ đường, người ta giẫm lên và chim trời ăn mất. 6 Hạt khác rơi trên đá, và khi mọc lên, lại héo đi vì thiếu ẩm ướt. 7 Có hạt rơi vào giữa bụi gai, gai cùng mọc lên, làm nó chết nghẹt. 8 Có hạt lại rơi nhằm đất tốt, và khi mọc lên, nó sinh hoa kết quả gấp trăm”. Nói xong, Người hô lên rằng : “Ai có tai nghe thì nghe.” … … 
        11 “Đây là ý nghĩa dụ ngôn : Hạt giống là lời Thiên Chúa. 12 Những kẻ ở bên vệ đường là những kẻ đã nghe nhưng rồi quỷ đến cất Lời ra khỏi lòng họ, kẻo họ tin mà được cứu độ. 13 Còn những kẻ ở trên đá là những kẻ khi nghe thì vui vẻ tiếp nhận Lời, nhưng họ không có rễ. Họ tin nhất thời, và khi gặp thử thách, họ bỏ cuộc. 14 Hạt rơi vào bụi gai : đó là những kẻ nghe, nhưng dọc đường bị những nỗi lo lắng và vinh hoa phú quý cùng những khoái lạc cuộc đời làm cho chết ngộp và không đạt tới mức trưởng thành. 15 Hạt rơi vào đất tốt : đó là những kẻ nghe Lời với tấm lòng cao thượng và quảng đại, rồi nắm giữ và nhờ kiên trì mà sinh hoa kết quả.

Mat 13:38   38 Ruộng là thế gian. Hạt giống tốt, đó là con cái Nước Trời. Cỏ lùng là con cái Ác Thần.

ü  Vô hình và trống không, sự mờ tối ở trên mặt vực:
Ý nghĩa của nhóm chữ “Vô hình và trống không, sự mờ tối ở trên mặt vực” là hình bóng chỉ về sự chết và được giải nghĩa trong các trích đoạn sau:
Giê 4:11-28   23 Tôi xem đất: Nầy, là vô hình và trống không; xem các từng trời: thì không có sự sáng. 24 Tôi xem các núi, thấy đều rúng động; mọi gò đều lung lay. 25 Tôi xem: Chẳng còn một người, hết thảy chim trời đều trốn tránh. 26 Tôi xem thấy ruộng tốt đã trở nên đồng vắng, hết thảy các thành đều bị hủy phá trước mặt Đức Giê-hô-va, bởi cơn nóng giận của Ngài. 27 Vì Đức Giê-hô-va phán như vầy: Cả đất sẽ hoang vu, nhưng ta không diệt hết. 28 Bởi cớ đó, đất sẽ sầu thảm, các từng trời sẽ tối đen. Vì ta đã phán, đã định, thì chẳng đổi ý, chẳng xây lại.
Giop 10:22   22 Tức đất tối đen như mực, Là miền có bóng sự chết, chỉ có sự hỗn độn tại đó, Và ánh sáng không khác hơn tối tăm
Ngoài ra các trích đoạn sau đây được xem như các câu giềng mối nhưng là câu giềng mối gián tiếp giải nghĩa về tối tăm và sự chết. 
·       
Mt 4:14-17     14 để cho ứng nghiệm lời đấng tiên tri Ê-sai đã nói rằng: 15 Đất Sa-bu-lôn và Nép-ta-li, Ở về trên con đường đi đến biển, bên kia sông Giô-đanh, Tức là xứ Ga-li-lê thuộc về dân ngoại, 16 Dân ấy ngồi chỗ tối tăm, Đã thấy ánh sáng lớn; Và trên những kẻ ngồi trong miền và dưới bóng sự chết, Thì ánh sáng đã mọc lên.

17 Từ lúc đó, Đức Chúa Jêsus khởi giảng dạy rằng: Các ngươi hãy ăn năn, vì nước thiên đàng đã đến gần.
Eph 5:6-14   8 Vả, lúc trước anh em đương còn tối tăm, nhưng bây giờ đã nên người sáng láng trong Chúa. Hãy bước đi như các con sáng láng

ü  “Mặt nước”
    “Mặt nước” ý nghĩa là các thế lực nghịch lại với Đức Chúa Trời và được giải nghĩa bởi các câu giềng mối sau đây:
      Kh 17:1   1 Bấy giờ, trong số bảy thiên thần mang bảy chén, một vị đến bảo tôi : “Lại đây, tôi sẽ chỉ cho ông thấy Con Điếm khét tiếng, đang ngồi bên những làn nước mênh mông, bị xét xử như thế nào.

Kh 17:15   15 Thiên thần lại nói với tôi : “Những làn nước ông đã thấy, nơi Con Điếm ngồi, là những dân, những đám đông, những nước và những ngôn ngữ. … … … 18 Người đàn bà ông đã thấy, là Thành vĩ đại nắm vương quyền thống trị vua chúa trần gian.”

ü  “Thần Đức Chúa Trời vận hành”
Thần Đức Chúa Trời vận hành trên mặt nước. “Mặt nước” nước tức là quyền lực nghịch lại với Đức Chúa Trời đang bao phủ người chưa biết hoặc đã biết Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời vận hành trên “mặt nước” tức là trên người chưa biết hoặc đã biết Ngài nhưng chưa hoàn toàn thuộc về Ngài để phân tách “dòng nước” chống nghịch lại Đức Chúa Trời đang bao phủ ra khỏi họ.

Phối hợp các giềng mối (sự liên hệ) hay tổng cộng lời Đức Chúa Trời lại chúng ta có được ý nghĩa của trích đoạn Sáng thế 1:2 như sau: Người (Đất) chưa biết hoặc đã biết Đức Chúa Trời nhưng chưa thuộc về Ngài, nghĩa là đang bị các đam mê thế gian hoặc quyền lực chống nghịch lại Đức Chúa Trời (dòng nước) ảnh hưởng chi phối. Thần Đức Chúa Trời hay chính Đức Chúa Trời luôn luôn đứng ở ngoài và gõ cửa căn nhà tâm hồn để khi nghe được và mở cửa mời Ngài vào; khi ấy Ngài sẽ giúp phân tách ra khỏi tâm hồn những gì ô uế chống nghịch lại Ngài (hòa hợp với Kh 3:18-20).
Sau khi giềng mối như thế chúng ta lại phải xem xét về sự hòa hợp trong toàn bản văn. Việc Đức Chúa Trời vận hành trên con người để giúp họ chiến thắng tội lỗi, để loại ra khỏi họ dòng nước sự chết có phải là tình yêu thương không? Đúng là vậy, bởi từ khi Adam vi phạm loài người không thể tự sức làm nên sự sạch tội. Hình bóng Đức Chúa Giê-su rửa chân cho các môn đệ Ngài là hình ảnh nói lên sự bất năng của con người trước sự thánh khiết của Đức Chúa Trời. Các môn đệ Đức Chúa Giê-su đã được sạch nhờ lời của Ngài nhưng chưa phải hoàn toàn mà cần phải rửa chân, hình ảnh đồng ý để cho Đức Chúa Giê-su là thầy rửa chân cho mình chính là chịu lấy mọi việc trong đó có sự chết của Ngài để được sạch hoàn toàn. Trở lại vấn đề hòa hợp đối với trích đoạn St 1:2 vừa được giềng mối để giải nghĩa nêu trên chúng ta nhận thấy có sự hòa hợp với cả luận lý của kinh thánh về tình yêu thương và việc làm của Đức Chúa Trời. Chúng ta đọc lời Đức Chúa Trời sau đây trong trích đoạn sách Ro-ma để nhận diện về sự hòa hợp trong bản văn kinh thánh : 8 Thế mà Đức Ki-tô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi, đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta.” (Rm 5:8). Chúng ta thấy kinh thánh viết: “ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi” chính là dòng nước là tội lỗi, sự chết đang bao phủ người chưa biết hoặc đã biết Đức Chúa Trời nhưng chưa thuộc về Ngài hoàn toàn. Đây chính là sự hoà hợp trong bản văn kinh thánh cả tân  cựu ước.
Hòa hợp trong toàn bộ bản văn với các giải nghĩa trên qua việc các hậu quả được giải quyết bởi Đức Chúa Trời trong lịch sử loài người là cốt lõi để sự giải nghĩa không mâu thuẫn với ý định đời đời nơi Đức Chúa Trời.

Ví dụ 02: “Đức-Chúa-Trời nghỉ ngơi vào ngày thứ bảy”
Sau khi hoàn thành công cuộc sáng thế trong chương hai sách Sáng thế và chương 31 sách Xuất hành viết:
1 Thế là trời đất cùng với mọi thành phần đã hoàn tất. 2 Ngày thứ bảy, Thiên Chúa đã hoàn thành công việc Người làm. Khi làm xong mọi công việc của Người, ngày thứ bảy, Thiên Chúa nghỉ ngơi.” (St 2:1-2).
17 Đó là một dấu hiệu vĩnh viễn giữa Ta và con cái Ít-ra-en ; vì trong sáu ngày ĐỨC CHÚA đã dựng nên trời đất, nhưng ngày thứ bảy Người đã ngưng các việc và nghỉ xả hơi.” (Xh 31:17).
Đa số các nhà giải kinh đều hiểu theo nghĩa đen về ý nghĩa của sáu ngày sáng tạo cũng như sự nghỉ ngơi chỉ thuần túy về phần xác (thuộc thể). Nhưng ý nghĩa sâu nhiệm của hai câu này lại khác biệt, nó hàm chứa sự “làm việc” của Đức-Chúa-Trời và Đức-Chúa Giê-su nơi mỗi cá nhân bất luận ai tin, Ngài làm cho họ trở nên đền thờ tinh tuyền để Ngài cư ngụ, để Ngài nghỉ ngơi! Chúng ta thấy gì khi Chúa Giê-su tuyên bố: “Cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc.” (Gioan, Giăng 5:17).
Sách Sáng thế và sách Xuất hành nói về việc Đức-Chúa-Trời “nghỉ ngơi” sau khi Ngài sáng tạo chỉ là cách nói mang ý nghĩa thuộc linh (Thiêng liêng) nó chính là sự dự phóng cho công trình của Đức-Chúa-Trời nơi nhân loại sau Adam; nghĩa là Ngài sẽ cứu chuộc họ ra khỏi sự chết, làm cho họ nên thánh khiết để trở thành đền thờ nơi Ngài cư ngụ. Sự cư ngụ của Đức-Chúa-Trời nơi con người sau khi được tái sanh, được làm cho nên thánh chính là sự “yên nghỉ” của Đức-Chúa-Trời mà hai sách Sáng thế và Xuất hành đề cập đến (St 2:1-2; Xh 31:17).

Tóm tắt về điểm thứ nhất: Đức Chúa Trời giải nghĩa kinh thánh. Chúng ta đã biết Đức Chúa Trời ban lời dạy đồng thời Ngài cũng ban lời giải nghĩa và lời giải nghĩa được ghi chép trong kinh thánh theo từng bối cảnh. Một nội dung kinh thánh nếu không thể hiểu theo nghĩa đen thì người đọc phải tìm sự giải nghĩa ở đâu đó trong toàn bộ kinh thánh. Việc tìm kiếm đó các nhà giải kinh thường gọi là giềng mối hay sự tổng cộng lời Chúa liên quan. Việc giềng mối hay sự tổng cộng lời Chúa liên quan để làm sáng tỏ ý nghĩa của một nội dung kinh thánh nào đó chưa phải là đã lột tả được ý nghĩa đích thực mà người đọc lại phải có trách nhiệm khác nữa là xem lời giải nghĩa đó có hòa hợp với toàn kinh thánh không?

b.      Bản tánh Đức Chúa Trời trong việc giải nghĩa kinh thánh
Nhận biết về bản tánh Đức Chúa Trời và áp dụng vào việc giải nghĩa kinh thánh là cực kỳ quan trọng. Nhờ bản tánh Đức Chúa Trời người đọc kinh thánh sẽ hiểu biết các nội dung được viết theo cách viết “như nhân”. Đức Chúa Trời là Đấng siêu việt – Đấng mà không một suy tư nào có thể thấu triệt về Ngài điều đó  cho thấy bản tánh Ngài phẩm vị là tuyệt đối. Do đó khi học biết về bản tánh Đức Chúa Trời sẽ cần thiết cho việc giải nghĩa lời của chính Ngài. Chúng ta có các ví dụ sau nói về bản tánh Đức Chúa Trời.
Ví dụ 01:  Bản tánh Thần linh
Thiên Chúa xác định Ngài là thần, thần linh, thần khí. Xin đọc lời Chúa sau : 24 Thiên Chúa là thần khí, và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí và sự thật.” (Gioan, Giăng 4:24) hoặc ở sách thứ II Corinto 3:17 : “17 Chúa là Thần Khí, và ở đâu có Thần Khí của Chúa, thì ở đó có tự do”.
Thêm nữa, Chúa Giê-su công bố về tính chất của “thần linh hay thần khí” như sau : “36 Môn đồ đương nói với nhau như vậy, chính Đức Chúa Jêsus hiện ra giữa đó mà phán rằng: Bình an cho các ngươi! 37 Nhưng môn đồ đều sửng sốt rụng rời, tưởng thấy thần. 38 Ngài phán rằng: Sao các ngươi bối rối, và sao trong lòng các ngươi nghi làm vậy? 39 Hãy xem tay chân ta: Thật chính ta. Hãy rờ đến ta, và hãy xem; thần thì không có thịt xương, mà các ngươi thấy ta có. 40 Đương phán vậy, Ngài giơ tay và chân ra cho xem”(Lu 24:36).
Cũng vậy, như những gì Chúa Giê-su đã công bố, thánh Phao-lô tiếp tục làm sáng tỏ hơn nữa về bản tánh Thiên Chúa : “15 Đấng sẽ cho Đức Ki-tô tỏ hiện vào đúng thời đúng buổi, là Chúa Tể vạn phúc vô song, là Vua các vua, Chúa các chúa. 16 Chỉ mình Người là Đấng trường sinh bất tử, ngự trong ánh sáng siêu phàm, Đấng không một người nào đã thấy hay có thể thấy. Kính dâng Người danh dự và uy quyền đến muôn đời. A-men.”(I Ti 6:16)
Kinh thánh tân ước thì nói về bản chất của Thiên Chúa như vậy. Thế nhưng, trong thời cựu ước kinh thánh lại nói về cách thức “gặp gỡ” giữa Môi-se và Thiên Chúa dường như khác đi. Chúng ta xem xét các trích đoạn sau:
Xh 33:11   11 ĐỨC CHÚA đàm đạo với ông Mô-sê, mặt giáp mặt, như hai người bạn với nhau. Rồi ông Mô-sê trở về trại; nhưng phụ tá của ông là chàng thanh niên Giô-suê, con ông Nun, thì cứ ở trong Lều, không rời khỏi đó.
Đệ nhị luật, Phục 34:10   10 Trong Ít-ra-en, không còn xuất hiện một ngôn sứ nào như ông Mô-sê, người mà ĐỨC CHÚA biết rõ, mặt giáp mặt.
Xh 33:18   18 Ông Mô-sê nói : “Xin Ngài thương cho con được thấy vinh quang của Ngài.” 19 Người phán : “Ta sẽ cho tất cả vẻ đẹp của Ta đi qua trước mặt ngươi, và sẽ xưng danh Ta là ĐỨC CHÚA trước mặt ngươi. Ta thương ai thì thương, xót ai thì xót.” 20 Người phán: “Ngươi không thể xem thấy tôn nhan Ta, vì con người không thể thấy Ta mà vẫn sống.” 21 ĐỨC CHÚA còn phán : “Đây là chỗ gần Ta; ngươi sẽ đứng trên tảng đá. 22 Khi vinh quang của Ta đi qua, Ta sẽ đặt ngươi vào trong hốc đá, và lấy bàn tay che ngươi cho đến khi Ta đã đi qua. 23 Rồi Ta sẽ rút tay lại, và ngươi sẽ xem thấy lưng Ta, còn tôn nhan Ta thì không được thấy.”
Thiên Chúa là thần linh siêu việt và nội dung trong các trích đoạn kinh thánh cựu ước nêu trên nói về Thiên Chúa chỉ là cách nói như nhân; đồng thời, với cách nói đó, các trước giả, chỉ có ý diễn tả sự thân mật giữa Thiên Chúa với “tôi tớ”, “bạn hữu” của Ngài (He 3:5. Gioan 15:15). Vì thế, người đọc chớ vội hiểu theo nghĩa đen!
Nhưng nếu hiểu theo nghĩa đen, Lời Chúa trong cựu ước đối với trường hợp cuộc diện kiến như đã nêu ở trên, giữa ông Môi-se và Thiên Chúa, thì có nghĩa Môi-se; ít ra, đã thấy được lưng của Thiên Chúa và tỏ tường hơn: “mặt giáp mặt”! (Xh 33:11. 33:18). Trái ngược với thời cựu ước, thánh Phao-lo lại khẳng định trong tân ước rằng, chưa ai đã thấy hoặc có thể thấy được Thiên Chúa! (I Ti 6:16). Nếu thế, lời bởi Thiên Chúa toàn năng lại mâu thuẫn sao? Mà đã mâu thuẫn, lời Thiên Chúa tự minh chứng về chính Ngài là đấng bất toàn ! Xin thưa, không… không phải như vậy ! Qua hai cách viết; một trong sách cựu ước Xh 33:11. 33:18; và hai trong sách tân ước I Ti 6:16 kinh thánh chỉ muốn nói với người đọc về một Thiên Chúa siêu việt mà trí khôn hữu hạn loài người không thể đạt đáo, vì đơn giản, người đọc không thể hiểu về Ngài theo nghĩa đen hoặc hình bóng khi không ở trong Ngài. Thánh Gioan (sứ đồ Giăng) chắc đã từng phải cắt nghĩa cho người nghe lời rao giảng về Thiên Chúa và ông đã đưa ra một lời dạy dỗ thực tế đúng với chân lý bởi Đức Chúa Trời cho họ như  sau: 2 Anh em thân mến, hiện giờ chúng ta là con Thiên Chúa; nhưng chúng ta sẽ như thế nào, điều ấy chưa được bày tỏ. Chúng ta biết rằng khi Đức Ki-tô xuất hiện, chúng ta sẽ nên giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy (I Gio 3:2). Cách tốt nhất cho chúng ta hôm nay cũng nên lấy đó làm nền tảng để được hiểu biết về Thiên Chúa – Đấng siêu việt.
Ngoài ra, ngày nay, có rất nhiều cá nhân tổ chức công bố và hướng dẫn cho nhiều người về Thiên Chúa về Thượng đế. Rằng Ngài cũng giống như hình dạng loài người với nước da vàng vàng[1], – hoặc Thiên Chúa cũng có Đức Chúa Trời Cha, Đức Chúa Trời “mẹ” – và Ngài đã xuống thế lần thứ hai với hình dạng là một người hàn quốc[2]  – Một thanh niên khác ở Úc châu tự nhận mình chính là Đức Chúa Giê-su tái lâm và bạn gái của anh ta là Madalena; thanh niên này đang dạy dỗ cho người khác các nhận biết về Thiên Chúa bằng cách: tập trung tư tưởng để có thể nhận biết về Ngài!
Đó là chuyện của con người với giáo huấn để nhận biết sự hiện diện Đức Chúa Trời theo cách của họ. Thế nhưng bây giờ chúng ta thử xem kinh thánh nói về sự nhận biết Thiên Chúa hiện diện theo cách của Ngài và xem có khác biệt với những gì mà giáo huấn của các cá nhân và tổ chức tôn giáo nêu trên và nhiều tổ chức khác nữa công bố. Một nguyên tắc nền tảng mà kinh thánh chi ra cho những ai muốn nhận biết về sự hiện diện Đức Chúa Trời  đã được công bố như sau: “21 Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy. Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy.22 Ông Giu-đa, không phải Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, nói với Đức Giê-su : “Thưa Thầy, tại sao Thầy phải tỏ mình ra cho chúng con, mà không tỏ mình ra cho thế gian ?” 23 Đức Giê-su đáp : “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy” (Gioan 14:21-23); thêm nữa, thánh Gioan viết trong thư thứ nhất câu hai mươi bốn : 24 Ai tuân giữ các điều răn của Thiên Chúa thì ở lại trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở lại trong người ấy. Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được Thiên Chúa ở lại trong chúng ta, đó là nhờ Thần Khí, Thần Khí Người đã ban cho chúng ta” . Như những gì kinh thánh công bố trong hai trích đoạn nêu trên (Gioan 14:21-23. I Gioan 3:24). Ai đó thực hiện theo chân lý được công bố trong hai trích đoạn đó; tức là tuân giữ mọi lời Chúa Giê-su dạy lập tức nhận biết được Ngài theo cách của Ngài vì bản chất Ngài là thần linh siêu việt (Gioan 4:23-24).
Chúng ta hãy cùng thử theo cách của Thiên Chúa dạy để nhận biết về Ngài, cũng như về cách Ngài hiện diện như thế nào nhé !

Ví dụ 02:  Thiên Chúa Yêu thương và chậm giận
Có nhiều khi chúng ta tự hỏi, Thiên Chúa yêu thương, nhưng sao Ngài lại để xảy ra trong xã hội loài người quá nhiều bất công. Một nhân vật nào đó cũng đã phát biểu rằng: “ Định luật không đổi thay là kẻ yếu luôn phục tùng kẻ mạnh”.
Thật thế, nếu chỉ nhìn vào hiện tượng theo quy luật nhân quả: “gieo gió thì ắt phải gặt bão”; nghĩa là, với những gì đã và đang diễn ra và chỉ dừng tại đó, thực sự, khi đối chiếu với kinh thánh chúng ta khó có giải thích nào cho hợp lẽ, vì nó luôn đi ngược lại những gì mà lời Thiên Chúa công bố về tình yêu của Ngài nơi loài người. Nhưng nếu bình tâm truy nguyên nguồn gốc theo tất cả những gì lời Chúa công bố trong kinh thánh, chúng ta sẽ nhận thấy những bất ổn chất chứa đầy những đau thương đã và đang diễn ra trong toàn bộ lịch sử loài người đều có nguyên nhân chính yếu. Đồng thời, qua đó chúng ta cũng nhận thấy cả một kế hoạch đã được trù liệu sẵn bởi Thiên Chúa đã và đang tiến hành ngay trong lịch sử đầy đau thương đó nhằm kết thúc nguyên nhân gây ra và cũng để hoàn thành kế hoạch đã được trù liệu hầu cho loài người được hạnh phúc thật là gia nghiệp. Một trong những công việc nhằm cứu độ loài người là Chúa Giê-su đã được sai xuống thế để chịu chết thay cho cả nhân loại đang trong tình trạng chết về tâm linh và cả thể xác : 13 Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống. 14 Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, 15 để ai tin vào Người thì được sống muôn đời. 16 Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. 17 Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ (Gioan 3:13-17).
Khác với tất cả các giáo lý thuộc tôn giáo loài người nói về sự chết. Tôn giáo loài người dạy rằng : sau khi chết thì “linh hồn” về với ông bà tổ tiên hoặc lên cõi nào đó. Người không có tôn giáo thì căn cứ vào hiện tượng: có sống ắt phải có chết và đưa ra kết luận: sự chết là một phần của cuộc sống. Ngược lại tất cả, kinh thánh công bố: “chết là bụi đất trở sề bụi đất” và đây là điều không có trong kế hoạch của Thiên Chúa. Nguyên nhân chính yếu gây ra là bởi Sa-tan và cả nơi Adam. Adam ban đầu đã hưởng ứng theo cách sống của Sa-tan để khiến cho loài người mọi thời đại sau ông phải nếm mọi mùi bất hạnh và bất hạnh sau cùng là sự chết.
Chúa Gie-su đã bỏ Ngai trời (Philip 2:6-8) nhập thể làm người giống như loài người, ngoài trừ tội lỗi, để xứng đáng làm của tế lễ vẹn toàn thay cho loài người hầu cứu họ ra khỏi mọi bất hạnh. Đây là chương trình cứu độ phổ quát dành cho mọi người không phân biệt.
Tại sao Chúa Giê-su lại phải chịu chết thay cho cả loài người ? Thưa vì họ là tác phẩm của Ngài; hơn thế nữa họ là mỗi ngôi vị và chỉ được sáng tạo duy nhất có một lần. Nếu Chúa Giê-su là NGƯỜI trực tiếp sáng tạo ra họ không chịu chết thay, thì không một ai có thể tự mình sống lại hoặc đi đây đó với một thành phần thiêng liêng là “linh hồn” như các giáo lý của loài người suy luận. Mỗi cá nhân chỉ được sáng tạo duy nhất có một, và vì liên đới với Adam nên đều phải chết – Chúa Giê-su là Thiên Chúa phải nhập thể để chết thay hầu cho họ được sống lại – Đây chính là một trong những bằng chứng về tình yêu của Thiên Chúa dành cho cả loài người.

 Chương trình cứu độ phổ quát đã được thực hiện xong cách đây hai ngàn năm và hiện đang được loan báo cho mọi người khắp mọi nơi trên đất được biết. Khi ấy, Thiên Chúa sẽ kết thúc tất cả những gì liên đới với nguyên nhân đầu tiên là Sa-tan và Adam đã gây ra bất hạnh và sự chết; để sau cùng những ai được nghe tin vui cứu độ và tự do lựa chọn kế hoạch cứu độ phổ quát đã được thực hiện cách đây hai ngàn năm, họ sẽ được sống trong hạnh phúc vĩnh viễn ngay trên đất hôm nay trong một thân thể mới sau khi được Thiên Chúa làm cho sống lại (Kh 5:9-10). Chương trình cứu độ là tin vui đang được loan báo khắp đất thưc sự nói lên tình yêu Thiên Chúa khi Ngài đối xử với Adam và loài người sau ông. Đó chính là sự chậm giận và đầy ơn của Thiên Chúa nơi loài người khi sự vi phạm của Adam cũng như của loài người đã đang gây ra bao hậu quả mà lịch sử loài người đang gánh chịu.

Ví dụ 03: Đức Chúa Trời hối hận
ISa 15:11   11 Ta hối hận vì đã lập Sau-lơ làm vua; bởi người đã xây bỏ ta, không làm theo lời ta. Sa-mu-ên buồn rầu, kêu cầu cùng Đức Giê-hô-va trọn đêm.
IISa 24:16   16 Thiên sứ giơ tay ra trên Giê-ru-sa-lem đặng hại nó; song Đức Giê-hô-va hối hận về tai họa ấy, bèn phán cùng thiên sứ hành hại dân sự rằng: Thôi! Bây giờ hãy rút tay ngươi lại.
Hai trích đoạn nêu trên người đọc không am tường về bản tánh Đức Chúa Trời sẽ hiểu theo nghĩa mặt chữ. Một Đức Chúa Trời mà hối hận thì đâu còn là Đức Chúa Trời nữa! đây chỉ là cách nói cách viết giống như tình cảm con người hữu hạn. kinh thánh đã công bố về bản tánh Đức Chúa Trời sau đây liên quan về vấn đề hai trích đoạn nêu trên:
Dan 23:19   19 Thiên Chúa không phải là phàm nhân mà gian ngoa được, cũng chẳng là con người mà phải hối hận. Phải chăng Người nói mà không làm ? Hay Người phán mà không thực hiện ?

Ví dụ 04: Đức Chúa Trời yêu thương
Phục, Đệ nhị 14:21   21 Anh em không được ăn mọi con vật chết, mà hãy cho ngoại kiều ở trong các thành của anh (em) để họ ăn, hoặc hãy bán cho người nước ngoài, vì anh (em) là một dân thánh hiến cho ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em).
Đức Chúa Trời là Đấng yêu thương làm sao Ngài lại có thể dạy dân Ngài như trên nếu chỉ hiểu theo ý nghĩa vệ sinh thường thức! Không phải vậy! Ý nghĩa của trích đoạn trên nó mang ý nghĩa hình bóng chỉ về một giáo huấn quan trọng liên quan đến đời sống thuộc linh của con người khi họ nhận biết Đức Chúa Trời; mặc dầu thời cựu ước dân Chúa vẫn phải thực hành đúng như vậy. Nội dung sách Đệ nhị luật (Phục) nêu trên ngoài ý nghĩa cụ thể đối với dân Chúa thời cựu ước mà nó còn mang ý nghĩa dự phóng dành cho người nhận biết Đức Chúa Trời sẽ nhận được chỉ dẫn về thực phẩm thanh sạch còn người không nhận biết hoặc chưa sẽ dùng thực phẩm không phù hợp với phẩm vị của người nhận biết Đức Chúa Trời.[3]

3.      Thánh linh Đức Chúa Trời
Thánh linh là yếu tố hàng đầu trong việc giải kinh, các tông đồ hay sứ đồ nếu không nhận được Thánh linh thì các Ngài sẽ chẳng thể nào công khai đi truyền giảng tin mừng cho mọi dân mọi nước và cũng chẳng thể nào có các giáo huấn thành văn mà ngày hôm nay chúng ta gọi là tân ước; đồng thời đây chính là hình thức tông truyền khả tín xác đáng duy nhất (Gioan, Giăng 14:26).
Ngày hôm nay cũng vậy, Đức Chúa Trời là Đấng không hề thay đổi, việc các sứ đồ (tông đồ) nhận được Thánh linh để thi hành sứ vụ được chính Đức Chúa Giê-su trao phó như thế nào thì người tin kính Đức Chúa Trời ngày hôm nay cũng sẽ nhận được Thánh linh của Ngài thể ấy. Bởi lẽ nếu không nhận được Thánh linh người tin kính sẽ không thể nào hiểu được lời dạy trong kinh thánh đúng như lời Đức Chúa Trời đã công bố và đã giải nghĩa. Thánh linh sẽ giúp cho người tinh kính yêu mến kinh thánh và giúp cho họ hiểu được các lời đã giải nghĩa và cả năng lực thi hành lời đã hiểu biết.
Yếu tố giềng mối hay tổng cộng (căn Nguyên) và cả sự hòa hợp chỉ đưa ra các dữ kiện làm sáng tỏ cho các trích đoạn kinh thánh và cho người đọc nhận thấy kinh thánh đã được Đức Chúa Trời giải giải nghĩa; tất cả, chỉ là tri thức kinh thánh mà thôi và phải cần đến yếu tố quan trọng là Thánh linh Đức Chúa Trời, tức là sự sống thật để dẫn dắt người tin kính khi đọc học và cả thi hành lời hằng sống.

Kết thúc
Rất nhiều vấn đề khác nữa trong toàn bộ kinh thánh như bối cảnh kinh thánh tường thuật, văn hóa người I-ra-el, và các luật lệ làm hình bóng đã được kiện toàn có liên hệ đến sự giải nghĩa kinh thánh. Nhưng chúng tôi nhấn mạnh rằng không phải ai đọc cũng được hiểu; ngoại trừ người ấy được tái sanh và được nên thánh, khi ấy, Đức-Chúa-Trời theo thánh ý, Ngài sẽ khải thị cho những điều đã được khải thị trong kinh thánh theo mục đích riêng Ngài (Co 3:1-10).
Lời Đức-Chúa-Trời đã được chính Ngài công bố và cũng chính Ngài đã giải nghĩa, cho nên thánh Phê-ro (sứ đồ Phi-e-rơ) đã xác tín và viết một cách chắc chắn như sau: 20 Nhất là anh em phải biết điều này : không ai được tự tiện giải thích một lời ngôn sứ nào trong Sách Thánh. 21 Quả vậy, lời ngôn sứ không bao giờ lại do ý muốn người phàm, nhưng chính nhờ Thánh Thần thúc đẩy mà có những người đã nói theo lệnh của Thiên Chúa.” (II Phê-ro, Phi-e-rơ 1:20-22).
Cũng có giáo hội cho rằng họ được trao cho quyền giải nghĩa kinh thánh! Nói rằng được trao cho quyền giải nghĩa là hoàn toàn sai vì Kinh thánh đã được Đức-Chúa-Trời giải nghĩa rồi!
Nhưng nếu là giáo hội đích thực bởi Đức-Chúa-Trời thiết lập, giáo hội đó chỉ có một nhiệm vụ chính yếu là công bố lời Chúa và các lời đã được giải nghĩa mà không được thêm hoặc bớt điều gì ngoài kinh thánh và đây chính là hình thức tông truyền khả tín xác đáng duy nhất có lời bảo chứng bởi Đức Chúa Trời (Gioan, Giăng 14:26). Ngoài ra, đối với những lời dạy bảo khác kể cả các lời dạy không được ghi chép trong kinh thánh song nhất định những lời ấy hoàn toàn không được đi ngược lại với những gì Đức-Chúa-Trời đã công bố. Giáo hội nào trung tín như vậy giáo hội đó mới thực sự là HỘI THÁNH của Đức Chúa Trời – Một hội thánh không tì vết là trụ và nền của chân lý (chân lý hay lẽ thật là lời Chúa. Mt 28:20; I Ti 3:15; I Co 4:6).
Sau cùng các lời giải nghĩa chỉ bởi sự giềng mối hay tổng cộng lời Đức Chúa Trời vẫn thực sự phiến diện, nó cần đến sự hòa hợp của nội dung được giải nghĩa với toàn bộ luận lý của kinh thánh; đồng thời bản tánh Đức Chúa Trời phải được tôn trọng trong các trích đoạn được viết theo lối viết “như nhân”; có như vậy,  nội dung được giải nghĩa thêm phần chắc chắn đúng với ý định Đức Chúa Trời! Nhưng nội dung đó cho dù được giải nghĩa đúng như thánh ý Chúa vẫn không có giá trị thực tiễn vì người đọc chỉ nhận biết về phần hồn tức là phần tri thức kinh thánh mà thôi, họ không có năng lực để thực hành. Sự giải nghĩ hoàn hảo toàn diện để người đọc nhận thức được cả về phương diện tri thức và tâm linh với sự thực hành rất cần đến yếu tố sự sống thiên thượng là Thánh linh của Đức Chúa Trời. Một hình thức giải nghĩa thiếu Thánh linh chỉ là hình thức chết vì nó chỉ thuần túy là tri thức mà không có sự cảm thúc của Thánh linh Đức Chúa Trời để nhận diện được sự sống động trong bản văn và sự liên hệ hòa hợp mầu nhiện của lời Đức Chúa Trời (II Co 3:6).

Vấn đề cần quan tâm
1.      Kinh thánh là sách gì, Ai là tác giả?
2.      Kinh thánh đã được giải nghĩa chưa và ai có thể giải nghĩa được kinh thánh?
3.      Các giải nghĩa về kinh thánh được ghi chép ở đâu bởi ai cảm thúc?
4.      Các giải nghĩa trọn vẹn trong một trích đoạn hay nằm rải rắc trong toàn bộ kinh thánh theo từng bối cảnh?
5.      Nêu các yếu tố cần thiết trong việc giải nghĩa kinh thánh?
6.      Yếu tố nào quan trọng và cần thiết nhất không thể thiếu trong việc đọc học kinh thánh ?
7.      Tri thức kinh thánh bao gồm các yếu tố nào và giá trị?
8.      Giải thích và cho biết giá trị về ý nghĩa của: giềng mối hay tổng cộng lời Đức Chúa Trời ?
9.      Giải thích và cho biết về giá trị và ý nghĩa của sự hòa hợp trong kinh thánh ?
10.  Nếu chỉ thuần túy áp dụng yếu tố “giềng mối” để giải nghĩa kinh thánh người học sẽ gặp phải khó khăn nào?



[1] Rael. Thông điệp ngoài trái đất. Truy Cập Ngày 29805/2015 Tại: http://vi.rael.org/download.php?view.49
[2] An xang Hồng. Hội thánh Đức Chúa Trời. Hiệp Hội Truyền Giáo Tin Lành Thế Giới. Nam hàn. Truy cập ngày 12/12/2015 Tại: http://vn.watv.org/
[3] Để hiểu rõ vấn đề thực phẩm thanh sạch và không xin đọc bài viết về “Bí tích Thánh thể theo kinh thánh”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét