Thứ Sáu, 6 tháng 12, 2013

SÁNG THẾ CHƯƠNG HAI - HAI CÂY LÀM BIỂU TƯỢNG

  
"Cây sự sống, trái của cây sự sống, lá của cây sự sống đều là những biểu tượng chỉ về Đức Chúa Trời. Và duy nhất chỉ ở nơi Ngài mới có sự sống để ban cho các tạo vật - chỉ duy nhất nơi Ngài mới có sự chữa lành - chỉ duy nhất nói Ngài mới có phước lành để ban cho các tạo vật."




Sáng thế 2:9 “9 Giê-hô-va Đức Chúa Trời khiến đất mọc lên các thứ cây đẹp mắt,và trái thì ăn ngon; giữa vườn lại có cây sự sống cùng cây biết điều thiện và điều ác”.

Nếu không có sách Khải huyền – sách khải thị nhiều mầu nhiệm về kế hoạch của Thiên Chúa; trong đó, có sự chung kết về lịch sử loài người được công bố, thì, chúng ta không thể thấu hiểu được ý nghĩa thực sự của hai cây : “cây sự sống (cây trường sinh), và cây cho biết điều thiện-ác” được trồng ở giữa vườn.
Sách Khải huyền khải thị cho biết tình trạng loài người trong trời mới, đất mới : 1 Thiên sứ chỉ cho tôi xem sông nước sự sống, trong như lưu ly, từ ngôi Đức Chúa Trời và Chiên Con chảy ra. 2 Ở giữa phố thành và trên hai bờ sông có cây sự sống trổ mười hai mùa, mỗi tháng một lần ra trái; và những lá cây đó dùng để chữa lành cho các dân. 3 Chẳng còn có sự nguyền rủa nữa; ngôi của Đức Chúa Trời và Chiên Con sẽ ở trong thành; các tôi tớ Ngài sẽ hầu hạ Ngài; 4 chúng sẽ được thấy mặt Chúa, và danh Chúa sẽ ở trên trán mình. Đêm không còn có nữa, 5 và chúng sẽ không cần đến ánh sáng đèn hay ánh sáng mặt trời, vì Chúa là Đức Chúa Trời sẽ soi sáng cho; và chúng sẽ trị vì đời đời.” (Kh 22:1-5)
Thành thánh Giê-ru-sa-lem từ trời xuống tượng trưng cho hội thánh Chúa hay dân thánh, mà Chúa là trung tâm của thành thánh đó. “16 Thành làm kiểu vuông và bề dài cùng bề ngang bằng nhau. Thiên sứ đo thành bằng cây sậy : Thành được một vạn hai ngàn ếch-ta-đơ; bề dài, bề ngang, và bề cao cũng bằng nhau. 17 Người lại đo tường thành: Được một trăm bốn mươi bốn cu-đê[1], là thước đo của loài người, và cũng là thước đo của thiên sứ”(Kh 21:16-17). Kích cỡ của thành thánh từ trời xuống là biểu tượng cho chúng ta biết về số lượng cũng như tình trạng của loài người mà Chúa ấn định trong trời mới đất mới : 30 Vì đến khi sống lại, người ta không cưới vợ, cũng không lấy chồng, song những kẻ sống lại là như thiên sứ trên trời vậy (Mat 22:30. Mac 12:25).
Trong trời mới đất mới, Thiên-Chúa sẽ ngự trị ngay trong lòng mỗi người một cách sống động mật thiết. Quá khứ đã cho họ biết cần phải toàn tâm toàn ý đi theo mọi thánh chỉ của Chúa. Những thất bại dẫn đến mọi bất hạnh, do sự chọn lựa đi theo ý riêng trong trời đất còn liên đới tới Adam, đủ cho họ rút ra những bài học đáng giá để không còn tự bước đi theo những cảm xúc bất chánh (St 4:7)
Sách tin lành Gioan (Giăng) đoạn 4 câu 14 14 nhưng uống nước ta sẽ cho, thì chẳng hề khát nữa. Nước ta cho sẽ thành một mạch nước trong người đó, văng ra cho đến sự sống đời đời” đã xa-gần dạy cho những ai trung tín trong đường lối Chúa một hình ảnh sống động về sông nước sự sống mà trích đoạn 22 câu 1 đến câu 4 trong sách Khải huyền nêu trên trình bày.
Mỗi người, khi được Chúa xét (Lu 20:34-36) là xứng đáng được hưởng sự sống đời đời, thì, Ngai của Chúa Cha - Chúa Con sẽ ngự trị trong tâm hồn và Thần Chúa được biểu tượng là sông nước sự sống sẽ tuôn tràn trong tâm hồn họ (Gioan, Giăng 7:37). Họ được nhận biết Chúa và biết đi theo đường lối Ngài mà không còn tự ý riêng bất cần đến Chúa như xưa nữa. Trung tâm đời sống họ hay trong tấm lòng họ chỉ còn tồn tại cây sự sống là biểu tượng chỉ về Thiên-Chúa Cha, Chúa Con và Thần của Thiên-Chúa.
Eden xưa, nơi Thiên-Chúa ở với Adam cũng vậy. Trong lòng ông luôn tồn tại hai sự lựa chọn một là thỏa mãn ý riêng mình hai là bỏ ý riêng mà thỏa mãn yêu cầu của Chúa để được sống đời đời. Cả hai điều đó kinh thánh biểu tượng bằng hai cây : cây “sự sống” và cây “cho biết điều thiện ác”.

"Cây sự sống" và “cây cho biết điều thiện, điều ác”chỉ là biểu tượng ?
Có chủ trương đọc kinh thánh mà không cần xem xét về ý nghĩa hòa hợp của bản văn, cũng như cách trình bày của bản văn muốn nói điều gì qua các hình ảnh, mầu sắc, con số v.v... Chủ trương này cho rằng cứ đọc sao hiểu vậy. Chúng ta lấy ví dụ sau để xem xét chủ trương trên có thực đúng như vậy hay không ?

Ví dụ 01 : St 2:7  “ 7 GIA-VÊ là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật.”
Chủ trương đọc sao hiểu vậy, đối với trích đoạn St 2:7 nêu trên, có nghĩa là Thiên-Chúa phải lấy bụi từ đất để nặn ra con người !?
Nếu hiểu và phát biểu hoàn toàn theo ý như vậy, vô tình người phát biểu đã biến một Thiên-Chúa toàn năng thành một Thiên-Chúa hữu hạn. Nghĩa là, Ngài phải nhờ vào vật liệu sẵn có để làm ra con người.
Người chủ trương đọc sao hiểu vậy không biết được rằng : St 2:7, chỉ là một cách viết, chỉ là một cách trình bày có chủ đích của Thiên-Chúa, mục đích cho loài người nhận-biết về tính chất sự hiện hữu của họ khi so sánh với sự hiện hữu của Chúa Giê-su.
Lời Chúa đã luôn dạy cho loài người biết : tất cả mọi loài đều bởi một Cha (Gioan, Giăng 8:41. He 2:11. Cv 17:24-28)  trên trời mà được hiện hữu sống động; nhưng tính chất được hiện hữu thì lại khác nhau hoàn toàn.
Kinh-thánh viết loài người bởi đất mà ra : “7 GIA-VÊ là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người”. Nhưng, ngược lại, Chúa Giê-su thì bởi Đức Chúa-Trời hằng hữu mà ra : “42 Đức Chúa Jêsus phán rằng: Ví bằng Đức Chúa Trời là Cha các ngươi thì các ngươi sẽ yêu ta, vì ta bởi Đức Chúa Trời mà ra và từ Ngài mà đến; bởi chưng ta chẳng phải đã đến tự mình đâu, nhưng ấy chính Ngài đã sai ta đến”(Gioan, Giăng 8:42) hoặc như :“ 28 Ta ra từ Cha mà đến thế gian; nay ta lìa bỏ thế gian mà về cùng Cha. (Gioan, Giăng 16:28)  
Câu chìa khóa cho mọi lý luận về sự hiện hữu của mọi loài thọ tạo :  3 Bởi đức tin, chúng ta biết rằng thế gian đã làm nên bởi lời của Đức Chúa Trời, đến nỗi những vật bày ra đó đều chẳng phải từ vật thấy được mà đến” (Do-thái, Hebrew 11:3). Như vậy, kinh thánh viết rằng : “7 GIA-VÊ là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người” chỉ là biểu tượng nhằm diễn đạt một chân lý mà Thiên- Chúa muốn khải thị cho loài người, đó là : họ hoàn toàn không hiện hữu trước khi Ngài sáng tạo, và đến khi họ được hiện hữu chính là bởi lời Ngài phán.
Loài người bởi Thiên-Chúa Cha mà ra; nhưng không phải “…từ vật thấy được mà đến” nhưng bời lời phán của Ngài qua Chúa Giê-su khiến từ không mà hiện hữu; và kinh thánh biểu tượng cho sự hiện hữu đó bằng cách viết như sau trong sáng thế 2:7 .. .. bụi từ đất… để mô tả. Chúa Giê-su cũng bởi Thiên-Chúa Cha mà ra - nhưng bởi chính bản thể Thiên-Chúa Cha là đấng hằng hữu - mà không phải, bởi hư không như loài người qua lời phán của Thiên Chúa để được hằng hữu. Chính vì vậy sách Do-thái (Hebrew) chương 1 câu 3 viết về Chúa Giê-su như sau : “3 Người là phản ánh vẻ huy hoàng, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa”. Cũng vậy, để so sánh về tính chất sự hiện hữu giữa loài người và Chúa Giê-su, sách  I Corinto 15:48-49 viết như sau : “ 48 Những kẻ thuộc về đất thì giống như kẻ bởi đất mà ra; còn những kẻ thuộc về trời thì giống như Đấng từ trời mà đến. 49 Vì thế, cũng như chúng ta đã mang hình ảnh người bởi đất mà ra, thì chúng ta cũng sẽ được mang hình ảnh Đấng từ trời mà đến. 
Chúa Giê-su phát xuất từ Đấng hằng hữu; cho nên Ngài cũng hằng hữu. Loài người từ không mà hiện hữu; nếu muốn hiện hữu mãi mãi phải luôn có Thần thiên-Chúa. Đây chính là ý nghĩa của St 2:7 mà kinh thánh dùng làm biểu tượng để nói về sự hiện hữu[2] của loài người. Nó không cho phép chúng ta hiểu hoàn toàn theo nghĩa đen. Vì nếu hiểu theo nghĩa đen chúng ta đã vô tình không nêu bật bản tánh Chúa vốn là Đấng toàn năng.
 “cây sự sống” và “cây cho biết điều thiện, điều ác” cũng vậy ! Kinh-thánh dùng hình ảnh “cây” để diễn tả về sự chọn lựa trong lòng Adam. Một là đi theo giáo huấn của Chúa biểu tượng bằng cây “ sự sống”, hai là đi theo đường riêng không cần đến Chúa, kinh-thánh biểu tượng bằng “cây cho biết điều thiện ác”.
Nếu hiểu “cây cho biết điều thiện-ác” theo nghĩa đen hoàn toàn, chúng ta sẽ bế tắc ngay trong việc đọc, và giải nghĩa lời Chúa. Như thế, vô tình chúng ta biến một Thiên Chúa toàn-ái thành ra một Thiên-Chúa cũng giống như con người bất toàn hôm nay; nghĩa là, Ngài cũng tham lam, ích kỷ, lo sợ và nhiều thứ nữa…. đọc kỹ các trích đoạn sau sẽ thấy điều này : “ St 3:22-24     22 Giê-hô-va Đức Chúa Trời phán rằng: Nầy, về sự phân biệt điều thiện và điều ác, loài người đã thành một bực như chúng ta; vậy bây giờ, ta hãy coi chừng, e loài người giơ tay lên cũng hái trái cây sự sống mà ăn và được sống đời đời chăng. 23 Giê-hô-va Đức Chúa Trời bèn đuổi loài người ra khỏi vườn Ê-đen đặng cày cấy đất, là nơi có người ra. 24 Vậy, Ngài đuổi loài người ra khỏi vườn, rồi đặt tại phía đông vườn Ê-đen các thần chê-ru-bim với gươm lưỡi chói lòa, để giữ con đường đi đến cây sự sống.
Giải nghĩa kinh thánh hoàn toàn nghĩa đen như vậy, người chủ trương, sẽ khiến người đọc hiểu sai về bản tánh thiên-Chúa; và như vậy, mặc nhiên không quy vinh hiển vốn là bản tánh Ngài.
Ngày nay, rất nhiều vị xưng mình là giáo-sư kinh thánh……  với nhiều học vị cao, rất cao; họ đã viết, giải nghĩa và dạy dỗ về kinh thánh. Chúng ta tôn trọng họ cũng như công việc của họ; nhưng những nội dung kinh thánh mà họ giải nghĩa phải cần xem xét lại một cách cẩn thận theo cách như dân thành Bê-rê xưa (Be-roi-a). Theo cách dân thành Be-roi-a (Bê-rê) xưa, nghĩa là, bất kỳ nội dung của sự giải nghĩa nào - và bởi ai; tất cả, đều cần phải hội đủ nguyên tắc cốt lõi sau đây : Nêu bật bản tánh Chúa qua các sự kiện, các hình ảnh, màu sắc, con số…. mà kinh-thánh trình bày; đồng thời sự nêu bật đó phải hòa hợp trong toàn bộ nội dung kinh thánh.
Nguyên tắc nêu trên sẽ được chứng minh qua cách giải nghĩa sau đây về hình ảnh của hai cây : “ cây sự sống”, “cây cho biết điều thiện-ác”; qua đó, người đọc sẽ thẩm định về nguyên tắc này.
Đặt giả thiết : hai cây : “Sự sống” và cây “ cho biết “thiện-ác” được kinh thánh dùng làm biểu tượng.
Căn cứ vào nguyên tắc : Nội dung giải nghĩa kinh thánh phải nêu bản tánh Chúa và hòa hợp trong toàn bộ kinh thánh. Chúng ta khẳng định hai cây đó chỉ là biểu tượng mà không có thực như các loài thực vật khác. Các liệt kê sau đây bởi Lời Chúa mạc-khải chính là cơ sở vững vàng để phát biểu như trên :
1.      Hai “Cây sự sống” và “cây cho biết thiện-ác” chỉ là biểu tượng :
Đọc cẩn thận chương hai từ câu số 8 trở đi cho đến hết câu số 24 trong chương ba Sáng-thế chúng ta sẽ nhận thấy bối cảnh sau đây :
ü  Vườn Eden được thiết lập, ở giữa vườn có hai cây “sự sống” và cây “cho biết điều thiện-ác” (St 2:8-9).
ü  Thiên-Chúa khuyến cáo về sự sống của Adam: “16 GIA-VÊ là Thiên Chúa truyền lệnh cho con người rằng : “Hết mọi trái cây trong vườn, ngươi cứ ăn ; 17 nhưng trái của cây cho biết điều thiện điều ác, thì ngươi không được ăn, vì ngày nào ngươi ăn, chắc chắn ngươi sẽ phải chết.”(St 2:16-17).
ü  Adam vi phạm, ông không ăn năn mà tự giải quyết sự vi phạm đó theo cách của riêng ông (St 3:6-7). Thiên-Chúa hỏi về tình trạng Adam nhưng ông lẩn trốn (St 3:8-13).
ü  Thiên-Chúa kết án Sa-tan. Thiên-Chúa công bố tin vui cứu-chuộc. Thiên-Chúa cho biết hậu quả sự vi phạm mà Adam gây ra (St 3:14-19).
ü  Giải pháp hình bóng về sự cứu chuộc của Thiên-Chúa trước tình trạng tội lỗi của Adam (St 3:21).
ü  Thiên-Chúa cho biết về tính chất vi phạm của Adam : hành vi phạm luật Chúa của Adam, đã khiến cho tính cách ông ngang bằng với Thiên-Chúa. Adam cứng lòng không ăn năn, điều đó đồng nghĩa với việc ông không cần đến Thiên-Chúa là nguồn sự sống thật (St 3:22).
ü  Xa cách nguồn sự sống thật nên ông chỉ là xác thịt (St 3:23)
ü  Sự sống thật, Adam không cần. Nhưng Thiên-Chúa, những gì Ngài đã trù liệu thì không bao giờ, hoặc bất kỳ hoàn cảnh nào khiến Ngài phải thay đổi. Sự sống đời đời dành cho loài người sẽ được thành tựu như Ngài đã phán hứa; do đó, Ngài lại bắt đầu một hình thức ân sủng khác cho loài người sau Adam. Nhưng đồng thời Ngài cũng cho loài ngườì biết về tình trạng không thể có gì tốt đẹp; khi mà, nơi họ không có Chúa ở cùng, cho đến khi sự giao-hòa giữa Thiên-Chúa và loài người được thiết lập trở lại theo giải pháp duy nhất của chính Ngài (St 3:24).

Tóm tắt : Nếu hiểu hoàn toàn nghĩa đen từ câu số 8 cho đến câu số 24 của chương ba; mặc nhiên, chúng ta sẽ biến một Thiên-Chúa toàn năng, toàn ái thành một Thiên-Chúa đầy thù hận, ghen tương, ích kỷ cũng như loài người hữu hạn.

Nhưng như chúng ta biết, sau khi Adam vi phạm, Thiên-Chúa đã phải công bố một loạt những vấn đề cần thiết cho sự sống đời đời; trong đó, sự thật về hậu quả bất tuân được công bố để loài người ý thức và qua đó chọn lựa cho tương lai một khi Chúa Giê-su thực hiện xong sự cứu chuộc.
Trở lại vấn đề, nếu cứ giải nghĩa nội dung St 3:22-24 theo mặt chữ, thì ý nghĩa của câu số 22 như sau : Thiên Chúa nhận thấy Adam ngang bằng với mình thì Ngài SỢ . Sợ ! rồi sau đó Ngài ĐUỔI Adam ra khỏi vườn (St 3:23); chưa đủ, để cho yên chí Ngài lại phải cho các Thiên-sứ CANH GIỮ đường dẫn đến cây sự sống (St 3:24). Như vậy, chúng ta thấy một loạt những hành động của Thiên Chúa “toàn năng” bao gồm : Sợ, Đuổi, Canh giữ. Nếu cứ theo nghĩa đen giải nghĩa chúng ta thấy gì ???
Một mâu thuẫn nữa không thể giải nghĩa được, mà nếu có cố tình giải nghĩa thì cũng sẽ làm cho vấn đề đã sai lại càng thêm sai. Đó là trước khi Adam vi phạm ông ta đã từng ăn trái của “cây sự sống”. Vậy tại sao khi ông ta ăn trái của “cây cho biết thiện-ác” ông ta lại phải chết ??? Nếu như chưa ăn trái của cây sự sống, thì khi vi phạm không ăn năn, mặc nhiên Adam đã là kẻ chết. Làm sao trái của cây sự sống - nó có khả năng như Thiên-Chúa(!?); trái đó, có thể khiến cho Adam sống mãi được, cho dù ông ta sống trong tội ???
Xin đọc kỹ trích đoạn sau và suy gẫm trong Thần-linh Chúa : “22 GIA-VÊ là Thiên Chúa nói : “Này con người đã trở thành như một kẻ trong chúng ta, biết điều thiện điều ác. Bây giờ, đừng để nó giơ tay hái cả trái cây trường sinh mà ăn và được sống mãi.”(St 3:22).
Kết luận : Trong lòng Adam luôn có sự lựa chọn và chỉ có hai con đường. Hai con đường đó được kinh thánh biểu tượng bằng hai cây : Sự sống và cây cho biết điều thiện ác. (Xin đọc lại ý nghĩa của Eden).

2.      Biểu tượng : Nguồn của sự sống-thật chỉ có ở nơi Thiên-Chúa :
Tv(thi) 36:9   9 Vì nguồn sự sống ở nơi Chúa;Trong ánh sáng Chúa chúng tôi thấy sự sáng.  Nguồn của sự sống chỉ duy nhất thuộc về Thiên-Chúa. Đây là thuộc tính đặc biệt, tuyệt đối mà Ngài không thể nhường cho bất kỳ tạo vật nào khác, ngoài trừ con một của Ngài là Chúa Giê-su. (Gie 2:13. 17:13)

3.      Thực vật, động vật chúng không phải là ngôi vị :
Nguyên tắc làm đầu trong kinh thánh ( I Co 11:3) cho phép loài người chi phối trên động-thực-vật.
St 1:28   28 Thiên Chúa ban phúc lành cho họ, và Thiên Chúa phán với họ : “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất. Hãy làm bá chủ cá biển, chim trời, và mọi giống vật bò trên mặt đất.”
St 2:19-20  19 ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa lấy đất nặn ra mọi dã thú, mọi chim trời, và dẫn đến với con người xem con người gọi chúng là gì : hễ con người
gọi mỗi sinh vật là gì, thì tên nó sẽ là thế. 20 Con người đặt tên cho mọi súc vật, mọi chim trời và mọi dã thú, nhưng con người không tìm được cho mình một trợ tá tương xứng.
Do đó không một loài thọ tạo nào được Thiên Chúa ban cho quyền; khả dĩ, ban được sự sống cho loài người.

4.      Cây sự sống” là biểu tượng chỉ về Chúa Giê-su :
      Ý nghĩa của văn mạch : “St 3:6-7 6 Người đàn bà thấy trái cây đó : ăn thì phải ngon, trông thì đẹp mắt, và đáng quý  vì làm cho mình được tinh khôn.  Bà liền hái trái cây mà ăn, rồi đưa cho cả chồng đang ở đó với mình ; ông cũng ăn.  7 Bấy giờ mắt hai người mở ra, và họ thấy mình trần truồng : họ mới kết lá vả làm khố che thân.
Phân tích trích đoạn kinh thánh trên chúng ta thấy : Khi Adam phạm tội, có nghĩa là, Ông đã ăn trái Thiên Chúa cấm : trái của “cây cho biết điều thiện, điều ác”. Khi ấy, cả hai ông bà đều nhận ra sự vi phạm : “Bấy giờ mắt hai người mở ra, và họ thấy mình trần truồng”… nhưng họ lại không ăn năn mà tự giải quyết tội lỗi theo cách của riêng mình : “họ mới kết lá vả làm khố che thân.” Hậu quả của sự bất tuân đó là sự chết (St 2:15-17. 3:19).
Đã bất tuân lại không hề ăn năn thì sao có thể ăn trái của cây “sự sống” mà được sống mãi ??? Vì trước khi chưa phạm tội ông-bà đã từng ăn trái “cây sự sống” vậy thì tại sao trái của cây đó không giữ để ông bà khỏi chết sau khi đã ăn “trái của cây thiện ác” !?
Kinh thánh không hề mâu thuẫn, chắc chắn một điều : “cây sự sống” là biểu tượng để chỉ về một Đấng có thẩm quyền ban cho sự sống. Chúng ta tìm hiểu tiếp sau đây để ý nghĩa của biểu tượng “cậy sự sống” được sáng tỏ.
Cn 3:17-19   17 Đường khôn ngoan là đường thú vị, nẻo khôn ngoan là nẻo bình an. 18 Khôn ngoan chính là cây sự sống đối với người nào nắm được khôn ngoan. Giữ được khôn ngoan quả là hạnh phúc. 19 YAVE dùng khôn ngoan đặt nền cho trái đất, dùng hiểu biết thiết lập các tầng trời.
“19 YAVE dùng khôn ngoan đặt nền cho trái đất, dùng hiểu biết thiết lập các tầng trờicho chúng ta liên tưởng đến  : Chúa Giê-su, vì Ngài Chính là sự khôn ngoan của Thiên-Chúa. Sách Châm ngôn xác nhận điều đó như sau :
Cn 8:1-36  1 Hỏi rằng Đức Khôn Ngoan đã không mời gọi,và Hiểu Biết đã chẳng lên tiếng đó sao ? 2 Trên đỉnh cao bên đường phố, tại các giao lộ, Đức Khôn Ngoan đứng đó ;3 bên cổng dẫn vào thành, nơi lối đi tới cửa thành, Đức Khôn Ngoan kêu to : 4 “Phàm nhân hỡi, ta mời gọi các ngươi đó, ta ngỏ lời với các ngươi, hỡi con cái loài người.5 Hỡi những kẻ ngây thơ, hãy học cho biết điều khôn khéo; hỡi những người ngu xuẩn, hãy học cho biết lẽ phải chăng. 6 Nghe đây, ta sẽ công bố những lời cao quý, môi ta sẽ thốt lên  những điều  ngay thẳng. 7 Miệng ta nói sự thật, môi ta ghê tởm chuyện gian tà. 8 Mọi lời ta nói ra đều ngay
chính, không có chi sai lạc, chẳng có gì quanh co. 9 Đối với ai am hiểu, mọi lời của ta đều đứng đắn ; đối với người có được tri thức, mọi lời của ta đều ngay
thẳng. 10 Hãy đón nhận lời nghiêm huấn của ta quý hơn cả bạc, hãy đón nhận tri thức quý hơn vàng ròng. 11 Khôn ngoan đáng quý hơn cả trân châu, không báu vật nào so sánh nổi.” Đức Khôn Ngoan tự ca ngợi 12 “Ta là Khôn Ngoan, ta làm bạn cùng mưu trí,ta biết đường suy tính đắn đo.13 (Kính sợ ĐỨC CHÚA là gớm ghét điều dữ).Thói kiêu căng ngạo mạn, và lối sống bất lương cũng như những lời gian manh, tráo trở, đó là những điều ta chê ghét.14 Ta nắm mưu lược và thành công, ta có hiểu biết và sức mạnh.15 Chính nhờ ta, mà vua chúa biết cầm quyền trị nước,các thủ lãnh có những phán quyết công bình.16 Cũng nhờ ta, hàng lãnh đạo biết cách điều khiển, giới cầm quyền biết xét xử công minh. 17 Kẻ yêu ta sẽ được ta yêu lại, người tìm ta ắt sẽ gặp ta. 18 Bên cạnh ta là giàu sang, danh giá,là phú quý bền lâu và thịnh vượng.19 Trái trăng ta cho hưởng quý hơn cả vàng ròng, hoa lợi ta tặng ban tốt hơn bạc nguyên chất.20 Ta bước đi trên lối công bình, đi giữa nẻo công minh chính trực,21 để làm giàu cho những kẻ yêu ta,khiến kho tàng của họ thêm phong phú. Đức Khôn Ngoan trong công trình sáng tạo 22 “ĐỨC CHÚA đã dựng nên ta như tác phẩm đầu tay của Người, trước mọi công trình của Người từ thời xa xưa nhất. 23 Ta đã được tấn phong từ đời đời,từ nguyên thuỷ, trước khi có mặt đất. 24 Khi chưa có các vực thẳm,khi chưa có mạch nước tràn đầy, ta đã được sinh ra. 25 Trước khi núi non được đặt nền vững chắc,trước khi có gò nổng, ta đã được sinh ra,26 khi ĐỨC CHÚA chưa làm ra mặt đất với khoảng không, và những hạt bụi đầu tiên tạo nên vũ trụ. 27 Đã có ta hiện diện khi Người thiết lập cõi trời,khi Người vạch một vòng tròn trên mặt vực thẳm,28 khi Người làm cho mây tụ lại ở trên cao và cho các mạch nước vọt lên từ vực thẳm, 29 khi Người định ranh giới cho biển, để nước khỏi tràn bờ, khi Người đặt nền móng cho đất. 30 Ta hiện diện bên Người như tay thợ cả.Ngày ngày ta là niềm vui của Người, trước mặt Người, ta không ngớt vui chơi,31 vui chơi trên mặt đất, ta đùa vui với con cái loài người. Lời kêu gọi khẩn thiết 32 “Giờ đây, hỡi các con, hãy nghe ta. Phúc thay người bước theo đường lối ta chỉ bảo. 33 Muốn nên khôn, phải nghe lời nghiêm huấn, đừng bao giờ gạt bỏ. 34 Phúc thay người lắng nghe ta dạy, ngày ngày canh thức trước cửa nhà ta, túc trực ở ngay lối ra vào. 35 Vì gặp được ta là gặp sự sống,và hưởng ân lộc Ya-vê ban cho. 36 Còn ai phạm đến ta là làm hại chính mình, mọi kẻ ghét ta là yêu cái chết.” Đức Khôn Ngoan mở tiệc đãi khách
      Và chính Chúa Giê-su được trao cho quyền sáng tạo mọi loài :
Giăng (Gioan) 1:1-2   1 Ban đầu có Ngôi Lời, Ngôi Lời ở cùng Đức Chúa Trời, và Ngôi Lời là Đức Chúa Trời. 2 Ban đầu Ngài ở cùng Đức Chúa Trời. 3 Muôn vật bởi Ngài làm nên, chẳng vật chi đã làm nên mà không bởi Ngài.
Colose 1:15-16    15 Ấy chính Ngài là hình ảnh của Đức Chúa Trời không thấy được, là Đấng sanh ra đầu hết thảy mọi vật dựng nên. 16 Vì muôn vật đã được dựng nên trong Ngài, bất luận trên trời, dưới đất, vật thấy được, vật không thấy
được, hoặc ngôi vua, hoặc quyền cai trị, hoặc chấp chánh, hoặc cầm quyền, đều là bởi Ngài và vì Ngài mà được dựng nên cả.

5.      Cây sự sống” là Biểu tượng của mọi hình thức ân sủng :
Trong trình thuật sáng thế chương ba, Thiên-Chúa bắt đầu một hình thức ân sủng (ân-điển) khác dành cho nhân loại. Mục đích Thiên-Chúa bắt đầu hình thức ân sủng này cho loài người sau Adam, chính là làm cho họ nhận ra sự thật tuyệt đối sau :
ü  Thiên-Chúa :  Chỉ duy nhất nơi Ngài là có sự sống thật để ban cho nhân loại (St 3:22-24).
ü  Loài người :   Tự đi bằng sức riêng (St 3:22) không thể đạt đến sự sống đời đời.
Các câu 22 cho đến  câu 24 trong sáng thế ký, nội dung không gì khác hơn ngoài việc Thiên Chúa bắt đầu một hình thức ân sủng khác sau khi loài người từ bỏ lời dạy của Ngài và tự đi bằng chính đôi chân của mình : “…Này con người đã trở thành như một kẻ trong chúng ta, biết điều thiện điều ác.”  xét về tính chất của sự chọn lựa đó Thiên chúa phán rằng : “Bây giờ, đừng để nó  giơ tay hái cả trái cây trường sinh mà ăn và được sống mãi.”
Phạm tội không ăn năn, sao có thể hái trái của cây sự sống để ăn, mà được sống mãi được !!! Vậy câu này có một ý nghĩa sâu nhiệm tương đương với câu sau đây : “27 vì lòng dân này đã ra chai đá : chúng đã bịt tai nhắm mắt, kẻo mắt chúng thấy, tai chúng nghe, và lòng hiểu được mà hoán cải, và rồi Ta sẽ chữa chúng cho lành”(Cv 28:27).
Thiên-Chúa chỉ bắt đầu một hình thức ân sủng khác khi mà loài người không còn có Chúa. Sự khởi đầu một hình thức ân sủng này chỉ vì Ngài yêu thương loài người và vì tính chất của tình yêu đó không hề thay đổi như lời Ngài đã hứa từ thuở đời đời, đó là : Sự sống đời đời sẽ được ban nhưng không cho nhân loại (Tit 1:2). Nên hình thức của tình yêu mà Ngài bày tỏ phải luôn luôn mới và phù hợp với mục đích của Ngài dành cho đối tượng trong mọi tình trạng của họ. Các ơn ban cho không đó chúng ta gọi là ân sủng.

6.      “Cây sự sống” trong trời mới, đất mới :
Chung cục của lịch sử nhân loại, “cây cho biết điều thiện-ác” không còn được kinh thánh nhắc đến nữa. Vì sao ?
Tất cả những ai đã trải qua cuộc sống trên đất, thái độ phát suất từ lòng tin vào Chúa Giê-su đã thể hiện qua sự trung tín với giáo huấn của Thiên-Chúa. Họ đã từ khước tất cả những gì thuộc về sự kiêu căng không tuân phục thẩm quyền Thiên-Chúa được tiêu biểu bằng cây “cho biết điều thiện ác”. Sự khước từ đó đã nói lên một tấm lòng trung tín bước theo giáo huấn của Chúa là “cây sự sống” nên chung cuộc lịch sự nhân loại chỉ còn “cây sự sống” tiêu biểu cho Chúa là Đấng ban nguồn sống. Cây “thiện-ác” là tri thức hữu hạn của loài người không còn ý nghĩa trong cõi vô hạn và như vậy kinh thánh đã không nhắc đến.
Sách Khải huyền đoạn hai câu bẩy (Kh 2:7) trình bày cho chúng ta biết về tình trạng của hội thánh tại Êpheso : hội thánh này đã đánh mất tình yêu ban đầu dành cho Chúa; nghĩa là họ không còn giữ lời Chúa dạy một cách sống động như lúc ban đầu khi họ đón nhận Chúa. Chúa cũng khen và cũng khuyến cáo họ. Khuyến cáo : hãy củng cố chút tình yêu còn lại để ăn năn quay về với Chúa; có như vậy, họ mới được hưởng sự sống đời đời tiêu biểu bằng việc ăn trái “cây sự sống”, trong nước của Ngài : Ba-ra-đi. Đọc trích đoạn sau đây :
Kh 2:1-7   1 Hãy viết cho thiên sứ của Hội thánh Ê-phê-sô rằng: Nầy là lời phán của Đấng cầm bảy ngôi sao trong tay hữu và đi chính giữa bảy chân đèn vàng: 2 Ta biết công việc ngươi, sự khó nhọc ngươi, sự nhịn nhục ngươi; ta biết ngươi không thể dung được những kẻ ác, lại biết ngươi đã thử những kẻ tự xưng là sứ đồ mà không phải là sứ đồ, ngươi đã rõ rằng chúng nó giả dối. 3 Ngươi hay nhịn nhục và chịu khó vì danh ta, không mệt nhọc chút nào. 4 Nhưng điều ta trách ngươi, là ngươi đã bỏ lòng kính mến ban đầu. 5 Vậy hãy nhớ lại ngươi đã sa sút từ đâu, hãy ăn năn và làm lại những công việc ban đầu của mình; bằng chẳng vậy, ta sẽ đến cùng ngươi, nếu ngươi không ăn năn thì ta sẽ cất chân đèn của ngươi khỏi chỗ nó. 6 Song ngươi có điều nầy khá, là ngươi ghét những việc làm của đảng Ni-cô-la, mà ta, ta cũng ghét nữa. 7 Ai có tai, hãy nghe lời Đức Thánh Linh phán cùng các Hội thánh rằng: Kẻ nào thắng, ta sẽ cho ăn trái cây sự sống ở trong Ba-ra-đi [†]của Đức Chúa Trời.” chúng ta đọc thêm một trích đoạn nữa : Kh 22:14  14 Phước thay cho những kẻ giặt áo mình đặng có phép đến nơi cây sự sống và bởi các cửa mà vào trong thành !  Đơn giản là, kẻ nào giữ vững đường lối Chúa tức là kẻ chiến thắng tội lỗi; chiến thắng con người cũ; chiến thắng ác thần thì thành quả của họ là được Chúa Giê-su cho ăn “trái cây sự sống” ; được Chúa Giê-su ban cho sự sống đời đời trong nước của Ngài.  Tương tự như vậy trong Khải huyền đoạn 22 câu một (Kh 22:1) kinh thánh trình bày về cây sự sống như sau : “1 Thiên sứ chỉ cho tôi xem sông nước sự sống, trong như lưu ly, từ ngôi Đức Chúa Trời và Chiên Con chảy ra. 2 Ở giữa phố thành và trên hai bờ sông có cây sự sống trổ mười hai mùa, mỗi tháng một lần ra trái; và những lá cây đó dùng để chữa lành cho các dân. 3 Chẳng còn có sự nguyền rủa nữa; ngôi của Đức Chúa Trời và Chiên Con sẽ ở trong thành; các tôi tớ Ngài sẽ hầu hạ Ngài; 4 chúng sẽ được thấy mặt Chúa, và danh Chúa sẽ ở trên trán mình. Đêm không còn có nữa, 5 và chúng sẽ không cần đến ánh sáng đèn hay ánh sáng mặt trời, vì Chúa là Đức Chúa Trời sẽ soi sáng cho; và chúng sẽ trị vì đời đời”
Ở trong trời mới đất mới không có sự rủa-sả do tội lỗi gây ra nữa, do đó : “2 Ở giữa phố thành và trên hai bờ sông có cây sự sống trổ mười hai mùa, mỗi tháng một lần ra trái; và những lá cây đó dùng để chữa lành cho các dân”  Chúng ta biết chỉ có Chúa là Đấng duy nhất ban cho loài người được sự sống; và cũng chính bởi nơi Chúa mới có sự chữa lành; mới có sự an ủi. Phước lành và sự an ủi tượng trưng bởi “lá cây” (Exe 47:12. Tv,Thi 1:3).
Trích đoạn trong Giê-rê-mi sau đây làm sáng tỏ về ý nghĩa của “cây sự sống” và “lá cây sự sống” :
Giê 47:1-12   1 Kế đó, người dẫn ta đem ta về cửa nhà; và nầy, có những nước văng ra từ dưới ngạch cửa, về phía đông; vì mặt trước nhà ngó về phía đông; và những nước ấy xuống từ dưới bên hữu nhà, về phía nam bàn thờ. 2 Người đem ta ra bởi đường cổng phía bắc, và dẫn ta đi vòng quanh bởi đường phía ngoài, cho đến cổng ngoài, tức là bởi đường cổng hướng đông; và nầy, có những nước chảy về bên hữu. 3 Người dẫn ta sấn lên phía đông, tay cầm một cái dây, lấy dây đo được một ngàn cu-đê; người khiến ta lội qua nước, nước vừa đến mắt cá ta. 4 Người lại đo một ngàn, và khiến ta lội qua nước, nước vừa đến đầu gối ta. Người lại đo một ngàn, và khiến ta lội qua nước, nước lên đến hông ta. 5 Người lại đo một ngàn nữa; bấy giờ là một con sông, ta không lội qua được; vì nước đã lên, phải đạp bơi; ấy là một con sông mà người ta không có thể lội qua. 6 Bấy giờ người bảo ta rằng: Hỡi con người, có thấy không? Rồi người đem ta trở lại nơi bờ sông. 7 Khi đến đó rồi, nầy, bên nầy và bên kia bờ sông có cây rất nhiều. 8 Người bảo ta rằng: Những nước nầy chảy thẳng đến phương đông, xuống nơi đồng bằng, và chảy về biển; và khi đã chảy về biển, nước biển sẽ trở nên ngọt. 9 Khắp nơi nào sông ấy chảy đến, thì mọi vật hay sống tức là vật động trong nước, đều sẽ được sống; và ở đó sẽ có loài cá rất nhiều. Nước ấy đã đến đó thì nước biển trở nên ngọt, và khắp nơi nào sông ấy chảy đến thì mọi vật sẽ sống ở đó. 10 Những kẻ đánh cá sẽ đứng trên bờ sông ấy; từ Ên-Ghê-đi cho đến Ên-Ê-la-im sẽ làm một nơi để giăng lưới; những cá trong đó có đủ thứ và rất nhiều, cũng như ở trong biển lớn. 11 Nhưng những chằm những bưng của biển ấy sẽ không trở nên ngọt, mà bỏ làm đất muối. 12 Gần bên sông ấy, trên bờ nầy và bờ kia, sẽ sanh đủ thứ cây có trái ăn được, lá nó không hề héo rụng, và trái nó không hề dứt. Mỗi tháng nó sẽ sanh ra trái mới, vì những nước tưới nó chảy ra từ nơi thánh. Trái nó dùng để ăn, lá nó dùng để làm thuốc.

Tóm tắt : Cây sự sống, trái của cây sự sống, lá của cây sự sống đều là những biểu tượng chỉ về Đức Chúa Trời. Và duy nhất chỉ ở nơi Ngài mới có sự sống để ban cho các tạo vật - chỉ duy nhất nơi Ngài mới có sự chữa lành - chỉ duy nhất nói Ngài mới có phước lành để ban cho các tạo vật.

Kính trong danh Chúa Giê-su Ki-tô (Christ)

Lê văn Bình





[1]   Một ếch-ta-đơ khoảng 200met
[2] Có người chỉ căn cứ vào hiện tượng để giải thích sự hiện hữu của loài người. Họ cho rằng nếu ai đó không theo cách sống của Thiên Chúa sẽ chết, đúng là như vậy. Nhưng khi chết, thân thể lại trở về bụi đất tức là vẫn hiện hữu. Đây là cách giải nghĩa chỉ căn cứ vào hiện tượng, một cách giải nghĩa biện chứng mà không có sự khải thị của Thiên Chúa. Thiên Chúa muốn cách loài người hiện hữu như vậy sao ??? (Tito, Tit 1:2)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét