Chúng ta có một Đức-Chúa-Trời hằng sống và Ngài không hề thay đổi những gì đã hứa. Trong thời cựu ước Ngài hứa với những ai tìm kiếm hết lòng kẻ ấy sẽ gặp được Ngài (Gie 29:13; Phục, Đệ nhị luật 4:29); thời tân ước cũng vậy ngài hứa với những ai khao khát lẽ công chính (lời chân lý) những người ấy sẽ được no đủ (Mat 5:6). Cũng một lẽ ấy các trích đoạn kinh thánh làm ví dụ sau đây sẽ minh chứng cho việc Đức-Chúa-Trời công bố kinh thánh và chính Ngài đã giải nghĩa.1. Cây sự sống (cây trường sinh) và con đường dẫn đến cây sự sống:
Sau khi Adam, ông công khai chối bỏ sự hiện diện của Đức-Chúa-Trời trong tâm hồn; tình trạng đó, được kinh thánh tiêu biểu bằng hình ảnh: “con đường” dẫn đến “cây sự sống” (trường sinh) bị đóng lại. Chúng ta đọc lời Chúa nói về việc đó: “24 Người trục xuất con người, và ở phía đông vườn Ê-đen, Người đặt các thần hộ giá với lưỡi gươm sáng loé, để canh giữ đường đến cây trường sinh. (St 3:24). Đa số các nhà giải kinh đều giải thích về “cây sự sống”, và bối cảnh Adam bị trục xuất theo nghĩa đen; nhưng ý nghĩa đích thực được tiêu biểu qua hình ảnh“cây sự sống hay cây trường sinh”, chính là biểu tượng chỉ về Đức-Chúa-Trời; và việc bị trục xuất chính là tình trạng không có Đức-Chúa-Trời hiện diện trong tâm hồn. “Cây sự sống hay cây trường sinh” được lời Chúa giải nghĩa một cách sâu nhiệm trong sách Do-thái (Hebrew) như sau: “19 Vậy, thưa anh em, nhờ máu Đức Giê-su đã đổ ra, chúng ta được mạnh dạn bước vào cung thánh. 20 Người đã mở cho chúng ta một con đường mới và sống động qua bức màn, tức là chính thân xác của Người.” (Dt, He 10:19-20). Cũng cùng một cách giải nghĩa đó sách tin mừng Mat-thêu (Ma-thi-ơ) viết như sau: “50 Đức Giê-su lại kêu một tiếng lớn, rồi trút linh hồn. 51 Ngay lúc đó, bức màn trướng trong Đền Thờ xé ra làm hai từ trên xuống dưới. Đất rung đá vỡ.” (Mat 27:50-51). Qua hai trích đoạn kinh thánh nêu trên cho chúng ta ý nghĩa đích thực của “cây sự sống hay cây trường sinh” cũng như con đường có các Che-ru-bim với lưỡi gươm sáng lòa như sau: Khi Adam tự ý đi theo đường riêng bỏ qua thánh chỉ của Đức-Chúa-Trời; điều đó, được kinh thánh tiểu biểu như là việc ông bị đuổi ra khỏi Eden. Kế tiếp, các Che-ru-bim canh giữ đường đến với “cây sự sống hay cây trường sinh”. Canh giữ là hình ảnh tiêu biểu cho việc tự sức con người không thể nào làm nên công chính được và chỉ sau khi Đức-Chúa-Giê-su gánh tội, chịu chết thay, thì con đường đến với cây sự sống mới được mở ra. Kinh thánh tiêu biểu cho việc này chính là bức màn trong đền thờ xé ra làm hai khi Ngài tắt thở.
2. “Đức-Chúa-Trời nghỉ ngơi vào ngày thứ bảy”
Sau khi hoàn thành công cuộc sáng thế trong chương hai sách Sáng thế và chương 31 sách Xuất hành viết: “1 Thế là trời đất cùng với mọi thành phần đã hoàn tất. 2 Ngày thứ bảy, Thiên Chúa đã hoàn thành công việc Người làm. Khi làm xong mọi công việc của Người, ngày thứ bảy, Thiên Chúa nghỉ ngơi.” (St 2:1-2). Sách xuất hành viết: “17 Đó là một dấu hiệu vĩnh viễn giữa Ta và con cái Ít-ra-en ; vì trong sáu ngày ĐỨC CHÚA đã dựng nên trời đất, nhưng ngày thứ bảy Người đã ngưng các việc và nghỉ xả hơi.” (Xh 31:17). Đa số các nhà giải kinh đều hiểu theo nghĩa đen về ý nghĩa của sáu ngày sáng tạo cũng như sự nghỉ ngơi chỉ thuần túy về phần xác (thuộc thể). Nhưng ý nghĩa sâu nhiệm của hai câu này lại khác biệt, nó hàm chứa sự “làm việc” của Đức-Chúa-Trời và Đức-Chúa Giê-su nơi mỗi cá nhân bất luận ai tin để Đức-Chúa-Trời làm cho họ trở nên đền thờ tinh tuyền để Ngài cư ngụ! Chúng ta thấy gì khi Chúa Giê-su tuyên bố: “Cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc.” Xin đọc tin mừng Gioan, Giăng “15 Anh ta đi nói với người Do-thái : Đức Giê-su là người đã chữa anh khỏi bệnh. 16 Do đó, người Do-thái chống đối Đức Giê-su, vì Người hay chữa bệnh ngày sa-bát. 17 Nhưng Đức Giê-su đáp lại : “Cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc.”(Gioan, Giăng 5:17).
Sách Sáng thế và sách Xuất hành nói về việc Đức-Chúa-Trời “nghỉ ngơi” sau khi Ngài sáng tạo chỉ là cách nói mang ý nghĩa thuộc linh (Thiêng liêng) nó chính là sự dự phóng cho công trình của Đức-Chúa-Trời nơi nhân loại sau Adam; nghĩa là Ngài sẽ cứu chuộc họ ra khỏi sự chết, làm cho họ nên thánh khiết để trở thành đền thờ nơi Ngài cư ngụ. Sự cư ngụ của Đức-Chúa-Trời nơi con người sau khi được tái sanh, được làm cho nên thánh chính là sự “yên nghỉ” của Đức-Chúa-Trời mà hai sách Sáng thế và Xuất hành đề cập đến (St 2:1-2; Xh 31:17).
Tại sao, thánh Phao-lo (sứ đồ Phao-lô), thánh sử Mat-thêu (Ma-thi-ơ) và các tôi tớ của Đức-Chúa-Trời ở mọi thời đại lại có thể hiểu và viết để giải nghĩa như thế?
Câu trả lời được chính Chúa Giê-su công bố sau đây: “13 Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến.” (Gioan, Giăng 16:13).
3. Chân lý là chính lời dạy của Đức-Chúa-Trời
Qua bối cảnh cuộc gặp gỡ giữa Đức-Chúa-Giê-su với người phụ nữ Sa-ma-ri, Đức-Chúa-Giê-su, Ngài đã công bố cho những ai tin một phương cách về sự thờ phượng đích thực, đó là phải nhờ: Thần khí và chân lý. Xin đọc lời Đức-Chúa-Trời sau đây: “23 Nhưng giờ đã đến -và chính là lúc này đây- giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế.” (Gioan, Giăng 4:23). Vậy sự thật là gì và ai là người sở hữu sự thật? Lời Đức-Chúa-Trời trong tin mừng Gioan (Giăng) đã giải nghĩa như sau về sự thật và người sở hữu. Xin đọc: “17 Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật. 18 Như Cha đã sai con đến thế gian, thì con cũng sai họ đến thế gian. 19 Vì họ, con xin thánh hiến chính mình con, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến.(Gioan, Giăng 17:17-19).
Rất nhiều sự giải nghĩa khác nữa trong toàn bộ kinh thánh nhưng chúng tôi nhấn mạnh rằng không phải ai đọc cũng được hiểu; ngoại trừ người ấy được tái sanh và được nên thánh người ấy mới được Đức-Chúa-Trời khải thị cho những điều đã được khải thị trong kinh thánh.
Lời Đức-Chúa-Trời đã được chính Ngài công bố và cũng chính Ngài đã giải nghĩa cho nên thánh Phê-ro (sứ đồ Phi-e-rơ) đã viết như sau: “19 Như vậy chúng tôi lại càng thêm tin tưởng vào lời các ngôn sứ. Anh em chú tâm vào đó là phải, vì lời ấy như chiếc đèn tỏ rạng giữa chốn tối tăm, cho đến khi ngày bừng sáng và sao mai mọc lên soi chiếu tâm hồn anh em. 20 Nhất là anh em phải biết điều này : không ai được tự tiện giải thích một lời ngôn sứ nào trong Sách Thánh. 21 Quả vậy, lời ngôn sứ không bao giờ lại do ý muốn người phàm, nhưng chính nhờ Thánh Thần thúc đẩy mà có những người đã nói theo lệnh của Thiên Chúa.” (II Phê-ro, Phi-e-rơ 1:20-22).
Kinh thưa quý vị, có giáo hội cho rằng họ được trao cho quyền giải nghĩa kinh thánh! Nói rằng được trao cho quyền giải nghĩa là hoàn toàn sai vì Kinh thánh đã được giải nghĩa rồi!
Nếu là giáo hội đích thực bởi Đức-Chúa-Trời thiết lập giáo hội đó chỉ có một nhiệm vụ chính yếu là công bố lời Chúa và các lời đã được giải nghĩa mà không được thêm hoặc bớt điều gì ngoài kinh thánh; kể cả các lời dạy khác không được ghi chép trong kinh thánh song nhất định những lời ấy hoàn toàn không đi ngược lại với những gì Đức-Chúa-Trời đã công bố. Giáo hội nào trung tín như vậy giáo hội đó mới thực là hội thánh không tì vết và là trụ là nền của lẽ thật (lời Chúa) (Mt 28:20; I Ti 3:15; I Co 4:6).
Tưởng cũng nên biết rằng, kinh thánh có ba cấp độ hiểu biết; cấp độ một là dành cho hết thảy mọi người không phân biệt tất cả khi đã đọc đều hiểu rằng kinh thánh công bố về một Đức-Chúa-Trời duy nhất toàn năng là Đấng sáng tạo mọi loài và Ngài có kế hoạch từ đời cho mọi loài thọ tạo trong đó có công trình cứu chuộc nhân loại thực hiện qua Đức-Chúa-Giê-su; cấp độ này người đọc hiểu theo ý nghĩa của mặt chữ; cấp độ hai là dành cho người được tái sanh, khi những người này đọc kinh thánh họ được ban cho hiểu cao hơn nhận biết được ý nghĩa sâu nhiệm ẩn chứa sau mặt chữ;cấp độ ba là người sau khi được thánh hóa tiến đến giai đoạn vinh hiển hóa những người này mới hiểu được các lời tiên tri về hội thánh về tình trạng sau cùng của nhân loại qua các biến cố.
Kính trong Đức-Chúa-Giê-su Ki-tô (Christ)
Lê văn Bình
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét